Ngân hàng Trung ương châu Âu xem xét đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo
Các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cần thời gian để đánh giá sức ảnh hưởng của áp lực lạm phát kéo dài. Trong khi đó, các nhà giao dịch có thể tiếp tục theo dõi chặt chẽ mọi tín hiệu mà Chủ tịch ECB Christine Lagarde đưa ra về triển vọng cắt giảm lãi suất vào ngày 12/9 tới.
Từ nay đến lúc đó, ECB sẽ có cơ hội xem xét chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hai tháng nữa cùng với các dự báo kinh tế. Một số quan chức ECB đã tuyên bố ưu tiên hành động vào những dịp hàng quý như vậy khi có những dự đoán kinh tế mới.
Đến thời điểm 12/9/2024, các quan chức ECB cũng có cái nhìn rõ ràng hơn về chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Với dữ liệu mới cho thấy lạm phát của Mỹ đã hạ nhiệt xuống mức thấp nhất kể từ năm 2021, ngày càng có nhiều suy đoán rằng các quan chức Fed cũng sẽ tìm cách cắt giảm lãi suất vào tháng 9 tới.
Theo công bố mới nhất của Bộ Lao động Mỹ, trong tháng 6, chỉ số CPI giảm 0,1% so với tháng trước đó và là lần giảm đầu tiên kể từ năm 2020. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số CPI tháng 6 tăng 3%, nhờ giá xăng giảm nhiều hơn bù đắp chi phí nhà ở. Con số này thấp hơn so với dự báo trước đó của giới phân tích là 3,1% và cũng là mức tăng theo năm thấp nhất kể từ năm 2021. Trong khi đó, chỉ số CPI lõi, không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng yếu nhất kể từ tháng 4/2021.
Phát biểu tại phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ trong tuần này, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã có những cảnh báo hậu quả của việc giữ lãi suất cao hơn và lâu hơn. "Dựa trên những tiến bộ đã đạt được trong việc giảm lạm phát và hạ nhiệt thị trường lao động trong hai năm qua, lạm phát tăng cao không phải là rủi ro duy nhất mà chúng ta phải đối mặt". "Việc giảm bớt các hạn chế về chính sách quá muộn hoặc quá ít có thể làm suy yếu quá mức hoạt động kinh tế và việc làm", Chủ tịch Fed lo ngại.
Dự kiến Chủ tịch Fed sẽ tham gia trả lời một cuộc phỏng vấn tại Câu lạc bộ Kinh tế Washington vào ngày 15/7 sau khi lạm phát Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt đáng mừng. Các nhà đầu tư sẽ theo dõi xem liệu Fed có đủ tự tin về áp lực lạm phát để cắt giảm lãi suất hay không.
Tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), ngoài các câu hỏi về lãi suất, Chủ tịch ECB tuần tới có thể bị chất vấn về Pháp, quốc gia đang được giám sát chặt chẽ trên thị trường tài chính trong bối cảnh lo ngại về triển vọng tài chính của nước này sau khi cuộc bầu cử nhanh chóng dẫn đến một quốc hội treo. Tình hình đó cũng có thể là tâm điểm cuộc họp của các bộ trưởng tài chính châu Âu tại Brussels vào ngày 15/7.
"Cuộc họp ngày 18/7 của ECB sẽ được các nhà đầu tư theo dõi chặt chẽ để điều chỉnh kỳ vọng của họ về thời điểm giảm lãi suất tiếp theo, mặc dù gần như chắc chắn lãi suất sẽ không thay đổi trong tháng này. Bà Lagarde có thể sẽ gợi ý về một động thái khác vào tháng 9 mà không đưa ra cam kết chắc chắn", ông David Powell, nhà kinh tế cấp cao khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) của Economics, nhận định.
Cuộc họp ngày 18/7 của Chủ tịch ECB có thể gây chú ý hơn bình thường vì khoảng cách 8 tuần giữa các quyết định lãi suất của ECB trong năm nay là khoảng thời gian tạm ngưng ra quyết định mùa hè dài nhất đối với Hội đồng quản trị ECB kể từ đỉnh điểm đại dịch năm 2020. ECB thường tổ chức các cuộc họp hàng tháng trong phần lớn lịch sử hoạt động của mình, trước khi đưa ra những khoảng thời gian nghỉ dài hơn giữa các cuộc họp kể từ năm 2015.
Nguồn: Báo Đầu tư