Morgan Stanley: Lạm phát châu Á đã đạt đỉnh, tăng trưởng sẽ vượt Mỹ và châu Âu
Lạm phát châu Á "không dữ dội"
"Vào quý IV năm nay, chúng tôi cho rằng, tốc độ tăng trưởng của châu Á sẽ vượt trội so với Mỹ và châu Âu khoảng 450 điểm cơ bản", nhà kinh tế trưởng châu Á tại Morgan Stanley, ông Chetan Ahya, nhấn mạnh tại một hội thảo trực tuyến diễn ra vài giờ trước khi Mỹ công bố báo cáo lạm phát tháng 5.
Lý giải cho sự lạc quan của mình, ông Ahya cho biết châu Á ước tính sẽ đạt tốc độ tăng trưởng tốt hơn trong khi phương Tây tụt lại phía sau. Ngoài ra, kinh tế Trung Quốc sẽ chứng kiến sự phục hồi trên diện rộng vào nửa cuối năm nay, còn ba nền kinh tế lớn khác của châu Á, gồm: Ấn Độ, Indonesia và Nhật Bản, cũng đang ghi nhận nhu cầu nội địa tăng trưởng mạnh mẽ.
Nhận định về Mỹ và châu Âu, ông Ahya cho biết: "Chúng tôi chắc chắn rằng, tăng trưởng của hai nền kinh tế này bị hạn chế bởi thực tế là họ đã gặp phải vấn đề lạm phát nghiêm trọng". Nhà kinh tế trưởng của Morgan Stanley cho rằng ngân hàng trung ương của hai nền kinh tế này đã và sẽ phải đưa lãi suất chính sách vào vùng hạn chế để kiểm soát lạm phát.
"Châu Á không gặp phải cú sốc lãi suất như Mỹ và châu Âu", ông Ahya cho biết, đồng thời đánh giá lạm phát châu Á đã gần bằng một nửa của Mỹ và châu Âu.
Dù có chiều hướng "hạ nhiệt", nhưng lạm phát Mỹ đang cao hơn nhiều mục tiêu 2% mà Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đề ra. Đơn cử, lạm phát Mỹ đã giảm xuống 4% trong tháng 5 - mức thấp nhất trong hai năm, sau khi đạt đỉnh 9,1% vào tháng 6/2022.
Tháng trước, Fed đã thực hiện đợt tăng lãi suất thứ 10 liên tiếp trong hơn một năm, đánh dấu chính sách thắt chặt tiền tệ nhanh nhất mà cơ quan này thực hiện kể từ những năm 1980.
Tuy nhiên, sau cuộc họp kéo dài 2 ngày 13-14/6, Fed quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở ngưỡng 5 - 5,25%.
Tương tự ở châu Âu, lạm phát của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 5 đã giảm xuống 6,1%, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2022. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất cơ bản từ -0,5% một năm trước lên 3,25% trong tháng 5, mức cao nhất kể từ tháng 11/2008.
"Vấn đề lạm phát của châu Á không nghiêm trọng bằng. Và chúng tôi nghĩ rằng lạm phát của khu vực này đã đạt đỉnh", ông Ahya nhận xét.
"Vào tháng 9 [hoặc] tháng 10, 80% các quốc gia [trong] khu vực châu Á sẽ chứng kiến lạm phát quay trở lại vùng an toàn của các ngân hàng trung ương", chuyên gia kinh tế của Morgan Stanley nói thêm.
Trước đó, nhiều ngân hàng trung ương ở châu Á như Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ, Indonesia và Singapore, đã giảm lãi suất.
Tiêu dùng của Trung Quốc đang đi đúng hướng
Một động lực khác cho tăng trưởng châu Á là sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc trong nửa cuối năm nay.
"Chúng tôi kỳ vọng sự phục hồi của Trung Quốc sẽ mở rộng trong nửa cuối năm nay", ông Ahya nhấn mạnh, đồng thời dự báo tăng trưởng của Trung Quốc sẽ đạt mức 5,7% trong năm 2023, gần gấp đôi so với mức 3% của năm 2022.
Cũng theo ông Ahya, sự phục hồi tiêu dùng ở Trung Quốc đang đi đúng hướng và điều đó chắc chắn cũng sẽ mang lại tác động lan tỏa tích cực cho các khu vực khác của châu Á.
Dữ liệu lạm phát tiêu dùng của Trung Quốc trong tháng 5 chỉ tăng nhẹ 0,2% so với một năm trước, trong khi chỉ số giá sản xuất giảm 4,6%, đánh dấu mức giảm mạnh nhất so với cùng kỳ trong 7 năm.
Ông Ahya dự đoán, trong khoảng ba tháng tới, thị trường Trung Quốc sẽ ghi nhận mức chi tiêu tốt lên.
Phía ngân hàng Morgan Stanley kỳ vọng chính phủ Trung Quốc sẽ đưa ra nhiều biện pháp kích thích kinh tế hơn, dưới hình thức nới lỏng việc mua bất động sản và triển khai chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá khoảng 1.000 tỷ USD.
Trung Quốc tiếp tục cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản vào ngày 15/6, bằng việc giảm 10 điểm cơ bản lãi cho vay trung hạn (MLF) kỳ hạn 1 năm. Hai ngày trước đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã hạ lãi suất mua lại đảo ngược kỳ hạn 7 ngày - một loại lãi vay ngắn hạn - từ 2% xuống 1,9%.
Ấn Độ, Indonesia và Nhật Bản hỗ trợ tăng trưởng khu vực
Hỗ trợ tốc độ tăng trưởng chung của toàn khu vực châu Á còn có Ấn Độ, Indonesia và Nhật Bản - những nền kinh tế đang chứng kiến sự phục hồi nhu cầu nội địa.
"Ấn Độ cũng đã thực hiện cải cách cơ cấu trong 5 năm qua... điều đó đang thúc đẩy đầu tư tư nhân cao hơn", ông Ahya cho biết. Chuyên gia này dự đoán tăng trưởng của Ấn Độ sẽ đạt 6,5% trong năm 2023, cao hơn mức dự báo 5,9% của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Trong khi đó, việc Indonesia thực hiện các chính sách vĩ mô được đồng thuận cao đã kéo giảm lạm phát của quốc gia này về mặt cấu trúc, nhờ vào cam kết của chính phủ nhằm giữ thâm hụt ngân sách dưới 3%. Điều đó dẫn đến tỷ lệ nợ công trên GDP của Indonesia ở mức dưới 40% - một trong những mức thấp nhất trong các thị trường mới nổi.
Mặt khác, Nhật Bản đang ở "thời điểm thuận lợi" để rời bỏ giảm phát nhưng không gặp vấn đề lạm phát nghiêm trọng như Mỹ và châu Âu. "Điều đó đang tạo thuận lợi cho cỗ máy kinh tế hoạt động", ngân hàng Morgan Stanley nhận định.
Nguồn: TBKTVN