Mỹ thừa nhận còn phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng
Theo hãng tin CNBC, một cố vấn hàng đầu của Nhà Trắng vừa thừa nhận trong tuần này rằng Mỹ cần phải nhanh chóng hành động để tăng cường tự chủ chuỗi cung ứng và tránh phụ thuộc vào các đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc.
“Tôi nghĩ đây là mối quan tâm không chỉ của riêng Mỹ mà còn của cả thế giới. Khi chúng ta đang tiến tới một hệ thống năng lượng hoàn toàn mới, sạch hơn, xanh hơn, chúng ta phải đảm bảo rằng mình có chuỗi cung ứng đa dạng”, điều phối viên đặc biệt của Tổng thống, ông Amos Hochstein, chia sẻ.
Ông nói thêm: “Chuỗi cung ứng không nên nằm tại một quốc gia cố định, bất kể là quốc gia nào. Phải đảm bảo rằng sẽ đa dạng hóa hệ thống hay các quy trình từ khai thác, tinh chế khoáng sản, cho đến xây dựng tuabin gió hoặc sản xuất pin”.
Khi được hỏi liệu Mỹ có đang tụt lại trên đường đua này không, ông Hochstein, người cũng từng phục vụ trong chính quyền Tổng thống Obama với tư cách là trưởng đặc phái viên năng lượng, trả lời: “Chắc chắn là chúng tôi đứng sau. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là đứng ngoài cuộc đua”.
Theo một báo cáo gần đây của Viện Chính sách công Baker thuộc Đại học Rice, Trung Quốc kiểm soát khoảng 60% sản lượng khoáng sản và vật liệu đất hiếm của thế giới. Những tài nguyên đó bao gồm lithium, coban, niken, than chì, mangan và các nguyên tố đất hiếm khác rất quan trọng để chế tạo những thứ như xe điện, pin, máy tính và đồ gia dụng.
Những tài nguyên này cũng rất cần thiết cho công nghệ tái tạo như tấm pin mặt trời và tuabin gió, vốn là trọng tâm trong nỗ lực chuyển đổi năng lượng khỏi nhiên liệu hóa thạch của Mỹ.
Đối với Mỹ, nước hiện có mối quan hệ căng thẳng với Trung Quốc, sự phụ thuộc này sẽ dẫn đến rủi ro an ninh nguồn cung. Nhất là khi đại dịch COVID-19 và cuộc chiến Nga - Ukraine đã làm nổi bật sự mong manh của chuỗi cung ứng toàn cầu trong thời gian qua.
Vào tháng 2 năm ngoái, nhà Trắng cho biết: “Mỹ ngày càng phụ thuộc vào các nguồn cung khoáng sản nước ngoài. Trên toàn cầu, Trung Quốc kiểm soát hầu hết thị trường chế biến, tinh chế coban, lithium, đất hiếm và các khoáng sản quan trọng khác”.
Ông Hochstein nói: “Chúng tôi phải thừa nhận rằng đã không đầu tư, và những gì Mỹ đang cố gắng làm ở thời điểm hiện tại không chỉ là muốn có quan hệ đối tác. Chúng tôi sẽ họp cùng các đồng minh G7, sẽ tập hợp các nguồn lực cũng như dòng tiền”.
Ông Hochstein cho biết điều này sẽ mang lại những lợi ích về tài chính và kinh doanh. Đạo luật giảm lạm phát năm 2022 do chính quyền Tổng thống Biden ban bố cũng nhằm mục đích đẩy mạnh đầu tư vào nguồn cung và tiếp cận các khoáng sản quan trọng ở các quốc gia đồng minh, bao gồm một kế hoạch chi tiêu trị giá 369 tỉ USD cho các khoản giảm thuế lớn cho năng lượng sạch, bao gồm cả năng lượng mặt trời và sản xuất khoáng sản quan trọng.
Nguồn: NHipaudautu