Giới đầu tư nói gì sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bị ám sát hụt
Ông Trump đã bị bắn vào tai trong cuộc vận động tranh cử ở bang Pennsylvania hôm 13/7 và chính quyền xác định đây là vụ ám sát.
Ông Trump, với khuôn mặt dính máu, đã giơ nắm đấm ngay sau vụ tấn công và đội ngũ chiến dịch tranh cử của ông cho biết cựu Tổng thống vẫn ổn sau vụ nổ súng.
Trước vụ nổ súng, các thị trường đã phản ứng theo viễn cảnh ông Trump đắc cử tổng thống bằng cách đẩy đồng đô la Mỹ lên cao hơn và chuẩn bị cho kịch bản đường cong lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ leo dốc hơn. Ông Rong Ren Goh, nhà quản lý danh mục đầu tư tại công ty quản lý đầu tư Eastspring Investments (Singapore) cho rằng, những giao dịch đó có thể mạnh lên trong tuần này.
Sự vụ hôm 13/7 là vụ nổ súng đầu tiên nhằm vào một tổng thống Mỹ hoặc ứng cử viên của đảng lớn kể từ vụ ám sát Tổng thống Ronald Reagan (đảng Cộng hòa) năm 1981. Vụ việc có thể làm đảo lộn cuộc tái đấu vào ngày 5/11 giữa ông Trump thuộc đảng Cộng hòa và Tổng thống đương nhiệm Joe Biden, một thành viên đảng Dân chủ.
Ông Nick Ferres, Giám đốc đầu tư tại công ty quản lý tài sản Vantage Point Asset Management, trích dẫn kết quả các cuộc thăm dò cho thấy sự ủng hộ dành cho ông Ronald Reagan đã tăng vọt sau vụ ám sát năm 1981.
Các nhà lãnh đạo thế giới và chính trị gia Mỹ đã lên án vụ xả súng, trong khi một số giám đốc điều hành, bao gồm cả tỷ phú Elon Musk của hãng xe điện Tesla, đã tuyên bố ủng hộ ông Trump trong cuộc đua trở lại Nhà Trắng.
Một ngày sau vụ nổ súng tại cuộc vận động tranh cử của ông Trump ở Pennsylvania, các nhà chức trách đang điều tra quá khứ của người đàn ông có tên gọi Thomas Matthew Crooks, được xác định là nghi phạm trong "vụ âm mưu ám sát".
Kể từ màn thể hiện run rẩy trong cuộc tranh luận trực tiếp với ông Trump hai tuần trước, Tổng thống Biden đã phải đối mặt với sự hoài nghi ngày càng lớn từ các nhà tài trợ, những người ủng hộ và các thành viên đảng Dân chủ về khả năng đánh bại ông Trump và đáp ứng kịp yêu cầu của công việc.
Nhập cư và sức khỏe nền kinh tế là những vấn đề chính đối với cử tri Mỹ và theo các cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos, họ coi ông Trump là ứng cử viên sáng giá hơn cho nền kinh tế Mỹ, ngay cả khi Nhà Trắng tìm cách thúc đẩy một nền kinh tế vững chắc với lạm phát chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp thấp.
Dưới thời ông Trump, các nhà phân tích thị trường mong đợi Mỹ áp dụng chính sách thương mại "diều hâu" hơn, ít quy định hơn và các quy định về biến đổi khí hậu nới lỏng hơn. Các nhà đầu tư cũng kỳ vọng việc gia hạn cắt giảm thuế doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân sẽ hết hạn vào năm tới, làm dấy lên lo ngại về thâm hụt ngân sách gia tăng.
Ông Trump từng khẳng định trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 2 rằng ông sẽ không tái bổ nhiệm Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell, người sẽ hết nhiệm kỳ chủ tịch thứ hai vào năm 2026.
Ông Michael Purves, giám đốc điều hành công ty tư vấn đầu tư Tallbacken Capital Advisors (Mỹ), tin rằng chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 có thể gây áp lực lên lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, đặc biệt nếu ông Trump thực hiện cam kết cắt giảm thuế, tăng thuế quan và trục xuất người nhập cư bất hợp pháp - những hành động mà một số nhà đầu tư tin rằng có thể khiến lạm phát tăng cao trở lại.
Ông Purves cho rằng một khả năng khác gây ra lạm phát là Fed dự kiến sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm tới.
"Nếu (ông Trump) thắng cử và thực hiện điều mà ông ấy nói, sẽ dẫn đến một đợt bán tháo lớn hơn nhiều ở phía sau thị trường trái phiếu", ông Purves dự đoán. "Tôi nghĩ thị trường trái phiếu là thị trường giao dịch (bầu cử) lớn trong năm nay, hơn là thị trường cổ phiếu".
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ dài hạn đã tăng lên cùng với khả năng ông Trump trở lại nắm quyền Nhà Trắng lần thứ hai.
Trong khi những chuyển động trong đường cong lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ chủ yếu được thúc đẩy bởi sự thay đổi kỳ vọng về đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed trong chu kỳ này, thì khoảng cách lợi suất giữa trái phiếu kỳ hạn 2 năm và 30 năm đã thu hẹp xuống mức âm 6 điểm cơ bản, từ mức âm 30 điểm cơ bản trong khoảng thời gian diễn ra cuộc tranh luận Biden - Trump.
Bên cạnh đó, khoảng cách giữa lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 và 10 năm cũng đang ở mức âm 27 điểm cơ bản, bằng một nửa của 3 tuần trước.
"Ông Trump luôn là người 'ủng hộ thị trường' hơn. Vấn đề quan trọng trong tương lai là liệu chính sách tài khóa có còn lỏng lẻo một cách vô trách nhiệm hay không và tác động của điều đó có thể gây ra lạm phát (tái diễn) cũng như xu hướng lãi suất trong tương lai", ông Ferres nói.
Sắc xanh đang chi phối thị trường chứng khoán Mỹ. Cả chỉ số S&P 500 và chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones đều đạt mức cao kỷ lục trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần trước, tức ngày 12/7, trước khi xảy ra vụ ám sát nhằm vào ông Trump. Chỉ số S&P 500 đã tăng 18% kể từ đầu năm đến nay.
Các nhà phân tích tại Goldman Sachs dẫn chứng rằng: "Trong khoảng 5 cuộc bầu cử tổng thống trong 20 năm qua, niềm tin của các CEO, tâm lý người tiêu dùng và đặc biệt là sự lạc quan của các doanh nghiệp nhỏ đã thay đổi theo hướng thuận lợi hơn trước những chiến thắng của đảng Cộng hòa so với những chiến thắng của đảng Dân chủ".
"Trong trường hợp tâm lý được cải thiện dẫn đến tăng chi tiêu và đầu tư, chiến thắng của ông Trump có thể thúc đẩy triển vọng lợi nhuận của một số công ty ngay cả khi không có những thay đổi chính sách đáng kể", Goldman Sachs nhận định.
Ngay sau vụ nổ súng, tỷ phú quản lý quỹ phòng hộ Bill Ackman đã lên tiếng ủng hộ ông Trump, trong khi tỷ phú Elon Musk cũng ủng hộ ông Trump và gọi ông là "cứng rắn" trên mạng xã hội X.
Trong khi đó, một số nhà đầu tư tin rằng tác động của vụ nổ súng sẽ tương đối nhỏ, đặc biệt là trên thị trường chứng khoán. Theo ông Steve Sosnick, chiến lược gia trưởng tại công ty môi giới đa quốc gia Interactive Brokers (Mỹ), các nhà giao dịch chứng khoán đặc biệt không giỏi định giá trong các sự kiện có tác động mơ hồ đến doanh thu, lợi nhuận, dòng tiền... Và vụ việc cuối tuần qua thuộc loại sự kiện đó.
Nguồn: Báo Đầu tư