Sau tăng lương, giá hàng tiêu dùng không nhiều biến động
Chị Tâm nhà ở đường Đỗ Xuân Hợp, TP. Thủ Đức thường đi chợ Phước Long mua thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu cho gia đình. Chị cho biết: Giá hàng hóa như gạo, thịt heo, dầu ăn, trứng, rau củ đã tăng giá 1 đợt trước tháng 7. Từ đầu tháng đến nay, chị đi chợ mua hàng hóa thấy giá khá ổn định, chưa có đợt tăng.
“Hôm nay đi chợ thì giá cả hàng tiêu dùng chưa tăng, vì trước đó (trước tháng 7-PV) thì đã có 1 số mặt hàng tăng giá trước khi tăng lương. Các mặt hàng đã tăng giá trước tháng 7 là gạo, dầu, thịt heo, trứng, dầu ăn và rau củ quả” - chị Tâm nói.
Sau khi tăng lương từ đầu tháng 7 đến nay giá hàng tiêu dùng thiết yếu ở TP.HCM chưa có nhiều biến động (Ảnh: Lệ Hằng)
Cùng nhận định này, chị Nga bán trứng vịt, trứng gà ở chợ Thị Nghè, quận Bình Thạnh chia sẻ: “Trước tháng 7, trứng vịt có tăng 1.000 -2.000 đồng/chục, giá trứng vịt bán tăng từ 38.000-40.000 đồng/chục. Còn từ đầu tháng 7 đến nay ổn định giá”.
Còn chị Phúc bán tạp hóa ở đường Phan Văn Hân, quận Bình Thạnh cho biết, trước tháng 7, giá dầu ăn và đường có tăng giá nhẹ, hiện giờ chị mới nhập thêm hàng. Giá có tăng nhẹ, dầu ăn tăng hơn 1.000 đồng/lít, đường chỉ tăng gần 1.000 đồng/kg nên chị vẫn giữ giá bán ổn định.
“Giờ chỉ có dầu ăn, tăng 3.000/chai 5lít, còn đường tăng hơn 20.000 đồng/bao/50 kg, các mặt hàng khác thì chưa thấy tăng” - chị Phúc nói.
Lo lắng khi lương tăng, giá hàng hóa sẽ tăng theo, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, mới đây tại kỳ họp HDND Thành phố lần thứ XVII, khóa X, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu cơ quan chức năng của Thành phố đẩy mạnh Chương trình Bình ổn giá nhẳm ổn định giá hàng tiêu dùng thiết yếu.
Từ đầu tháng 7 đến nay giá trứng khá ổn định (Ảnh: Lệ Hằng)
“Chúng ta cố gắng triển khai tiếp tục chương trình bình ổn giá, góp phần kiểm soát lạm phát chung. Làm cái gì thì làm, lương đã tăng, các chính sách trợ cấp đã có, nếu giá cả không giữ được, không bình ổn được, lạm phát tăng cao thì tăng đó (lương -PV) sẽ không có ý nghĩa. TP.HCM phải góp phần cùng cả nước giữ bình ổn” - Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên yêu cầu.
Tiết giảm chi phí để giữ giá ổn định
TP.HCM có kinh nghiệm làm tốt chương trình bình ổn thị trường nên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở đây luôn thấp hơn mức bình quân của cả nước. Riêng 6 tháng qua, chỉ số này chỉ tăng 3,26%, thấp hơn so với mức bình quân cả nước 0,8%.
Tại nhiều hệ thống siêu thị ở TP.HCM như Sai Gon Co.op, MegaMarket… hàng hóa trong chương trình bình ổn giá luôn có giá bán thấp hơn so với thị trường từ 5-10%, hè này còn có chương trình khuyến mại.
Hệ thống siêu thị của Sai Gon Co.op hàng hóa đa dạng và giá cả được bình ổn (Ảnh: Sai Gon Co.op cung cấp)
Hiện nay, Chương trình bình ổn thị trường của TP.HCM có 70 doanh nghiệp lớn tham gia với hàng ngàn doanh nghiệp cung ứng.
Để tiếp tục ổn định giá hàng tiêu dùng thiết yếu từ nay đến cuối năm, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết: “Doanh nghiệp đang cố gắng giữ giá bằng cách cắt giảm chi phí, tìm các giải pháp trong quy trình sản xuất để giảm tối thiểu chi phí trong điều kiện chi phí đầu vào tăng. Chúng tôi mở thêm kênh phân phối ở những khu vực có đông công nhân, người thu nhập trung bình, thu nhập thấp bằng những chương trình bán hàng lưu động. Chúng tôi có liên kết với các quận, huyện, ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất để gia tăng các điểm bán hàng bình ổn thị trường”.
Nguồn: VOV