Mỹ phụ thuộc vào nguồn cung khoáng chất quan trọng từ Trung Quốc như thế nào?
Trong nhiều thập kỷ qua, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều lên một danh sách các khoáng chất có vai trò quan trọng đối với mỗi nước. Ví dụ, trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất, Mỹ lập một danh sách “khoáng chất chiến tranh” gồm các khoáng chất quan trọng không thể tìm thấy hoặc sản xuất nhiều trong nước như thiếc, niken, bạch kim, nitrat và kali.
Từ đó đến nay, khi các nền kinh thế ngày càng phát triển và đổi mới, danh sách khoáng chất quan trọng cũng được mở rộng đáng kể. Đạo luật Năng lượng năm 2020 của Mỹ định nghĩa một khoáng chất quan trọng là khoáng chất hoặc chất khoáng phi nhiên liệu có vai trò quan trọng với an ninh quốc gia và nền kinh tế Mỹ và có chuỗi cung ứng dễ bị tổn thương trước những gián đoạn về nguồn cung.
Hiện tại, danh sách này của Mỹ có 50 khoáng chất và dữ liệu từ Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cho thấy Trung Quốc là nhà cung cấp chính của 30 khoáng chất trong số này. Dưới đây là danh sách 10 khoáng chất quan trọng mà Mỹ nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc.
Theo đó, Mỹ hiện phụ thuộc gần như hoàn toàn vào Ytria từ Trung Quốc với lượng nhập khẩu từ quốc gia châu Á chiếm tới 94% trong giai đoạn từ năm 2018-2021. Ytria là kim loại mềm màu bạc, được sử dụng là chất phụ gia cho hợp kim, để chế tạo bộ lọc vi sóng cho radar và làm chất xúc tác trong quá trình chế tạo một số loại nhựa.
Tên khoáng chất | Tỷ trọng nhập khẩu khoáng chất quan trọng từ Trung Quốc của Mỹ | Lượng nhập khẩu của Mỹ (tấn) | Công dụng |
Ytria | 94% | 1.000 | Chất xúc tác, bộ lọc vi sóng |
Đất hiếm | 74% | 11.940 | Điện thoại thông minh |
Bismuth | 65% | 2.800 | Luyện kim |
Antimon | 63% | 25.590 | Pin |
Asen | 57% | 5.400 | Chất bán dẫn |
Germani | 54% | 29.000 | Con chip, sợi quang |
Gali | 53% | 12.000 | Con chip, sợi quang |
Barit | 38% | 2.300 | Sản xuất hydrocarbon |
Than chì | 33% | 82.000 | Pin, chất bôi trơn |
Tungsten | 29% | 14.000 | Luyện kim |
Ghi chú: Tỷ trọng nhập khẩu khoáng chất quan trọng từ Trung Quốc của Mỹ được tính dựa trên lượng nhập khẩu bình quân trong giai đoạn từ 2018-2021.
Mỹ cũng nhập khẩu gần 75% nhu cầu hợp chất và kim loại đất hiếm từ Trung Quốc. Các nguyên tố đất hiếm – được gọi là “hiếm” vì chúng không được tìm thấy trong các khu vực tập trung hay dễ khai thác – là một tập hợp gồm 15 nguyên tố trên bảng tuần hoàn hóa học. Đất hiếm được sử dụng phổ biến trong điện thoại thông minh, camera, ổ đĩa và đèn LED và quan trọng hơn là được dùng trong ngành năng lượng sạch và công nghiệp quốc phòng.
USGS nhận định Trung Quốc có khả năng gây gián đoạn nguồn cung đất hiếm toàn cầu bằng việc cắt giảm 40-50% sản lượng, gây ảnh hưởng tới các nhà cung cấp những linh kiện cao cấp dùng trong hệ thống quân sự của Mỹ.
Căng thẳng liên quan tới đất hiếm giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang leo thang. Đầu năm nay, Bắc Kinh ra lệnh kiểm soát xuất khẩu germani và gali – hai khoáng chất mà Mỹ phụ thuộc vào Trung Quốc cho 54% nhu cầu – dùng trong sản xuất con chip, tấm pin mặt trời và sợi quang. Động thái của Bắc Kinh được cho là nhằm trả đũa việc Mỹ áp đặt hạn chế lên nguồn cung chất bán dẫn, phần mềm thiết kế chip và máy in thạch bản của các công ty Trung Quốc.
Nguồn: TBKTVN