Tập huấn “Nâng cao năng lực xúc tiến thương mại ngành hàng nông sản, thực phẩm và đồ uống sang thị trường châu Âu”
Ngày 22/9/2023 Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp cùng Cục Xúc tiến Thương mại - tổ công tác phía nam, tổ chức chương trình Tập huấn “Nâng cao năng lực xúc tiến thương mại ngành hàng nông sản, thực phẩm và đồ uống sang thị trường châu Âu”. Chương trình nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp ngành thực phẩm và đồ uống tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận tìm hiểu và cập nhật xu hướng tiêu dùng xanh của thị trường châu Âu đối với hàng nông sản thực phẩm và đồ uống; cập nhật quy tắc chứng nhận xuất xứ (CO), chia sẻ các công cụ quản trị rủi ro và cấp mã số DUNS cho doanh nghiệp và kinh nghiệm tham gia Hội chợ, triển lãm ngành tại thị trường châu Âu.
Chương trình Tập huấn có sự tham gia của Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC), Cục Xúc tiến Thương mại (VIETRADE). Các diễn giả đến từ Hiệp Hội rau quả Việt Nam, Cục Xuất nhập khẩu, SIPPO Việt Nam và CRIF D&B cùng với hơn 150 lãnh đạo của các doanh nghiệp đến từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận trong các lĩnh vực nông sản, thủy sản, thực phẩm, đồ uống.
Phát biểu tại buổi Tập huấn, bà Bùi Hoàng Yến, Phó Văn Phòng Cục Xúc Tiến Thương Mại Phía Nam, Bộ Công Thương cho biết châu Âu là một trong những thị trường có sức tiêu thụ sản phẩm thực phẩm và đồ uống có giá trị lớn nhất hiện nay. Trong những tháng đầu năm 2023, thị trường châu Âu đã nhập khẩu một khối lượng đáng kể hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam, như: gạo, cà phê, cao su, thủy sản... 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang châu Âu đạt 749,8 triệu USD, đạt 51,5% kim ngạch 2022. Riêng hạt điều lũy kế 5 tháng đầu năm 2023 xuất khẩu đạt 271,3 triệu USD, đạt 30% kim ngạch năm 2022. Xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang EU đạt 177,1 triệu USD, đạt 50,4% kim ngạch năm 2022. Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU đạt 376,2 triệu USD, đạt 28,9% kim ngạch năm 2022, đứng thứ 9 của các thị trường cung cấp thủy sản cho EU. Trong khi đó các sản phẩm đồ uống của Việt nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng nhu cầu thị trường.
Tại buổi tập huấn, bà Trần Như Trang, Trưởng đại diện Sippo tại Việt Nam đã chia sẻ về xu hướng tiêu dùng xanh của thị trường châu Âu đối với hàng nông sản, thực phẩm và đồ uống. Đó là những xu hướng như không quảng cáo xanh trên sản phẩm, lỗi nhãn dán trên sản phẩm, hệ sinh thái bền vững của sản phẩm, thương mại cân bằng đối với các dòng hàng nông sản thực phẩm và quy trình sản xuất, đóng gói, vận chuyển từ khâu trồng trọt đến khâu vận chuyển đến tay người tiêu dùng, đảm bảo các tiêu chí về nguồn gốc xuất xứ, tỷ lệ đạm thực vật, đường, tính hữu cơ của sản phẩm, mang tính bền vững và có trách nhiệm xã hội... Thông tin này giúp doanh nghiệp nắm rõ xu hướng tiêu dùng xanh của thị trường châu Âu, cập nhật một số quy định pháp lý mới và chứng chỉ cho thực phẩm và đồ uống được Liên minh châu Âu phê chuẩn trong giai đoạn 2022 đến hết năm 2023 và dự kiến còn tiếp tục.
Bên cạnh đó bà Nguyễn Thị Trọng Nghĩa, Phó Trưởng phòng Quản lý Xuất Nhập khẩu - Cục Xuất Nhập khẩu, khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, cập nhật quy tắc chứng nhận xuất xứ (CO) hàng nông sản, thực phẩm và đồ uống sang thị trường châu Âu với các nội dung như xuất xứ thuần túy, xuất xứ không thuần túy thông qua các Hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết với các nước như FTA, CPTPP, ATIGA, RCEP... Doanh nghiệp cần nắm rõ thông tin hồ sơ được hưởng thuế xuất ưu đãi thuế quan, giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí để nâng cao hiệu quả hoạt động. Ngoài ra để hưởng được các ưu đãi thông qua chứng nhận xuất xứ CO yêu cầu doanh nghiệp phải nắm rõ thông tin và tiêu chí trong quy tắc xuất xứ nguồn gốc trong nuôi trồng, sản xuất và chế biến hàng hóa.
Ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng Giám đốc CRIF D&B Việt Nam cũng chia sẻ các công cụ quản trị rủi ro và cấp mã số DUNS cho các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường châu Âu, giúp doanh nghiệp tránh được các mối nguy hại khi thiếu thông tin xác thực đối tác và nhà đầu tư, bên cạnh đó giúp đánh giá tình hình tài chính và pháp lý doanh nghiệp trước khi đàm phán hợp đồng. Ngoài ra mã số DUNS như là mã số định danh doanh nghiệp, giúp xác thực được thông tin doanh nghiệp một cách chính xác đảm bảo tính trung thực, được các quốc gia trên thế giới sử dụng như một điều kiện cần khi muốn xuất khẩu vào các thị trường Mỹ, châu Âu...
Tại buổi tập huấn, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam chia sẻ về tầm quan trọng của việc tham gia các hội chợ quốc tế về ngành hàng nông sản thực phẩm, giúp các doanh nghiệp gặp gỡ các đối tác, khách hàng để có cơ hội giới thiệu sản phẩm đến với khách hàng của rất nhiều nước trên thế giới. Để tăng tính hiệu quả tham gia hội chợ các doanh nghiệp nên tìm hiểu rõ các thông tin như ngành hàng, quy mô và đối tượng khách tham dự, bên cạnh đó cần tìm hiểu thời gian địa điểm có phù hợp với doanh nghiệp hay không nhằm giúp doanh nghiệp tối đa hóa chi phí và mang lại hiệu quả tốt nhất cho doanh nghiệp khi tham gia hội chợ quốc tế.
Chương trình Tập huấn thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp. Thông qua đó doanh nghiệp được chia sẻ và trao đổi cởi mở về các khó khăn thách thức cũng như cách tiếp cận khách hàng tiềm năng, nhất là những khó khăn khi doanh nghiệp muốn tiếp cận vào thị trường Châu Âu về ngành hàng nông sản, thực phẩm và đồ uống. Sự kiện đã giúp cho doanh nghiệp củng cố thêm kiến thức và vận dụng vào hoạt động xúc tiến thương mại cũng như nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trong tương lai.
Nguồn: Phòng Thông tin ITPC