Những “ông lớn” bán lẻ đang đầu tư mạnh vào thị trường Ấn Độ
Chuyến đi của Thủ tướng Narendra Modi đến Mỹ diễn ra ở thời điểm nền kinh tế Ấn Độ có nhiều dấu hiệu tăng trưởng ấn tượng với thị trường tiêu dùng nội địa ngày càng lớn. Theo Bloomberg, tình hình kinh tế Ấn Độ đây là một lợi thế giúp Thủ tướng Narendra Modi thu hút sự quan tâm từ các tập đoàn lớn và nhà đầu tư tại Mỹ trong chuyến công du đến nền kinh tế lớn nhất thế giới của ông.
Kể từ tháng 3, cổ phiếu của Ấn Độ đã thu hút khoản đầu tư nước ngoài lên tới gần 10 tỷ USD - mức cao nhất kể từ cuối năm 2020. Trái phiếu bằng đồng rupee đang duy trì đà mua hàng tháng lâu nhất trong gần 4 năm. Theo Bank of America, đồng nội tệ của Ấn Độ đang đem lại lãi suất dự trữ cao thứ 2 tại châu Á trong năm nay.
Tại Hoa Kỳ, ngoài Amazon hay Tesla, thủ tướng Modi cũng đã có các cuộc gặp gỡ với giám đốc điều hành của các công ty công nghệ hàng đầu của Hoa Kỳ như Tim Cook của Apple, Pichai của Google và Satya Nadella của Microsoft, đồng thời kêu gọi các công ty toàn cầu tham gia chiến lược “Sản xuất tại Ấn Độ”.
Trước đó, Amazon đã công bố kế hoạch đầu tư 6,5 tỷ USD, phần lớn là để thúc đẩy hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của mình tại Ấn Độ, nơi được dự báo sẽ có những sự cạnh tranh mạnh mẽ với các tên tuổi như Flipkart của Walmart và Reliance Retail của tỷ phú Mukesh Ambani. Một bài đăng trên blog của Amazon cho biết, Thủ tướng Modi và ông Jassy đã thảo luận về việc hỗ trợ các công ty khởi nghiệp của Ấn Độ, đồng thời tạo việc làm, cho phép xuất khẩu, số hóa và trao quyền cho các cá nhân và doanh nghiệp nhỏ cạnh tranh toàn cầu.
Gã khổng lồ bán lẻ Amazon sẽ đưa các khoản đầu tư vào Ấn Độ lên 26 tỷ đô la đến năm 2030.
Tương tự, Walmart đã hoạt động tại Trung Quốc từ năm 1996 nhưng đây là lần đầu tiên Ấn Độ sẵn sàng trở thành thị trường quốc tế lớn nhất của gã khổng lồ bán lẻ này trong năm nay. Tại Hội nghị các nhà đầu tư tổ chức thường niên lần thứ 44, Giám đốc tài chính kiêm Phó chủ tịch điều hành công ty, ông John David Rainey đã tuyên bố rằng Ấn Độ có khả năng vượt qua Trung Quốc và trở thành thị trường quốc tế lớn nhất của Walmart.
Trong khi đó, cũng với tư cách nhà bán lẻ hàng đầu thế giới, chiến lược địa phương hóa của IKEA tại Ấn Độ được chuyên gia đánh giá “chuẩn như sách giáo khoa”, từ địa điểm, thiết kế, đến món ăn và phương tiện giao hàng, mọi khía cạnh đều được IKEA cân nhắc cho thị trường tỷ dân đầy tiềm năng.
“Trách nhiệm lắp ráp là của khách hàng” là một trong những điểm nổi bật của sản phẩm IKEA. Nhưng thương hiệu này đã hiểu được suy nghĩ và thói quen của người Ấn Độ, phân bổ 1/6 tổng số nhân viên cửa hàng để lắp ráp sản phẩm tại chỗ. IKEA còn hợp tác với Urban Company nhằm cung cấp dịch vụ lắp ráp sản phẩm tại nhà cho khách hàng có nhu cầu.
Ngoài ra thay vì cung cấp thịt viên IKEA như tại nhiều địa điểm bán lẻ khác trên thế giới, tại Ấn Độ IKEA chuyển sang cung cấp bánh gối Samosas với giá chỉ 10 rupee (chưa tới 3.000 đồng). Món thịt viên nổi tiếng cũng được thay đổi công thức, chuyển sang làm từ rau và thịt gà để phù hợp với khẩu vị địa phương và đặc tính tôn giáo tại Ấn Độ.
Để tránh bị người dân “xa lánh” vì chỉ bán những sản phẩm mang màu sắc phương Tây, hơn 1.000 sản phẩm tại IKEA được đánh giá “mang tính địa phương” đã được đưa vào bộ sưu tập, từ vật liệu có khả năng chịu nhiệt và độ ẩm cao của địa phương, đến việc gia tăng số lượng ghế trên mỗi bộ sản phẩm bàn ăn, phù hợp với gia đình đông người của Ấn Độ. IKEA cũng nỗ lực tìm nhiều nguồn cung ứng sản phẩm dệt may, thảm và các phụ kiện trang trí tại địa phương, với tỷ lệ sản phẩm “nội địa Ấn” là 30%, hướng tới 50% trong vài năm tới.
Thành công vang dội về doanh số bán hàng trong năm 2022 giúp IKEA tự tin lên kế hoạch mở rộng đến 25 cửa hàng vào năm 2025 tại Ấn Độ.
Hòa nhập mà không hòa tan, IKEA sử dụng loạt xe kéo “chuẩn Ấn” để giao hàng, nhưng toàn bộ chạy bằng năng lượng mặt trời, giúp người dùng Ấn Độ dễ dàng xây dựng mối quan hệ với thương hiệu IKEA nhưng vẫn giữ vững hình ảnh “bảo vệ môi trường” của một thương hiệu phương Tây. Thành công vang dội về doanh số bán hàng trong năm 2022 là một tín hiệu cực kỳ tốt, giúp IKEA tự tin lên kế hoạch mở rộng đến 25 cửa hàng vào năm 2025 tại Ấn Độ. Tính đến cuối năm 2022, doanh thu IKEA Ấn Độ đã tăng 73%.
IKEA đã lên kế hoạch đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD, tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp cho khoảng 15.000 người, để mở rộng sự hiện diện của họ tại quốc gia này. “Ấn Độ là thị trường quan trọng của IKEA. Chúng tôi sẽ ở Ấn Độ trong thời gian dài và vẫn đang trong những năm đầu hoạt động. Chúng tôi đã tăng gần gấp đôi doanh số bán hàng ở Ấn Độ trong năm qua và chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung tiếp cận nhiều người bằng các sản phẩm và giải pháp bền vững, giá cả phải chăng, phù hợp với cuộc sống ở Ấn Độ”, một phát ngôn viên của IKEA cho biết.
Hồi tháng 4, sau nhiều lần trì hoãn, Apple cho biết sẽ mở cửa hàng bán lẻ đầu tiên tại thị trường tỷ dân - Ấn Độ. Hiện nay, Ấn Độ là thị trường điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới với 700 triệu người dùng. Do đó, việc chính thức mở cửa hàng đầu tiên tại đây đã thể hiện mong muốn mở rộng tệp khách hàng của hãng. Apple Store đầu tiên sẽ xuất hiện tại Mumbai, rộng hơn 2.000 m2. Đây sẽ là một địa điểm bán lẻ có quy mô lớn, tương tự cửa hàng của Apple ở Los Angeles, New York, Bắc Kinh, Milan và Singapore.
Cửa hàng bách hóa Galeries Lafayette tại Mumbai sẽ có gian hàng của hơn 200 thương hiệu cao cấp và thiết kế riêng.
Trong thập kỷ tới, Ấn Độ sẽ là nền kinh tế phát triển nhanh nhất nhờ nhu cầu nội địa mạnh mẽ, cơ sở hạ tầng vật chất và khả năng kỹ thuật số cạnh tranh toàn cầu. Mặc dù các nền kinh tế lớn trên thế giới đang chứng kiến xu hướng suy thoái nhưng kinh tế Ấn Độ ước tính sẽ tăng trưởng khoảng 7% trong năm nay để trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. Số lượng triệu phú ở Ấn Độ cũng được dự đoán sẽ tăng 105% vào năm 2026, theo báo cáo của Credit Sussie.
Do đó, không có gì ngạc nhiên khi các thương hiệu xa xỉ toàn cầu đang tìm cách thâm nhập và mở rộng tại quốc gia này. Ở trung tâm Mumbai, nội thất của hai tòa nhà di sản 100 năm tuổi đang được tân trang lại hoàn toàn để trở thành cửa hàng bách hóa Galeries Lafayette, nơi sẽ có hơn 200 thương hiệu cao cấp và thiết kế riêng. Dự án hợp tác giữa chuỗi cửa hàng bách hóa cao cấp của Pháp và công ty thời trang và bán lẻ Aditya Birla của Ấn Độ, sẽ khai trương vào năm 2024.
Ông R. Sathyajit, Giám đốc điều hành của bộ phận hàng xa xỉ tại Aditya Birla cho biết: "Sự hợp tác này là một tín hiệu mạnh mẽ cho thấy niềm tin của chúng tôi vào chiều sâu ngày càng tăng của thị trường bán lẻ Ấn Độ”. Ngoài trung tâm bách hóa Galeries Lafayette ở Mumbai, 2 bên cũng định ra mắt một nền tảng thương mại điện tử và một trung tâm mua sắm nữa ở Delhi.
Nguồn: TBKTVN