Quay lại

Bất động sản Trung Quốc phục hồi hình chữ L, nền kinh tế "chịu trận"?

Trong một báo cáo nghiên cứu mới đây, ngân hàng Goldman Sachs dự báo thị trường bất động sản của Trung Quốc sẽ phục hồi theo hình chữ L trong những năm tới. Và việc này sẽ két tụt tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Theo ngân hàng đầu tư Mỹ, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc “dường như quyết tâm không dùng lĩnh vực bất động sản như một công cụ kích thích kinh tế trong ngắn hạn”. Thay vào đó, họ muốn giảm sự phục thuộc của nền kinh tế vào lĩnh vực này.

“Nền kinh tế Trung Quốc sẽ chứng kiến sự suy yếu trong nhiều năm do nhu cầu nhân khẩu học sụt giảm, những thay đổi về trọng tâm chính sách để hỗ trợ các lĩnh vực có tầm quan trọng chiến lược cũng như chi tiêu cho nhà ở suy yếu”, các nhà phân tích dẫn đầu là Wang Lisheng của Goldman Sachs dự báo.

Ở một góc độ nào đó, có thể nói ngành bất động sản của Trung Quốc đã tránh được tình trạng suy sụp sau 3 năm áp đặt các biện pháp hà khắc để phòng dịch Covid-19. Tuy nhiên, đã xuất hiện những dấu hiệu suy yếu kéo dài trên thị trường nhà ở. Sự phục hồi trong doanh thu nhà tháng 5 đã chậm lại, ở mức chỉ 6,7% so với hơn 29% của hai tháng trước đó.

Citigroup Inc. cũng hạ dự báo lợi nhuận và giá mục tiêu của một số cổ phiếu bất động sản Trung Quốc do những thách thức của thị trường và điều kiện thanh khoản.

Chuyên gia: Giải cứu bất động sản ở Trung Quốc rất khó

Bất động sản Trung Quốc phục hồi hình chữ L, nền kinh tế "chịu trận"? - Ảnh 1

Giá cổ phiếu nhiều công ty phát triển bất động sản Trung Quốc trên sàn chứng khoán Hồng Kông giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 12/6. Trong đó, giá cổ phiếu Guangzhou R&F Properties Co. giảm 5%, Sunac China Holdings Ltd. giảm gần 11% còn Sino-Ocean Group mất 6,9% giá trị.

Theo nguồn tin thân cận của Bloomberg, Bắc Kinh đang nghiên cứu một loạt các biện pháp mới để hỗ trợ thị trường bất động sản trong bối cảnh các chính sách hiện tại không thể giúp duy trì được sự phục hồi của lĩnh vực này.

Các nhà phân tích của Goldman Sachs dự báo các biện pháp mới có thể bao gồm nới lỏng tín dụng cho người mua nhà mới hoặc nâng cấp nhà, tiếp tục giảm lãi suất vay thế chấp mua nhà, giảm tỷ lệ đặt cọc và nới lỏng hơn nữa các hạn chế mua nhà.

Tuy nhiên, nhóm phân tích của ngân hàng Mỹ cho rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ không cố gắng “tạo ra một chu kỳ đi lên” và cũng sẽ không lặp lại “chương trình xây dựng lại các khu ổ chuột bằng hỗ trợ tiền mặt vào năm 2015-2018”.

“Điều này cho thấy các chính sách cho lĩnh vực bất động sản có thể sẽ kết thúc, nhằm giảm sự phục thuộc về kinh tế và tài chính của đất nước vào lĩnh vực này, đẩy mạnh nhà ở xã hội và dần mở rộng áp dụng thí điểm thuế bất động sản tại nhiều thành phố trong thời gian dài hơn”, báo cáo nghiên cứu của Goldman Sachs nhận định.

Gói biện pháp hiện hỗ trợ thị trường bất động sản đang áp dụng tại Trung Quốc được công bố vào tháng 11 năm ngoái, được nhận xét là đã đưa thị trường “lên đỉnh điểm của sự phục hồi”. Các biện pháp này được đưa ra nhằm giảm giải tỏa cuộc khủng hoảng thanh khoản mà các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đang đối mặt, giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư và giảm các vụ vỡ nợ. Tuy nhiên, các biện pháp này chủ yếu giúp nới lỏng các hạn chế trong lĩnh vực bất động sản và chủ yếu tập trung vào nguồn cung (như mở rộng các kênh tín dụng, huy động vốn), thay vì tập trung vào hỗ trợ nhu cầu.

Theo ông Nicholas Spiro, chuyên gia về các nền kinh tế phát triển và mới nổi tại công ty tư vấn địa ốc và vĩ mô Lauressa Advisory (Anh), lý do chính khiến thị trường nhà ở Trung Quốc khó có thể phục hồi mạnh mẽ là bong bóng giá tài sản đã bị thổi phồng quá mức.

“Chính phủ đang cố gắng làm xì hơi bong bóng nhà đất mà không khiến giá nhà giảm mạnh. Đó sẽ là thảm họa tại một quốc gia mà tài sản nhà đất chiếm 70% tổng tài sản của đất nước và ngành bất động sản đóng góp gần 1/4 GDP. Tuy nhiên, Bắc Kinh không có nhiều lựa chọn ngoài việc giảm quy mô của một ngành đang vận hành cồng kềnh và sử dụng đòn bẩy quá mức”, vị chuyên gia nhận định.

Nguồn: TBKTVN