Indonesia tăng lãi suất để bảo vệ đồng rupiah trước sức ép từ đồng USD
Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) ngày 24/4 bất ngờ tăng lãi suất cơ bản lên mức cao nhất kể từ năm 2016. Cụ thể, lãi suất mua lại đảo ngược (reverse repo rate) kỳ hạn 7 ngày tại Indonesia được tăng 0,25 điểm phần trăm lên 6,25%. Trước đó, hầu hết các nhà kinh tế được hãng tin Bloomberg khảo sát dự báo BI sẽ giữ nguyên lãi suất sau lần tăng vào tháng 10 năm ngoái.
Theo tờ báo Financial Times, động thái của BI nhằm bảo vệ đồng nội tệ rupiah đang giao dịch ở mức thấp nhất gần 4 năm, trong bối cảnh nhiều đồng tiền châu Á chịu áp lực lớn từ đồng USD mạnh và dự báo Mỹ duy trì lãi suất cao lâu hơn. Từ đầu năm đến nay, đồng rupiah giảm hơn 5% so với USD.
“Việc tăng lãi suất nhằm nâng đỡ đồng rupiah trước những rủi ro đang có xu hướng xấu đi trên toàn cầu, đồng thời là một bước đi phòng ngừa để đảm bảo lạm phát duy trì ở khoảng mục tiêu 1,5-3,5% của ngân hàng trung ương”, thống đốc BI Perry Warjiyo cho biết tại một cuộc họp báo sau động thái nâng lãi suất. Tỷ lệ lạm phát tháng 3 tại Indonesia tăng lên mức 3,05%, mức cao nhất kể từ tháng 8/2023.
Ông Warjiyo cũng nhấn mạnh thêm rằng “phản ứng chính sách mạnh mẽ” là cần thiết do những bất định ngày càng gia tăng xung quanh triển vọng lãi suất ở Mỹ và căng thẳng leo thang ở Trung Đông.
Động thái của BI giúp đồng rupiah tăng 0,4%, giao dịch ở mức 16,155 rupiah đổi 1 USD trong phiên giao dịch ngày 24/4.
Quyết định của ngân hàng trung ương Indonesia được đưa ra trong bối cảnh dự báo về khả năng ngày càng lớn rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn hạ lãi suất trong năm nay nhằm ứng phó với lạm phát tăng trở lại và tình trạng khỏe mạnh của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tuần trước, BI cũng có động thái can thiệp thị trường ngoại hối nhằm hỗ trợ đồng rupiah sau khi đồng tiền này giảm mạnh vượt ngưỡng 16.000 rupiah đổi 1 USD. Chính phủ Indonesia cũng yêu cầu các công ty quốc doanh kiềm chế việc mua đồng USD với số lượng lớn.
Tại châu Á, nhiều ngân hàng trung ương khác cũng phát tín hiệu chuẩn bị có động thái chính sách nhằm bảo vệ đồng nội tệ. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tuần trước cho biết có thể tăng lãi suất thêm nếu tác động của việc đồng yên suy yếu “quá lớn đến mức không thể làm ngơ”. Hôm 19/3, BOJ chính thức chấm dứt chính sách lãi suất âm cuối cùng trên thế giới, đưa lãi suất ngắn hạn lên mức “khoảng 0-0,1%", từ mức âm 0,1%. Đây là lần tăng lãi suất lần đầu tiên tại Nhật kể từ năm 2007.
Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ tại Trung Quốc và Hàn Quốc cũng bày tỏ quan ngại về sự mạnh lên của đồng USD.
Tại Indonesia, bên cạnh ảnh hưởng của đồng USD mạnh, đồng rupiah cũng chịu áp lực từ những quan ngại rằng chính sách dân túy của Tổng thống đắc cử Prabowo Subianto có thể ảnh hưởng tới các mục tiêu liên quan thâm hụt ngân sách tài khóa của Chính phủ. Dự kiến lên thay ông Joko Widodo vào tháng 10 năm nay, ông Prabowo cam kết cung cấp bữa ăn miễn phí và thực hiện chương trình sữa học đường với tổng chi phí ước tính 460 nghìn tỷ rupiah (tương đương 28,5 tỷ USD).
Tuy nhiên, theo nhà kinh tế cấp cao về châu Á Gareth Leather tại Capital Economics, Indonesia nhiều khả năng sẽ không tăng lãi suất thêm.
“Với tỷ lệ lạm phát ở mức rất thấp và tăng trưởng kinh tế gặp nhiều khó khăn, ngân hàng trung ương Indonesia sẽ thận trọng để không thắt chặt chính sách quá mạnh. Chúng tôi cho rằng động thái ngày hôm nay của cơ quan này sẽ không mở màn cho một chu kỳ tăng lãi suất kéo dài”, ông Leather viết trong một báo cáo ngày 24/4.
Nguồn: TBKTVN