Quay lại

Trung Quốc phục hồi ì ạch, doanh nghiệp Mỹ chuyển hướng sang Ấn Độ

Nhân chuyến thăm cấp nhà nước của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Mỹ từ ngày 21-24/6, các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ đang tranh thủ tìm kiếm cơ hội hợp tác với quốc gia này, trong bối cảnh tăng trưởng của Trung Quốc - nền kinh tế lớn nhất châu Á - chững lại.

Ông Raj Subramaniam, CEO tập đoàn FedEx, sẽ là một trong những CEO doanh nghiệp Mỹ tham dự tiệc tối cấp nhà nước chào đón ông Modi tại Nhà Trắng - theo nguồn tin của CNBC.

Theo CNBC, đây là tiệc tối cấp nhà nước đầu tiên mà Mỹ dành cho một nguyên thủ Ấn Độ và được xem là một sự kiện đặc biệt đối với New Delhi.

“Cơ hội (từ sự kiện này) rất lớn. Nhà Trắng sẽ tiếp đãi Thủ tướng Ấn Độ với nghi lễ gần với dành cho hoàng gia”, ông Frank Wisner, cựu đại sứ Mỹ tại Ấn Độ, nói với CNBC.

Các doanh nghiệp Mỹ khác có hiện diện lớn tại Ấn Độ cũng sẽ có CEO tham dự sự kiện này, như ông Tony Capuano của tập đoàn khách sạn và bà Jennifer Rumsey của công ty sản xuất động cơ diesel Cummins.

Tại sự kiện này, thương vụ hợp tác đồng sản xuất động cơ máy bay quân sự giữa tập đoàn Hindustan Aeronautics của Ấn Độ và tập đoàn General Electric của Mỹ cũng sẽ được công bố.

“Việc tăng cường hợp tác quân sự và an ninh giữa Mỹ và Ấn Độ có lẽ sẽ là kết quả chính của chuyến thăm, đặc biệt là xung quanh việc chia sẻ các công nghệ quan trọng và sở hữu trí tuệ với thiết bị quân sự”, bà Safiya Ghori-Ahmad của Atlantic Council, từng làm việc tại Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện, nhận xét với CNBC.

Theo nguồn tin của CNBC, tập đoàn năng lượng quốc phòng General Atomics đang tiến tới một thỏa thuận bán máy bay không người lái mới cho Ấn Độ trong bối cảnh New Delhi đang tăng cường an ninh quốc gia.

Chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ tới Mỹ diễn ra không lâu sau cuộc họp cấp cao tại Trung Quốc giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 19/6 nhằm giải tỏa căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trung Quốc là một trong những nội dung trong chương trình nghị sự khi ông Modi gặp gỡ Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ vào thứ Năm và thứ Sáu tuần này.

“Mỹ và Ấn Độ đều có chung mối quan tâm trong việc ứng phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc”, ông Wisner nói.

Vào thứ Sáu, ông Modi sẽ cuộc gặp riêng với giám đốc của nhiều doanh nghiệp công nghệ Mỹ. Một chủ đề quan trọng của cuộc gặp là vấn đề chuyển giao công nghệ và tìm cách đa dạng hóa sản xuất khỏi Trung Quốc - theo nguồn tin của CNBC.

Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chững lại và căng thẳng địa chính trị leo thang, doanh nghiệp Mỹ được cho là đang tiến hành các bước để đa hạng hóa hoạt động khỏi quốc gia này.

Đầu năm nay, Apple đã mở hai cửa hàng bán lẻ tại Ấn Độ, sau khi chuyển một phần hoạt động sản xuất iPhone sang quốc gia này. Trước đó, CNBC cũng đưa tin cho biết Apple đang dự kiến chuyển một phần sản xuất iPad từ Trung Quốc sang Ấn Độ, dù lực lượng lao động tay nghề chưa cao và cơ sở hạ tầng có phần yếu kém tại quốc gia Nam Á đang đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp Mỹ muốn mở rộng hoạt động ở đây.

Về phần Ấn Độ, các nguồn tin thân cận với ông Modi cho biết nhà lãnh đạo Ấn Độ kỳ vọng sẽ giải tỏa được các mối quan ngại đó và chứng kiến nhiều doanh nghiệp Mỹ cam kết mở rộng sản xuất sang nước này. Ông Modi được cho là đã gặp ông Elon Musk, CEO hãng xe điện Tesla của Mỹ, vào hôm 20/6 để thảo luận về việc mở nhà máy tại Ấn Độ.

Nguồn: TBKTVN