Fitch Ratings: Kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5% trong năm 2023
Dự báo trên được Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings (Mỹ) cập nhật ngày 8/2, dựa trên "bằng chứng cho thấy mức tiêu dùng và hoạt động kinh tế đang phục hồi nhanh hơn so với dự đoán ban đầu" sau khi Chính phủ Trung Quốc gỡ bỏ hầu hết các lệnh hạn chế nghiêm ngặt phòng chống dịch Covid-19 vào cuối năm 2022.
Thêm bằng chứng mà Fitch Ratings đưa ra là chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) mới nhất của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất chế tạo và dịch vụ - thước đo quan trọng đối với hoạt động kinh doanh - đã ghi nhận tăng trưởng.
Chỉ số PMI chính thức trong lĩnh vực sản xuất chế tạo của Trung Quốc đã tăng lên 50,1 điểm trong tháng 1/2023, cao hơn mức 47 trước đó. Trong khi đó, chỉ số PMI lĩnh vực dịch vụ đạt 54,4 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 6/2022. Chỉ số PMI đạt trên 50 điểm cho thấy hoạt động của ngành/lĩnh vực được khảo sát đã mở rộng so với chu kỳ khảo sát trước.
Trung Quốc đã chứng kiến những đợt bùng phát Covid-19 lớn sau khi chính quyền nước này cho gỡ bỏ các biện pháp phòng dịch hà khắc. Tuy nhiên, dịch bệnh "dường như đang lắng xuống", Fitch Ratings trích dẫn đánh giá của các quan chức y tế Trung Quốc và dữ liệu về xu hướng di chuyển của người dân.
Nhóm chuyên gia kinh tế Fitch Ratings do ông Brian Coulton dẫn đầu cho rằng: "Sự phục hồi nhanh chóng từ cú sốc Covid đồng nghĩa rằng hoạt động kinh tế trong nửa đầu năm 2023 sẽ bật mạnh hơn chúng tôi dự đoán".
"Chúng tôi tin rằng việc ổn định sự phục hồi sẽ vẫn là trọng tâm chính trong thời gian tới, nhưng không dự đoán được việc nới lỏng chính sách vĩ mô mạnh mẽ ra sao", các nhà kinh tế của Fitch Ratings bình luận.
Hiện nay, giới phân tích đang quan tâm nhiều đến nội dung thảo luận tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc dự kiến diễn ra vào tháng 3 tới.
Trong khi nhiều nhà kinh tế dự đoán sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc do tiêu dùng dẫn dắt, thì Ngân hàng đầu tư UBS (Thụy Sĩ) lại cho rằng chi tiêu tại Trung Quốc sẽ khá "thận trọng" do người tiêu dùng đang gặp áp lực chi tiêu.
Ngân hàng UBS ước tính rằng tổng tiết kiệm của các hộ gia đình Trung Quốc dao động trong khoảng từ 4.000 - 4.600 tỷ nhân dân tệ (tương đương 590 - 678 tỷ USD).
"Trong khi việc làm và thu nhập hộ gia đình vẫn cần phải phục hồi, niềm tin của người tiêu dùng có thể không phục hồi hoàn toàn mà thay vào đó vẫn thận trọng", chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng UBS, bà Wang Tao, nhận định.
"Chúng tôi cho rằng khoản tiết kiệm vượt mức trên có thể không được giải phóng hoàn toàn và nhanh chóng trong năm 2023", Ngân hàng UBS nhận định. Do đó, ngân hàng này dự đoán mức tăng trưởng tiêu dùng hộ gia đình của Trung Quốc sẽ đạt 10 - 11% theo giá trị danh nghĩa và 7,8% theo giá trị thực trong năm 2023.
"Việc bình thường hóa hơn nữa hành vi của người tiêu dùng và giải phóng nhiều hơn các khoản tiết kiệm dư thừa có thể giúp củng cố sự phục hồi tiêu dùng vào năm 2024 và sau đó", bà Wang Tao kỳ vọng.
Nguồn: Báo Đầu tư