Lần đầu tiên xuất khẩu rau quả đạt trên 1 tỷ USD ngay trong những tháng đầu năm
Xuất khẩu rau quả thuận lợi trong cả năm 2023 và đà tăng trưởng được nối tiếp trong 4 tháng đầu năm 2024. Tính riêng trong quý 1, do đơn hàng xuất khẩu tăng mạnh nên ngành hàng rau quả thu về 1,3 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả đạt trên 1 tỷ USD ngay trong quý 1.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), đóng góp lớn vào kim ngạch rau quả vẫn là mặt hàng sầu riêng. Riêng trong năm ngoái, loại quả này đóng góp hơn 2,2 tỷ USD vào doanh thu xuất khẩu toàn ngành trên 5,6 tỷ USD.
Hàng rau quả xuất khẩu tới các thị trường chính trong 3 tháng đầu năm 2024 đều tăng trưởng tích cực. Dẫn đầu về trị giá xuất khẩu là thị trường Trung Quốc, đạt 759,4 triệu USD, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm 2023; tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 74,6 triệu USD, tăng 59,3%; Hoa Kỳ đạt 67,7 triệu USD, tăng 33,9%; Thái Lan đạt 47,6 triệu USD, tăng 112%...
Dự kiến, năm 2024, xuất khẩu rau quả, trong đó có trái sầu riêng của Việt Nam sẽ còn tăng trưởng hơn nữa do mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng có thể được cấp nhiều hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu.
Việt Nam là nguồn cung sầu riêng lớn thứ 2 vào Trung Quốc nhưng đứng thứ nhất về tốc độ tăng trưởng. Xuất khẩu sầu riêng Việt Nam bắt đầu tăng mạnh khi hai nước ký nghị định thư vào tháng 7/2022.
Bên cạnh đó, trái dừa được phép xuất khẩu chính ngạch sẽ góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả khả quan hơn trong thời gian tới.
Nhu cầu tại thị trường xuất khẩu hàng rau quả lớn nhất là Trung Quốc. Việt Nam vẫn đang đàm phán với phía Trung Quốc để có thêm mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này. Đồng thời, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn như: Mỹ, EU, Australia, Hàn Quốc….
Năm 2024, nhiều chuyên gia nhận định, xuất khẩu rau quả sẽ đạt từ 6 - 6,5 tỷ USD và ngành hàng này chịu tác động tiêu cực của El NiNo đã và đang làm sụt giảm nguồn cung rau quả toàn cầu. Do đó, sẽ là cơ hội cho Việt Nam nếu có sản phẩm chất lượng và chinh phục được các thị trường khó tính.
Tuy nhiên, cơ hội kèm theo đó là sự tuân thủ yêu cầu của thị trường. Theo đó, cùng với việc xây dựng và quản lý tốt vùng trồng để tạo nên những vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu bền vững và kiểm soát thu hoạch, việc cập nhật kịp thời những yêu cầu kĩ thuật từ nhà nhập khẩu sẽ giúp nông sản của Việt Nam thâm nhập được vào các thị trường lớn.
Thời gian qua, hầu hết các thị trường đều đang siết chặt chất lượng nông sản nhập khẩu. Chẳng hạn, sầu riêng bị các nhà nhập khẩu tại thị trường Nhật Bản phản ánh về chất lượng; ớt bị tăng kiểm tra tại Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Cụ thể, theo Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc, Thương vụ đã nhận được thư của Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (MFDS) thông báo về việc tái chỉ định các thực phẩm nhập khẩu phải kiểm tra khi vào Hàn Quốc.
Nguồn: TBKTVN