Kinh tế Trung Quốc năm 2023 và triển vọng 2024
Kinh tế Trung Quốc năm 2023 diễn ra trong bối cảnh thế giới đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều có mức tăng trưởng thấp do tổng cầu suy giảm; lạm phát đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; chính sách tiền tệ thắt chặt, nợ công toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine vẫn diến biến phức tạp, bất ổn địa chính trị, vấn đề an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan… ngày càng nổi cộm.
KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH KINH TẾ NĂM 2023
Ở trong nước, sau khi dỡ bỏ các biện pháp hà khắc chống Covid-19 vào cuối năm 2022, các hoạt động kinh tế của Trung Quốc đã bắt đầu gia tăng và sôi động trở lại. Tình hình kinh tế đã có sự khởi sắc nhưng quá trình phục hồi vẫn còn khá mong manh và vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, bao gồm nhu cầu tiêu dùng và kỳ vọng xã hội yếu, dư thừa công suất ở một số lĩnh vực, tồn tại những điểm nghẽn trong lưu thông nội địa (Hội nghị công tác kinh tế trung ương 2023) …
Tuy nhiên, với việc thực hiện nhiều chính sách để ổn định tăng trưởng, nỗ lực đổi mới công nghệ và những cải cách sâu rộng, sự phục hồi đã tạo đủ đà để kinh tế Trung Quốc đạt mức tăng trưởng năm 2023 là 5,2%, cao hơn so với mục tiêu tăng trưởng mà Chính phủ Trung Quốc đặt ra là 5%. Tăng trưởng trong quý 1 đạt 4,5% và trong quý 2 đạt 6,3% so với cùng kỳ năm 2022; nhưng đà tăng trưởng đã giảm tốc xuống mức 4,9% trong quý 3, sau đó lại tiếp tục phục hồi mạnh mẽ lên mức 5,2% trong quý 4.
Dù vậy, con đường tăng trưởng đầy biến động này cho thấy sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc còn tiếp tục gập ghềnh, phản ánh những trở ngại trong ngắn hạn, bao gồm tâm lý tiêu dùng yếu, thị trường bất động sản sụt giảm dai dẳng và xuất khẩu cũng sụt giảm. Tăng trưởng GDP mạnh mẽ chủ yếu được thúc đẩy bởi sự phục hồi của các lĩnh vực công nghệ cao và dịch vụ; trong đó, tiêu dùng vẫn là động lực tăng trưởng chính của Trung Quốc, được hỗ trợ bởi nhu cầu tiêu dùng dịch vụ bị dồn nén sau đại dịch, tuy nhiên, tiêu dùng hàng hóa lại tụt dốc. Đầu tư đóng góp tích cực vào tăng trưởng nhờ khả năng phục hồi trong sản xuất và đầu tư cơ sở hạ tầng bù đắp cho sự sụt giảm đầu tư bất động sản. Trong khi đó, xuất khẩu ròng giảm do nhu cầu bên ngoài yếu gây áp lực lên tổng lượng xuất khẩu.
TIÊU DÙNG PHỤC HỒI TƯƠNG ĐỐI MẠNH MẼ
Do được hưởng lợi từ sự cải thiện của thị trường lao động và giải phóng nhu cầu dịch vụ bị dồn nén, tiêu dùng phục hồi tương đối mạnh mẽ. Theo Báo cáo thường niên kinh tế Trung Quốc năm 2023, tổng doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng năm 2023 đạt 47,1 nghìn tỷ Nhân dân tệ, mức cao kỷ lục, tăng 7,2% so với năm trước; trong khi, doanh thu bán lẻ dịch vụ 11 tháng đầu năm tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2022, tăng hơn 0,5 điểm phần trăm so với giai đoạn từ tháng 1/2023 đến tháng 10/2023.
Điều kiện thị trường lao động Trung Quốc trong năm 2023 đã được cải thiện, với tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 5,0% trong tháng 10/2023 (trở lại mức trước đại dịch) từ mức cao nhất trong tháng 2 là 5,6%. Tuy vậy, các yếu tố mang tính cơ cấu như mức bảo trợ xã hội hạn chế và tình trạng bất bình đẳng dai dẳng đã phần nào cản trở tiêu dùng.
ĐẦU TƯ TRONG NƯỚC CHẬM LẠI
Đầu tư trong nước của Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ chậm hơn so với giai đoạn 2020-2022, chủ yếu do những thách thức đang diễn ra trong lĩnh vực bất động sản. Đầu tư bất động sản giảm 7,8% trong 10 tháng đầu năm 2023, sau khi giảm 8,4% vào năm ngoái, do nhu cầu nhà ở yếu và tình trạng nợ nần của các nhà phát triển bất động sản. Đầu tư vào các lĩnh vực thượng nguồn cung cấp đầu vào cho bất động sản (ví dụ như vật liệu xây dựng) cũng đang giảm dần.
Ngược lại, đầu tư sản xuất của Trung Quốc nhìn chung vẫn có khả năng phục hồi, đặc biệt là ô tô, máy móc, điện và điện tử, một phần do nhu cầu tương đối mạnh mẽ và có sự hỗ trợ bởi chính sách. Trong năm 2023, Trung Quốc tiếp tục duy trì tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng và chế tạo, trong đó chú trọng đầu tư vào các ngành công nghệ cao. Đầu tư cơ sở hạ tầng tăng 5,8%, đầu tư vào lĩnh vực chế tạo tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
XUẤT, NHẬP KHẨU TIẾP TỤC GIẢM
Trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu yếu hơn, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và đầu tư bất động sản yếu kém cũng đã góp phần làm giảm nhập khẩu nói chung. Kim nghạch xuất nhập khẩu trong 11 tháng đầu năm 2023 của Trung Quốc đạt 37,96 nghìn tỷ Nhân dân tệ (5,36 USD), không tăng trưởng so với năm trước. Trong 10 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hàng hóa giảm 5,6% so với cùng kỳ, so với mức tăng 11,1% trong cùng kỳ năm ngoái. Sự suy giảm trong xuất khẩu diễn ra trên diện rộng trong các ngành và giữa các đối tác thương mại, nhưng mạnh nhất là đối với xuất khẩu sang các nước ASEAN và EU.
Nhập khẩu hàng hóa cũng tiếp tục giảm. Trong mười tháng đầu năm 2023, nhập khẩu giảm 6,5% so với cùng kỳ, từ mức tăng trưởng 3,5% trong cùng kỳ năm 2022. Nhu cầu chế biến hàng nhập khẩu từ các lĩnh vực xuất khẩu giảm, tiêu dùng hàng hóa trong nước chậm chạp và đầu tư bất động sản yếu kém đã góp phần làm giảm nhập khẩu nói chung.
Trong ba quý đầu năm 2023, xuất khẩu dịch vụ của Trung Quốc giảm 13,5% so với cùng kỳ, chủ yếu do xuất khẩu dịch vụ tài chính, du lịch nội địa và vận tải tiếp tục giảm. Ngược lại, nhập khẩu dịch vụ đạt mức tăng trưởng 15,3% do du lịch nước ngoài phục hồi sau khi các dịch vụ du lịch quốc tế được nối lại nhưng vẫn chưa đạt đến mức trước đại dịch.
CÔNG NGHỆ CAO LÀ ĐIỂM SÁNG
Mặc dù đứng trước những khó khăn chung của kinh tế thế giới và trong nước, nhưng một số lĩnh vực mũi nhọn và công nghệ cao như kinh tế số, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, hàng không vũ trụ, phát triển năng lượng tái tạo... của Trung Quốc vẫn đạt nhiều thành tựu mới và là điểm sáng của kinh tế Trung Quốc trong năm 2023. Việc mở rộng công suất sản xuất năng lượng tái tạo của nước này tiếp tục tăng theo cấp số nhân. Một số lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc bao gồm, phương tiện sử dụng năng lượng mới (NEV), pin quang điện và pin lithium-ion đã có sự phát triển bùng nổ với tăng trưởng đầu tư và xuất khẩu ở mức hai con số (Điểm sáng của kinh tế Trung Quốc nửa đầu năm 2023, qdnd.vn).
Việc bổ sung công suất cho điện năng lượng mặt trời và điện gió tiếp tục lập mức cao kỷ lục mới. Công suất phát điện năng lượng mặt trời tăng 140% trong 9 tháng đầu năm 2023. Sự tăng trưởng nhanh chóng về nhu cầu điện này phản ánh mức độ điện khí hóa trong giao thông và sản xuất ngày càng tăng, cũng như sự chuyển dịch cơ cấu GDP từ công nghiệp nặng sang sản xuất, ngành có lượng phát thải carbon thấp hơn, vì phần lớn sử dụng điện thay vì nhiên liệu hóa thạch làm năng lượng đầu vào. Đến cuối năm 2023, công suất lắp đặt sản xuất điện bằng năng lượng tái tạo của Trung Quốc đã chiếm hơn một nửa tổng công suất lắp đặt, vượt qua cả nhiệt điện...
BẤT ĐỘNG SẢN TIẾP TỤC ĐỐI MẶT VỚI THÁCH THỨC
Lĩnh vực bất động sản tiếp tục phải đối mặt với những thách thức ngắn hạn và cơ cấu đan xen. Các nhà phát triển bất động sản tiếp tục phải đối mặt với áp lực huy động vốn, với số vốn huy động được giảm hơn 13% so với cùng kỳ. Sự suy giảm này phần lớn là do các chủ đầu tư gặp khó khăn về nợ nần cao và nhu cầu nhà ở chậm lại. Nhu cầu nhà ở chậm lại và đòn bẩy cao mà các nhà phát triển phải đối mặt đã làm lu mờ những hỗ trợ chính sách của Trung Quốc gần đây (Mặc dù số lượng bất động sản hoàn thiện đã tăng gần 20% so với cùng kỳ trong 10 tháng đầu năm nay, nhờ chính sách hỗ trợ hơn 500 tỷ Nhân dân tệ cho các dự án đã bán trước nhưng bị đình trệ).
Đầu tư bất động sản tiếp tục giảm, với đầu tư phát triển nhà ở và bất động sản mới bắt đầu giảm lần lượt 9,3 và 25,4% trong 10 tháng đầu năm 2023. Doanh số bán bất động sản mới giảm lần lượt 4,9% về giá trị và 7,8% về số lượng so với cùng kỳ trong 10 tháng đầu năm 2023. Sự sụt giảm rõ rệt hơn ở các thành phố cấp hai và cấp thấp hơn, chiếm khoảng 80% thị trường nhà ở Trung Quốc, nơi giá nhà đất tiếp tục giảm hàng tháng...
Lạm phát vẫn ở mức thấp trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc phục hồi mong manh. Lĩnh vực bất động sản yếu kém đã góp phần làm giảm chi phí thuê nhà và giá thiết bị gia dụng, trong khi giá ô tô giảm trong bối cảnh các nhà sản xuất ô tô cạnh tranh giành thị phần càng làm tăng thêm áp lực giảm giá. Loại trừ giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, lạm phát cơ bản dao động quanh mức 0,7% trong cùng thời kỳ, liên tục thấp hơn mức 1,6% trước đại dịch. Giảm phát giá sản xuất vẫn tồn tại nhưng phần nào đã giảm bớt trong những tháng gần đây, do giá hàng hóa toàn cầu tăng...
TÀI CHÍNH, TIỀN TỆ THÂM HỤT
Về tài chính, tiền tệ, thâm hụt tài khoản tài chính và vốn ngày càng gia tăng do dòng vốn chảy ra ngoài, cũng như đầu tư ra nước ngoài cao hơn. Trong khi đó, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức 3,1 nghìn tỷ USD. Gia tăng chênh lệch lãi suất với các nước lớn khác, tình trạng bất ổn kinh doanh vẫn còn cao và căng thẳng địa chính trị đã hạn chế dòng vốn nước ngoài vào Trung Quốc. Dòng vốn FDI giảm xuống 0,1% GDP trong ba quý đầu năm 2023 từ mức 1,1% trong cùng kỳ năm ngoái.
Dòng vốn ròng chảy ra và sức mạnh phổ rộng của đồng USD tiếp tục gây áp lực lên đồng Nhân dân tệ. Mặc dù có thặng dư tài khoản vãng lai mạnh mẽ, đồng Nhân dân tệ (CNY) đã mất giá trung bình 4,5% so với đồng USD nhưng vẫn ổn định theo tỷ trọng thương mại trong 11 tháng đầu năm 2023...
TRIỂN VỌNG KINH TẾ TRUNG QUỐC NĂM 2024
Đánh giá về xu hướng kinh tế Trung Quốc, các chuyên gia cho rằng các thách thức kinh tế khác bao gồm suy giảm dân số, bài toán giảm nợ và giảm rủi ro, sẽ có tác động lâu dài đến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong thập kỷ tới. Bên cạnh đó, tác động của sự suy thoái của ngành bất động sản sẽ được chứng minh rõ hơn vào năm 2024.
Bà Eunice Tan, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu tín dụng châu Á - Thái Bình Dương nhận định: “Nỗi đau trong ngành bất động sản sẽ tiếp tục kéo lùi sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc và doanh số bán bất động sản sẽ tiếp tục quay vòng trong một chu kỳ tiêu cực”. Như vậy, trong tương lai gần, lĩnh vực bất động sản Trung Quốc sẽ không trở lại vai trò động lực chính của nền kinh tế và nó không còn là diễn đàn cho hoạt động đầu cơ liều lĩnh như những thập kỷ trước...
(*) Nguyễn Thị Hạ,Viện Nghiên cứu Trung Quốc.
Nguồn: TBKTVN