Triển vọng nhìn thấy của du lịch châu Á – Thái Bình Dương trong năm 2023
Theo dự báo của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới, ngành du lịch châu Á - Thái Bình Dương sẽ tiếp tục tăng trưởng vào năm 2023 và sẽ có một năm tăng trưởng tích cực vào năm 2024. So với trước đại dịch, doanh thu từ du lịch sẽ đóng góp thêm 32% vào GDP khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2025, vượt xa các khu vực khác ngoại trừ Trung Đông (30%).
Báo cáo của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới ước tính tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của nền kinh tế toàn cầu sẽ là 2,7% trong giai đoạn 2022 - 2032. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, đóng góp của ngành du lịch vào nền kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng trung bình hàng năm là 5,8%. Tại châu Á - Thái Bình Dương, tỷ trọng đóng góp của ngành du lịch vào tăng trưởng GDP khu vực thậm chí còn cao hơn, với tốc độ tăng trung bình hàng năm là 8,5%.
HƯỞNG LỢI TỪ VIỆC TRUNG QUỐC MỞ CỬA TRỞ LẠI
Mới đây, trang Asia Media Centre cũng cho rằng, 2023 là một năm lớn đối với du lịch ở châu Á - Thái Bình Dương. Tín hiệu khởi sắc của du lịch châu Á được chứng minh ở việc nhiều quốc gia trong khu vực đã đón được lượng khách tăng nhanh chóng. Trong đó phải kể đến Thái Lan đón được 10 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2022, và đặt quyết tâm đón 20 - 25 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2023. Còn Malaysia dự kiến lượng khách đến nước này trong năm nay sẽ tăng lên 9,6 triệu người...
Từ hôm nay, 6/2, tour du lịch theo nhóm của Trung Quốc sẽ bắt đầu với 20 điểm đến. 11 nơi trong số này, Thái Lan, Indonesia, Campuchia, Maldives, Sri Lanka, Philippines, Malaysia, Singapore, Lào, New Zealand và Fiji, là ở châu Á - Thái Bình Dương. Mặc dù xu hướng du lịch cá nhân của du khách Trung Quốc cũng đã bắt đầu manh nha từ trước đại dịch, nhưng việc các tour khách đoàn lớn được phục hồi sớm vào thời điểm hiện tại cũng sẽ ảnh hưởng đến chiến lược ngắn hạn của các hãng hàng không Trung Quốc.
Theo Nikkei Asia, đà phục hồi của du khách Trung Quốc ra nước ngoài được dự báo là rất mạnh mẽ. Các nhà phân tích dự đoán du lịch Trung Quốc ra nước ngoài sẽ tăng nhanh trong nửa cuối năm 2023. Viện Nghiên cứu Du lịch Nước ngoài Trung Quốc (COTRI) cho biết, vào năm 2025, số chuyến đi của người Trung Quốc ra nước ngoài sẽ đạt 179 triệu chuyến, vượt mức của năm 2019. Đến năm 2028, Trung Quốc sẽ đạt 200 triệu chuyến đi ra nước ngoài.
Châu Á Thái Bình Dương dự tính có một năm hoạt động du lịch sôi động khi tất cả các quốc gia đều đã mở cửa.
Năm 2023 cũng là lần đầu tiên kể từ năm 2019, châu Á Thái Bình Dương dự tính có một năm hoạt động du lịch sôi động khi tất cả các quốc gia đều đã mở cửa. Các điểm đến sẽ quảng bá mạnh mẽ để thu hút khách du lịch từ khắp thế giới, không chỉ từ Trung Quốc. Một cuộc cạnh tranh thú vị có thể sẽ diễn ra giữa Thái Lan và Nhật Bản khi cả hai đều đang hướng đến để trở thành điểm đến du lịch hàng đầu của khu vực vào năm 2023. Cả hai nước này đều được hưởng lợi từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại, đặc biệt là khi Nhật Bản đã gỡ bỏ các hạn chế nhập cảnh hiện tại đối với du khách Trung Quốc.
Nhật Bản và Thái Lan đều đã chào đón lượng du khách kỷ lục vào năm 2019: 31,9 triệu tới Nhật Bản và 39,9 triệu tới Thái Lan. Dù hai nước này không thể đón được lượng khách tương tự vào năm 2023 nhưng đều được dự báo sẽ có mức tăng trưởng ấn tượng. Thái Lan, nơi đón 11,2 triệu du khách vào năm 2022, có thể sẽ tăng gấp đôi con số đó. Còn Nhật Bản, mới mở cửa trở lại vào tháng 10 năm 2022, cũng có thể sẽ vượt 20 triệu du khách trong năm nay.
Trong khi đó, Indonesia triển khai hàng loạt sự kiện du lịch tầm quốc tế với khoảng 110 lễ hội và 65 sự kiện thể thao, văn hóa trong năm 2023 để thúc đẩy tăng trưởng du lịch, dự kiến đón 7,4 triệu lượt khách quốc tế. Còn Malaysia dự kiến lượng khách đến nước này trong năm nay sẽ tăng gần gấp 4 lần, lên 9,6 triệu người.
Năm nay, ngành Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 8 triệu lượt khách quốc tế.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Trùng Khánh cho biết, đây là thách thức lớn nhưng với đà phát triển của năm 2022 cùng những dự báo khởi sắc của du lịch quốc tế, Việt Nam có thể đạt được mục tiêu đề ra.
GỠ BỎ NHỮNG THÁCH THỨC
Mặc dù được nhận định sẽ có sự phục hồi nhanh vào năm 2023, du lịch trong khu vực châu Á cũng đang phải đối diện với nhiều thách thức. Khó khăn chung của kinh tế toàn cầu được dự báo còn tiếp diễn trong năm 2023 sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chi tiêu của du khách cho du lịch. Ngành du lịch trong khu vực cũng vẫn còn thiếu nhân viên và nguồn lực hạn chế. Thêm vào đó, câu hỏi về biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế bền vững cũng đang được đặt ra với hoạt động du lịch. Câu hỏi về chất lượng và số lượng du khách sẽ lại nổi lên ở một số điểm đến, đặc biệt là những nơi du lịch có tác động lớn đến môi trường và cộng đồng.
Tại Diễn đàn Du lịch ASEAN 2023 đang diễn ra tại Indonesia, nhiều hội nghị, hội thảo giữa các quốc gia trong khu vực cũng như trong khối ASEAN + 3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) cũng đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Trong trong khuôn khổ Hội nghị cơ quan Du lịch quốc gia ASEAN + 3, Trung tâm ASEAN - Trung Quốc (ACC), Trung tâm ASEAN - Nhật Bản (AJC) và Trung tâm ASEAN - Hàn Quốc (AKC) đã có sự cam kết, hỗ trợ hoạt động du lịch đối với các quốc gia ASEAN thông qua các khóa đào tạo về quảng bá, xúc tiến du lịch, xây dựng trang web, đào tạo hướng dẫn viên, tham gia các sự kiện quảng bá, xúc tiến...
Nhiều hoạt động du lịch từ các quốc gia ASEAN sẽ được kết nối, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá ra các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản trong năm 2023.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Hà Văn Siêu cho rằng, diễn đàn là cơ hội rất tốt để các quốc gia trong khu vực tháo gỡ những khó khăn, tìm giải pháp thúc đẩy sự phục hồi, gia tăng nguồn khách trao đổi đa chiều trong năm 2023. Đối với Việt Nam, nhiều năm nay nguồn khách quốc tế lớn vẫn từ các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước trong khu vực Đông Nam Á…
Ông Hà Văn Siêu cũng thông tin, ngành Du lịch Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với ba nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và đạt được nhiều kết quả quan trọng, trong đó nổi bật là tổ chức thành công cuộc gặp song phương với Nhật Bản vào tháng 11/2021, hai bên đã thông qua kế hoạch hành động cho giai đoạn 2022 - 2024. Với Hàn Quốc, 2 nước cũng đã ký kết Biên bản ghi nhớ mới về hợp tác xúc tiến quảng bá du lịch vào tháng 12/2022. Với tin vui là Trung Quốc mở cửa cho du lịch quốc tế, Việt Nam đã đón tiếp Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam đến kiểm tra thực tế cơ sở du lịch tại vịnh Hạ Long, một điểm đến yêu thích của du khách Trung Quốc.
Ngoài các thị trường quốc tế, các nước cũng cho rằng cần tăng cường khai thác nội khối, một nguồn khách rất phong phú và tích cực, nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy các mô hình du lịch, trải nghiệm mới như du lịch y tế, du lịch golf… mà nhiều nước ASEAN đã giới thiệu trong khuôn khổ diễn đàn ATF 2023.
Các nước cũng đặt ra vấn đề về du lịch cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường, đào tạo ngành nghề du lịch và sự công nhận đào tạo du lịch trong cả khối. Ngoài ra các vấn đề chuyển đổi số, phát triển du lịch bền vững, kết nối du lịch các nước trong khu vực… cũng được đưa ra bàn thảo với những định hướng và nội dung cụ thể.
Nguồn: TBKTVN