Nông nghiệp Đông Nam Á lao đao vì El Nino
Nắng nóng ngột ngạt lan rộng khắp Đông Nam Á trong những tuần gần đây báo hiệu sự quay trở lại của El Nino, trước tình hình đó chính phủ trong khu vực đang chuẩn bị ứng phó với mọi thứ, từ tình trạng thiếu nước đến cháy rừng và khói bụi mù mịt, khi thời tiết ngày càng khắc nghiệt hơn.
Nhiệt độ tăng cao có thể đe dọa sản lượng nông nghiệp ở khu vực chuyên sản xuất dầu cọ, gạo, hạt cà phê và các mặt hàng khác, trong khi áp lực về nguồn cung nước và điện có thể ảnh hưởng đến ngành sản xuất đang phát triển nhanh chóng của khu vực này.
"El Nino đã đến," bà Dwikorita Karnawati, người đứng đầu cơ quan khí tượng Indonesia BMKG, nói vào đầu tháng 6. "Đỉnh điểm của El Nino được dự đoán sẽ xảy ra vào tháng 9 trên hầu hết tất cả các khu vực của Indonesia.", bà chia sẻ thêm.
Bảy tỉnh của Indonesia, chủ yếu là các khu vực sản xuất dầu cọ trên đảo Sumatra và đảo Borneo, gần đây đã đạt tình trạng báo động khẩn cấp, trong bối cảnh lo ngại về cháy rừng và đầm lầy gia tăng trong những tháng tới, vì hạn hán do El Nino gây ra.
Bà Karnawati nói thêm, rằng năm nay có thể lặp lại lịch sử năm 2019, khi El Nino góp phần tàn phá, gây ra các vụ cháy đất và cháy rừng ở nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, với thiệt hại lên tới 5,2 tỉ USD, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới.
Những đám cháy xuất phát từ El Nino gây ra khói mù dày đặc vượt biên giới, làm gián đoạn hàng trăm chuyến bay trong nước và ở các nước láng giềng Singapore và Malaysia, cũng như gây ra các vấn đề về hô hấp cho hàng triệu người.
Các nhà chức trách ở Singapore đã cảnh báo người dân rằng các địa điểm thường xuyên xảy ra cháy rừng có thể leo thang từ tháng 6 và đang lên kế hoạch giảm thiểu nguy cơ khói mù từ Indonesia và Malaysia.
Thời tiết nắng nóng do El Nino gây ra dự kiến sẽ tác động đến việc thu hoạch các loại cây trồng như dầu cọ, được sử dụng để sản xuất các sản phẩm từ sô cô la đến xà phòng, ở Indonesia và Malaysia, hai nước sản xuất hàng hóa lớn nhất thế giới. El Nino cũng có khả năng ảnh hưởng đến việc trồng lúa ở các nước như Thái Lan và Việt Nam, cùng với sản lượng ngô ở Philippines.
Ủy ban Dầu cọ Malaysia cho biết vào tháng 5 rằng El Nino có thể cắt giảm sản lượng dầu cọ thô của nước này tới 3 triệu tấn vào năm 2023. Quốc gia này đã sản xuất 18,45 triệu tấn mặt hàng này vào năm ngoái.
Tại Việt Nam, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo những đợt nắng nóng kỷ lục, hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước sẽ tiếp tục diễn ra trên diện rộng trong những tháng đầu năm 2024, do El Nino.
Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam cảnh báo rằng sản lượng cà phê có thể giảm tới 20% vào năm 2023. Việt Nam là nước xuất khẩu hạt cà phê Robusta và gạo hàng đầu.
Tại Thái Lan, nước xuất khẩu gạo và đường số 2 thế giới, nhiệt độ trong tháng 4 đạt mức cao kỷ lục, 43 độ C.
Văn phòng Ủy ban Mía đường Thái Lan đã dự báo rằng sản lượng mía trong nước sẽ giảm xuống 70-80 triệu tấn trong năm nay, từ mức 94 triệu tấn vào năm 2022.
Trong khi đó, Trung tâm nghiên cứu Kasikorn có trụ sở tại Bangkok ước tính sản lượng gạo giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái. 25 triệu tấn.
Trên thực tế, Bộ Nông nghiệp quốc gia đã yêu cầu nông dân không trồng lúa trái vụ để dành nước cho các loại cây trồng khác, cũng như cho các ngành công nghiệp và du lịch.
Tại Philippines, ước tính ban đầu cho thấy sản lượng gạo địa phương có thể giảm khoảng 1,8% và ngô vàng giảm 1% vào năm 2023. Mặc dù tác động kinh tế ở mức tối thiểu, nhưng ngân hàng trung ương nước này nhận thấy El Nino có thể dẫn đến rủi ro tăng giá lương thực và năng lượng, mặc dù lạm phát đã giảm tốc nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu của chính phủ.
Ông Shotaro Kumagai, nhà kinh tế tại Viện Nghiên cứu Nhật Bản, cho biết nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong GDP ở các nền kinh tế mới nổi của châu Á. "Do đó, sự sụt giảm trong sản xuất nông nghiệp và lạm phát dự kiến kéo theo sẽ gây áp lực giảm mạnh đối với nền kinh tế.”
El Nino đe dọa sản lượng ngành cà phê chủ lực của Việt Nam, sản lượng có thể giảm tới 20% vào năm 2023. Ảnh: Reuters. |
El Nino cũng được cho là sẽ tác động đến sản lượng thủy điện, cũng như đẩy nhu cầu năng lượng tăng lên khi các doanh nghiệp và gia đình tăng cường sử dụng điều hòa.
Tình trạng thiếu nước đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất thủy điện ở Việt Nam, gây ra tình trạng mất điện trên toàn bộ nền kinh tế. Vào đầu tháng 6, tỉnh Bắc Giang, nơi có các cơ sở sản xuất cho Samsung và Apple, đã lên lịch cắt điện kéo dài hàng giờ theo khu vực, mặc dù các cơ sở sản xuất vẫn có điện để hoạt động.
Công ty điện lực nhà nước Việt Nam đã kêu gọi tiết kiệm điện toàn quốc, yêu cầu chính phủ và các hộ gia đình “thắt lưng buộc bụng” và các doanh nghiệp hạn chế sử dụng máy móc hạng nặng trong giờ cao điểm và sử dụng năng lượng tái tạo tại chỗ.
Nguồn: Nhipcaudautu