CPI bình quân vượt 4%, cẩn trọng trong điều hành giá cả và kiểm soát lạm phát
Giá thịt lợn tăng do thiếu hụt nguồn cung sau đợt dịch tả lợn châu Phi vào cuối năm 2023, giá điện sinh hoạt tăng khi thời tiết nắng nóng là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2024 tăng 0,05% so với tháng trước.
Đó là nhận định vừa được Tổng cục Thống kê đưa ra, khi công bố báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng Năm và 5 tháng đầu năm 2024.
Tuy mức tăng CPI của tháng 5/2024 so với tháng trước chỉ ở mức thấp, nhưng nếu so với cùng kỳ năm trước, con số là 4,44%. Hơn thế, tính bình quân 5 tháng, CPI đã tăng 4,03%, tức là đã vượt ngưỡng 4%.
Mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 được Quốc hội quyết nghị ở mức 4-4,5%, nhưng 5 tháng, CPI bình quân 4 tháng đã vượt ngưỡng 4%. Điều này cho thấy cần cẩn trọng trong điều hành giá cả thị trường, kiểm soát lạm phát trong thời gian tới.
Giá cả nhiều mặt hàng tăng có thể ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát của Việt Nam |
Báo cáo Quốc hội mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhắc đến việc tốc độ tăng CPI bình quân đã tiến sát mức mục tiêu Quốc hội đề ra để nhấn mạnh về áp lực lạm phát và những rủi ro tiềm ẩn mà nền kinh tế đang phải đối mặt.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, áp lực lạm phát đang chịu tác động của các yếu tố bên ngoài, do biến động giá dầu, lương thực, chất bán dẫn, chi phí vận tải đường biển, hàng không… thế giới, tác động đến giá xăng dầu, nguyên vật liệu, vận tải… trong nước. Cộng hưởng với đó là các yếu tố bên trong, do việc điều chỉnh giá điện, dịch vụ giáo dục, y tế…, thực hiện chính sách cải cách tiền lương…
Rõ ràng, không thể không cẩn trọng với việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát của năm 2024.
Quay trở lại với diễn biến giá cả thị trường tháng 5/2024, Tổng cục Thống kê cho biết, trong mức tăng 0,05% của CPI tháng 5/2024 so với tháng trước, có 7 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng; 03 nhóm hàng giảm giá và 1 nhóm hàng ổn định giá.
Cụ thể, trong 7 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,38%, làm cho CPI chung tăng 0,13 điểm phần trăm; Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,38%; Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,31%...
Trong khi đó, Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,2%; Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,14%; Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,12%; còn Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%.
Với ba nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, bên cạnh Nhóm bưu chính - viễn thông vẫn liên tục xu hướng giảm (giảm 0,09%), thì còn có Nhóm giáo dục (giảm 0,25%); và đặc biệt là Nhóm giao thông (giảm 1,73%).
Việc Nhóm giao thông giảm 1,73% đã góp phần giảm CPI chung 0,17 điểm phần trăm. Nguyên nhân chủ yếu là do trong tháng qua, giá xăng trong nước giảm 4,72%; giá dầu diezen giảm 5,08% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng.
Riêng nhóm may mặc, mũ nón và giày dép, theo Tổng cục Thống kê, giữ mức giá ổn định do các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh thực hiện nhiều chương trình khuyến mại kích cầu mua sắm đầu mùa hè.
Ở góc độ khác, Tổng cục Thống kê cho biết, lạm phát cơ bản tháng 5/2024 tăng 0,15% so với tháng trước, tăng 2,68% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, bình quân 5 tháng đầu năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,78% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,03%). Điều này chủ yếu do giá lương thực, xăng dầu, dịch vụ giáo dục và dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Trong khi đó, CPI giá vàng, giá USD tiếp tục biến động khá mạnh. Chỉ số giá vàng tháng 5/2024 tăng 3,81% so với tháng trước; tăng 21,47% so với tháng 12/2023; tăng 32,18% so với cùng kỳ năm trước; bình quân năm tháng đầu năm 2024 tăng 22,95%.
Còn chỉ số giá USD tháng 5/2024 tăng 1,15% so với tháng trước; tăng 4,21% so với tháng 12/2023; tăng 7,85% so với cùng kỳ năm trước; bình quân năm tháng đầu năm 2024 tăng 5,24%.
Nguồn: Báo Đầu tư