Quay lại

Bàn giải pháp thúc đẩy xuất khẩu gạo, rau quả

Chiều 28/5, Bộ Công Thương đã có cuộc họp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình sản xuất, xuất khẩu gạo, rau quả 4 tháng đầu năm và bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu những tháng cuối năm 2024. 

XUẤT KHẨU GẠO, RAU QUẢ TĂNG NHƯNG VẪN CÒN HẠN CHẾ

Tại cuộc họp, Bộ Công Thương cho biết thời gian qua, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế, tiềm ẩn rủi ro tới hoạt động thương mại hàng hóa toàn cầu, trong đó có mặt hàng gạo và rau quả. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu nông sản nói chung và xuất khẩu gạo, rau quả nói riêng của nước ta tiếp tục đạt được những kết quả nhất định.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy trong 4 tháng đầu năm 2024, kết quả xuất khẩu gạo và rau quả của Việt Nam tăng cao cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu. Trong đó xuất khẩu gạo tăng 9,5% về lượng và tăng 33,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu rau quả tăng 38,1% về trị giá. Kết quả xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm, thị trường tiềm năng đều đạt tăng trưởng đáng khích lệ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động sản xuất, xuất khẩu gạo và rau quả của nước ta thời gian qua vẫn còn những hạn chế, yếu kém.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đồng chủ trì cuộc họp.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đồng chủ trì cuộc họp.

Cụ thể, một số vùng trồng phát triển quá nóng về quy mô, nhưng không tuân thủ quy trình bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng. Doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu chưa nghiên cứu kỹ yêu cầu, tín hiệu của thị trường xuất khẩu, nên không khẳng định được thương hiệu sản phẩm. Vai trò của Hiệp hội ngành hàng trong tạo sự đồng thuận để bảo vệ quyền lợi hội viên, doanh nghiệp và quyền lợi quốc gia còn hạn chế.

Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam Nguyễn Thanh Bình, cho biết tính đến ngày 20/5/2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt 2,490 tỷ USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, vấn đề chất lượng, nhất là rau quả còn chưa cao, sự đồng đều của sản phẩm, vẫn tồn tại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật...

Bên cạnh đó, còn có hiện tượng tranh mua, tranh bán khi thị trường biến động, nhất là ở vùng nguyên liệu, đây là vấn đề tồn tại đã lâu, dù có nhiều giải pháp nhưng chưa giải quyết được.

Hơn nữa, công tác quản lý, kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm về mặt chất lượng liên quan đến khâu sản xuất (từ vật tư đầu vào, chế biến, bảo quản, thực hiện mã số vùng trồng, đóng gói) làm chưa tốt, nên vẫn xảy ra vi phạm…

NHIỀU GIẢI PHÁP ĐƯỢC ĐỀ XUẤT  

Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, nhu cầu nhập khẩu về gạo, rau quả của thế giới thời gian tới sẽ ngày càng lớn do nguồn cung bị đứt gãy ở nhiều quốc gia. Yêu cầu về chất lượng sản phẩm sẽ ngày càng cao; nhiều hàng rào kỹ thuật đã và đang được các nước nhập khẩu dựng lên để bảo hộ thương mại trong nước.

Mặt khác, Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh đàm phán, ký kết và nâng cấp các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác ở các thị trường tiềm năng, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và sản phẩm xuất khẩu, nhất là ở các phân khúc thị trường mới, tiềm năng, chưa được khai thác hiệu quả, như: Sản phẩm thực phẩm Halal, thị trường châu Phi, Mỹ Latinh,.. Những yếu tố này sẽ tác động mạnh đến hoạt động thương mại gạo và rau quả của Việt Nam trong thời gian tới.

Trong bối cảnh có những thuận lợi và khó khăn đan xen, để tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động xuất khẩu gạo, rau quả theo hướng bền vững, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, Bộ Công Thương cho biết sẽ tập trung tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin, khai thác tối đa những ưu đãi từ các FTA và những yêu cầu của từng thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó hiệu quả với các vụ kiện phòng vệ và tranh chấp thương mại (nếu phát sinh).

Đại diện doanh nghiệp tham gia cuộc họp, Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam kiến nghị các cơ quan chức năng cần phối hợp địa phương, hiệp hội làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt các sản phẩm thu hoạch, quản lý tốt lực lượng thương lái, không để xảy ra hiện tượng tranh mua, tránh bán. Việc cấp mã vùng trồng đúng, hiệu quả; đẩy mạnh đàm phán xuất khẩu chính ngạch với bơ, dừa tươi… nâng cao xuất khẩu.

Trước các ý kiến trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành lúa, gạo, rau quả theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả.

Đồng thời chủ động theo dõi sát tình hình, kịp thời nắm bắt thông tin để cung cấp đầy đủ, chính xác về diễn biến thị trường nông sản và hướng dẫn, khuyến cáo các địa phương, doanh nghiệp và các Hiệp hội, người sản xuất tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng, quy định của thị trường nhập khẩu.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan theo dõi, đàm phán, tháo gỡ các rào cản về kỹ thuật và kiểm dịch thực vật của các nước nhập khẩu. Chủ động đàm phán, ký kết các hiệp định, thỏa thuận về kiểm dịch thực vật, quy định kỹ thuật về chất lượng thóc, gạo để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu…

Các đơn vị của Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu để phát triển thị trường sản phẩm nông sản…

Nguồn: TBKTVN