Dư thừa công suất cản bước phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc
Theo dữ liệu chính thức, lợi nhuận của các nhà máy ở Trung Quốc đã giảm từ mức cao nhất trong hai năm, làm nổi bật mối lo ngại rằng tình trạng dư thừa công suất trong công nghiệp đang làm phức tạp thêm những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm khôi phục động lực tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Cục Thống kê Quốc gia báo cáo rằng, lợi nhuận công nghiệp tại các công ty lớn của Trung Quốc đã giảm 3,5% trong tháng 3 so với một năm trước đó. Trong quý đầu tiên, lợi nhuận công nghiệp tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Số liệu tháng 3 là một đòn giáng mạnh vào Bắc Kinh sau khi lợi nhuận công nghiệp trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 2 tăng 10% lên mức cao nhất trong 25 tháng, làm dấy lên hy vọng rằng, sự suy thoái trong lĩnh vực công nghiệp đã chạm đáy.
Các nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết cả lợi nhuận và doanh thu công nghiệp đều giảm “đáng chú ý” trong tháng 3 và nhấn mạnh tỉ suất lợi nhuận thấp hơn là một vấn đề đối với ngành công nghiệp Trung Quốc.
Những dấu hiệu căng thẳng mới nhất đối với nền kinh tế Trung Quốc xuất hiện khi các quan chức ở Mỹ và châu Âu đưa ra cảnh báo về kế hoạch của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc nhằm sử dụng sức mạnh sản xuất của nước này, bao gồm cả thông qua xuất khẩu, để thúc đẩy tăng trưởng.
Trong chuyến đi 3 ngày tới Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã cảnh báo chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình không nên trợ cấp quá mức cho ngành công nghiệp, ông nói rằng công suất sản xuất của Trung Quốc và nhu cầu toàn cầu đang không tương đồng.
Ông Blinken cho biết, các sản phẩm của Trung Quốc với mức giá thấp hơn thị trường có thể có tác động tàn phá tiềm tàng đối với người lao động, cộng đồng và doanh nghiệp ở nước ngoài.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, các quan chức đã bác bỏ câu chuyện của Washington về tình trạng dư thừa công suất trong các cuộc gặp với ông Blinken, đồng thời bác bỏ những lời chỉ trích về chính sách trợ cấp của nước này.
Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% cho năm 2024, giống như năm ngoái, mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, nhưng các nhà phân tích cảnh báo rằng, con số này vẫn đầy tham vọng trong bối cảnh áp lực giảm phát lan rộng và sẽ cần tăng cường hỗ trợ kích thích.
Các nhà phân tích Simon MacAdam và Ariane Curtis của Capital Economics viết trong một báo cáo nghiên cứu: “Các điều kiện chuỗi cung ứng lành tính, lượng hàng tồn kho dồi dào và tình trạng dư thừa công suất công nghiệp ở Trung Quốc sẽ giúp hạn chế lạm phát hàng hóa cốt lõi”.
Các nhà phân tích từ ngân hàng Westpac, Australia, cho biết xuất khẩu của ngành thép là một “van giải phóng” quan trọng cho tình trạng dư thừa công suất, lưu ý rằng Trung Quốc đang đạt mức kỷ lục từ năm 2015 về xuất khẩu thép, bất chấp phản ứng dữ dội trên toàn cầu về việc bán phá giá các sản phẩm dư thừa ra nước ngoài.
NBS đã đưa ra quan điểm tích cực hơn khi báo cáo rằng trong quý đầu tiên, lợi nhuận của ngành điện tử cao hơn 82,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi lợi nhuận sản xuất ô tô tăng 32% trong cùng kỳ.
Truyền thông nhà nước cũng bày tỏ sự tin tưởng vào kế hoạch của Bắc Kinh nhằm tăng cường hơn nữa chi tiêu của người tiêu dùng bằng cách giảm bớt việc mua bán ô tô cũ và đồ gia dụng.
Nguồn FT - Nhipcaudautu