GDP Việt Nam đứng thứ 5 Đông Nam Á
Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới thường niên lần thứ 14 (World Economic League Table) của Trung tâm tư vấn CEBR (Anh) đánh giá Việt Nam là nền kinh tế lớn thứ 35 thế giới, với quy mô GDP hơn 430 tỉ USD năm 2023. Thứ hạng này dự kiến có thể tăng nhanh trong tương lai, vươn lên vị trí thứ 24 vào năm 2033, với quy mô kinh tế là 1.050 tỉ USD.
Quy mô nền kinh tế Việt Nam lần đầu tiên ghi nhận mức 400 tỉ USD vào cuối năm 2022, tăng hơn 10 lần so với năm 2000. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, GDP năm 2023 cả nước tăng 5,05% so với năm 2022. GDP bình quân đầu người GDP bình quân đầu người năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 4.284 USD, tăng 160 USD so với năm 2022. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 8.380 USD/lao động, tăng 274 USD so với năm 2022. Như vậy, có thể tính năng suất lao động tăng 3,65% do trình độ của người lao động được cải thiện.
Cũng trong năm này, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lập kỷ lục 732 tỉ USD, đưa Việt Nam vào trong nhóm 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới và duy trì xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp.
Theo dữ liệu mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2023, quy mô GDP của khu vực Đông Nam Á nói chung theo giá hiện hành sẽ đạt khoảng 3.860 tỉ USD. Trong đó, Indonesia dẫn đầu khu vực với quy mô GDP ước đạt khoảng 1,42 tỉ USD. Thái Lan xếp thứ 2 với quy mô GDP dự kiến là 512,19 tỉ USD trong năm 2023. Singapore và Philippines lần lượt xếp thứ 3 và thứ 4, với quy mô GDP dự kiến là 497,35 tỉ USD và 435,68 tỉ USD.
Đối với Việt Nam, IMF cho biết, quy mô GDP của Việt Nam năm 2023 ước đạt khoảng 433,3 tỉ USD, xếp thứ 5 trong khu vực. Nhờ vào ưu thế dân số đông và trẻ, Việt Nam có cơ hội vượt qua gần hết các nước trong ASEAN về kinh tế như Singapore, Thái Lan hay Malaysia để trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.
CEBR nhận định Việt Nam tăng trưởng mạnh, lạm phát duy trì ở mức thấp, tức là chưa phải đánh đổi giữa tăng trưởng và lạm phát như nhiều quốc gia khác. Mức tăng giá tiêu dùng năm 2023 cũng thấp hơn tỉ lệ lạm phát trung bình 10 năm, là 3,8%. Điều này tạo dư địa trong chính sách điều hành tiền tệ của Việt Nam.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thường Lạng (Đại học Kinh tế Quốc dân) nhận xét Việt Nam đang có nhiều lợi thế để có triển vọng kinh tế tốt hơn, đặc biệt là khi nông nghiệp vẫn là mảng mà Việt Nam đang có thế mạnh. Trong khó khăn như năm 2023, xuất khẩu nông thủy sản đã có sự bứt phá, góp phần quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu.
Tại buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội quý IV/2023 và năm 2023, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng tích cực và tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu một số nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, ứng dụng mô hình công nghệ cao trong nuôi tôm thẻ chân trắng đã đem lại hiệu quả kinh tế.
Việt Nam cũng được hưởng lợi từ sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu. Tỉ lệ hàng hóa Việt được xuất khẩu sang Mỹ tăng gần 2% từ khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang vào năm 2018. Điều này cũng được bổ sung bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh mẽ từ các nền kinh tế châu Á khác, bao gồm cả Trung Quốc. Nhờ điều này, Việt Nam có thể đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.
Trong bối cảnh thế giới còn quá nhiều biến động, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì sự ổn định về an ninh, kiềm chế được lạm phát, số lượng doanh nghiệp mới tăng trở lại, thu hút vốn FDI và đầu tư tư nhân gia tăng là những tín hiệu cực kỳ tích cực cho sự phát triển kinh tế của đất nước.
“Việt Nam có thể hoàn toàn trở thành quốc gia có thu nhập cao trong 10-15 năm tới nếu cải tiến mạnh mẽ thể chế và năng suất lao động. Các dự báo về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam từ các tổ chức nghiên cứu, khảo sát trên thế giới đa số rất khả quan”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu doanh nghiệp, cho biết.
Với triển vọng trong năm 2024, GDP của Việt Nam được dự báo đạt khoảng 469,67 tỉ USD, xếp thứ 5 trong khu vực, sau các quốc gia như Indonesia (1.540 tỉ USD), Thái Lan (543,35 tỉ USD), Singapore (520,97 tỉ USD) và Philippines (475,94 tỉ USD).
Đến năm 2038, với quy mô GDP dự kiến đạt 1.559 tỉ USD, Việt Nam sẽ vươn lên vị trí thứ 21, vượt qua các nền kinh tế khác trong khu vực ASEAN như Thái Lan (1.313 tỉ USD), Singapore (896 tỉ USD), Philippines (1.536 tỉ USD) để lọt nhóm 25 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong khu vực ASEAN, bên cạnh Việt Nam, Philippines cũng được đánh giá là quốc gia có tăng trưởng ấn tượng và có thể đạt vị trí thứ 23 vào năm 2038. Theo CERB, Việt Nam và Philippines là minh chứng nổi bật cho nhóm những quốc gia được kỳ vọng sẽ cải thiện thứ hạng thông qua việc tái định vị trong chuỗi giá trị toàn cầu, cải cách nội bộ, tăng năng suất lao động và đầu tư công và tư.
Nguồn: Nhipcaudautu