Thành lập Ủy ban Lưu vực sông để quản lý nguồn nước
Sáng nay, 4/6, chương trình phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp 7 Quốc hội khóa XV bắt đầu với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh.
Theo đó, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cùng các thành viên Chính phủ sẽ trả lời chất vấn về các vấn đề liên quan đến việc quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển quốc gia; tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an ninh nguồn nước.
Cùng đó là giải pháp phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu, suy giảm, ô nhiễm nguồn nước; giải pháp nghiên cứu, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng và tài nguyên, khoáng sản quý hiếm.
Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đăng đàn, trả lời chất vấn tại phiên họp Quốc hội.
Cùng với đó, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, bộ trưởng các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông-Vận tải cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Thành lập Ủy ban Lưu vực sông để quản lý nguồn nước
Liên quan tới vấn đề ô nhiễm nguồn nước, Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn chất vấn về việc hiện có nhiều dòng “sông chết”, bị xả thải tại nhiều nơi, đi qua nhiều tỉnh, đặc biệt là sông Nhuệ đáy được Bộ TN&MT đánh giá ô nhiễm nghiêm trọng nhiều năm qua nhưng chưa được giải quyết
Trả lời nội dung trên, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, liên quan tới các lưu vực sông, thượng nguồn, hạ nguồn, vừa qua chúng ta đã thấy được các tồn tại.
Do đó, Chính phủ đã trình Quốc hội quy định về tổ chức lưu vực sông. Đây là lần đầu tiên chúng ta đưa ra quy định này. Tổ chức lưu vực sông là tổ chức liên ngành do Thủ tướng thành lập, quyết định số lượng, cơ cấu hoạt động...
Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặc Quốc Khánh trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: QH |
Cùng với đó, Bộ TN&MT cũng dự kiến ban hành các quy định liên quan tới tổ chức một số lưu vực sông, theo hướng các Chủ tịch UBND của tỉnh phải tham gia vào tổ chức lưu vực sông này, phân rõ trách nhiệm của các địa phương, đặc biệt là các địa phương đầu nguồn nước. Các quy định này ngày 1/7 tới sẽ tiến hành ngay.
Trước chất vấn về việc tình trạng ô nhiễm ngày càng tăng thêm, chưa được kiểm soát triệt để, Bộ trưởng Đặc Quốc Khánh cho rằng, do phát triển kinh tế xã hội, nhu cầu dùng nước tăng lên, trong 50 năm qua tăng lên 3 lần. Tại các đô thị như sông Nhuệ Đáy, sông Cầu, sông Bắc Hưng Hải… khu dân cư lấp đầy, đô thị hóa dẫn tới xả thải, đặc biệt là nước thải sinh hoạt nhiều hơn mà chủ yếu là nước hóa chất.
Đưa ra giải pháp tiếp theo, Bộ trưởng TN&MT đánh giá, cần tạo dòng chảy để hòa tan, làm trạm bơm Bắc Hưng Hải xử lý cục bộ; đồng thời thực hiện nạo vét, khơi thông trầm tích bùn lắng đọng bên dưới, nâng cao trách nhiệm cộng đồng và doanh nghiệp.
Thiếu nhà máy xử lý rác thải
Liên quan đến vấn đề rác thải nhựa, đại biểu Lê Quân (Hà Nội) đề nghị Bộ trưởng làm rõ thời điểm có thể quy định cấm hoặc hạn chế, đánh thuế phí cao đối với việc sử dụng rác thải nhựa, đặc biệt là trong các sinh hoạt, tiêu dùng đối với túi bóng?
Bên cạnh đó, đại biểu nêu hiện công nghệ cho phép sản xuất được polymer nhựa hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp như vỏ chanh, dứa. Nhưng giá thành cao hơn 3-4 lần polymer nhựa vô cơ. Do đó, nên có chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp và người dân, nhà khoa học đầu tư sản phẩm thay thế để hạn chế sử dụng rác thải nhựa không?
Trả lời nội dung về rác thải nhựa, Bộ trưởng Khánh cho biết, theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, bộ đã có chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương trong việc xử lý rác thải nhựa này phải có phân loại, thu gom, xử lý.
Theo Bộ trưởng TN&MT, theo lịch trình, đến năm 2025 phải thực hiện việc này, tuy nhiên hiện đang gặp rất nhiều khó khăn.
Bộ đã phối hợp với các địa phương, tổ chức chính trị - xã hội để tuyên truyền tới nhân dân nhưng việc các địa phương lo lắng là thu gom, xử lý nhưng thiếu các nhà máy, do đó cần tăng cường đầu tư trong thời gian tới.
Về công nghệ polymer nhựa hữu cơ, bộ trưởng Khánh nói là rất tốt và muốn xử lý triệt để. Về chính sách cần nghiên cứu, tham mưu để có chính sách phù hợp. Thời gian tới sẽ kêu gọi các đơn vị nghiên cứu, tham mưu báo cáo cấp có thẩm quyền.
Nguồn: Báo Đầu tư