Quay lại

3 xu hướng chính của người tiêu dùng Việt trong năm 2025

Trong năm 2024, tăng trưởng tiêu dùng của Việt Nam khá chậm do ảnh hưởng của lạm phát và xu hướng tăng tiết kiệm, khi niềm tin của người tiêu dùng vào nền kinh tế chưa được phục hồi hoàn toàn. 

Về dài hạn, Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) đánh giá triển vọng tiêu dùng của Việt Nam khá tích cực. Quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2024 ước tính khoảng 276,37 tỉ USD, dự báo tăng lên 488,08 tỉ USD vào năm 2029, tương ứng với mức tăng trưởng CAGR giai đoạn 2024 - 2029 là 12,05%.

“Bước vào năm 2025, góc nhìn kinh tế Việt Nam sẽ chứng kiến một sự thay đổi lớn khi người tiêu dùng tăng sự quan tâm tới cách chi tiêu. Để thích ứng với xu hướng này, các doanh nghiệp đang cố gắng nắm bắt nhanh xu hướng tiêu dùng trong năm 2025 và đưa ra những giải pháp tối ưu trải nghiệm đối với khách hàng”, TPS nhận định. 

 

Trong cuộc khảo sát tiêu dùng Châu Á Thái Bình Dương được thực hiện bởi PWC - PricewaterhouseCoopers Vietnam, có khoảng 63% người tiêu dùng vẫn lo ngại về lạm phát. Tuy nhiên, khi bỏ qua lạm phát, người tiêu dùng Việt Nam vẫn có xu hướng tăng chi tiêu, đặc biệt trong dịp Tết. 

Cuộc khảo sát khoảng 7.000 người tiêu dùng, trong đó có 515 người tiêu dùng Việt Nam cho thấy, 63% người tiêu dùng Việt Nam kỳ vọng tăng chi tiêu đối với hàng hóa thiết yếu, 52% tăng chi tiêu đối với quần áo, và 48% người được khảo sát lựa chọn tăng chi tiêu đối với các sản phẩm chăm sóc sức khỏe.

 

Trong báo cáo về ngành bán lẻ được công bố mới đây, TPS cũng chỉ ra 3 xu hướng chính của người tiêu dùng Việt Nam trong năm 2025. 

Đầu tiên là ưu tiên đối với hàng thiết yếu và sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng ưu tiên đối với các sản phẩm thiết yếu và chăm sóc sức khỏe. Ngoài hàng thiết yếu và quần áo, chăm sóc sức khỏe cũng thuộc một trong những top ưu tiên của người tiêu dùng Việt Nam. Đây là một cơ hội cho các doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm tiêu dùng và chăm sóc sức khỏe để xây dựng chiến lược sản phẩm phù hợp.

Thứ hai là tăng đầu tư vào các sản phẩm bền vững và thân thiện với môi trường. Bền vững không chỉ là xu hướng toàn cầu mà đang là một trong những tiêu chí lựa chọn của người tiêu dùng Việt Nam. Báo cáo của PwC tiết lộ rằng, 94% người tiêu dùng Việt Nam trả lời rằng họ đã trải qua những tác động không tích cực của biến đổi khí hậu trong cuộc sống hàng ngày của họ và nhận thức đối với môi trường ngày càng tăng. 

Đặc biệt, 74% người tiêu dùng sẵn sàng trả mức phí cao hơn 20% cho những sản phẩm tái chế, và 85% người được khảo sát trả lời sẵn sàng mua các sản phẩm bằng điện hoặc hybrid trong 3 năm tới. Điều này cho thấy rằng bên vững không chỉ xu hướng tạm thời, mà còn là nhân tố quan trọng đối với doanh nghiệp để xây dựng lòng trung thành và niềm tin từ khách hàng.

Thứ ba, là xu hướng chú ý tới các thương hiệu uy tín. Người tiêu dùng Việt Nam hiện đại không chỉ tìm kiếm các sản phẩm phù hợp mà còn quan tâm tới các sản phẩm có thương hiệu uy tín. Họ sẵn sàng trung thành với các nhãn hàng có giá trị bền vững, mang lại trải nghiệm đa kênh và đáp ứng được thị hiếu khách hàng. Kinh doanh cần tận dụng những cơ hội này để tạo kết nối vững chắc với khách hàng. 

Nguồn: Nhipcaudautu