Xuất khẩu gạo Việt Nam cán mốc 5,31 tỷ USD
Cùng lúc đó, nhập khẩu gạo cũng tăng đột biến, đạt 1,24 tỷ USD - cao nhất từ trước đến nay, tăng 57% so với năm ngoái. Nhu cầu nội địa đối với gạo giá rẻ để làm bún, phở... đã khiến các doanh nghiệp nhập khẩu gạo từ Myanmar, Pakistan và Campuchia - những nguồn cung có giá thấp hơn gạo trong nước để giảm chi phí và đảm bảo nguồn cung cho sản xuất.
Việc đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu và nhập khẩu giúp Việt Nam vừa tối ưu hóa nguồn cung trong nước vừa đáp ứng các đơn hàng quốc tế vào cuối năm.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, so với cùng kỳ năm 2023, khối lượng gạo xuất khẩu tăng 10,6%, trong khi giá trị xuất khẩu tăng tới 22,4%. Điểm sáng lớn nhất trong năm nay chính là sự gia tăng mạnh mẽ về giá xuất khẩu. Bình quân, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt 626 USD/tấn, tăng 13,4%, tương đương 74 USD/tấn. Đây là thành tích cao nhất kể từ khi Việt Nam gia nhập thị trường xuất khẩu gạo toàn cầu.
Không chỉ có mức giá cao hơn đáng kể so với các năm trước, giá gạo Việt Nam hiện nay còn thuộc nhóm cao nhất thế giới. Tính đến ngày 4/12/2024, giá gạo 5% tấm của Việt Nam là 517 USD/tấn, vượt xa Thái Lan (499 USD/tấn), Ấn Độ (451 USD/tấn) và Pakistan (453 USD/tấn).
Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Đỗ Hà Nam nhận định rằng, yếu tố chính giúp giá gạo Việt Nam đạt mức cao là nhờ thay đổi chiến lược xuất khẩu. Việt Nam đã tập trung vào các loại gạo chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế, thay vì cạnh tranh bằng giá rẻ như trước đây.
Về thị trường tiêu thụ, Philippines tiếp tục là điểm đến lớn nhất, chiếm 46,1% tổng lượng gạo xuất khẩu. Hai thị trường lớn tiếp theo là Indonesia (13,5%) và Malaysia (8,2%). Trong đó, Malaysia chứng kiến mức tăng trưởng mạnh mẽ nhất khi giá trị nhập khẩu gạo từ Việt Nam tăng gấp 2,2 lần so với năm trước.
Tuy nhiên, không phải thị trường nào cũng mang lại tín hiệu tích cực. Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc - một trong những thị trường truyền thống giảm sâu tới 71,3% so với cùng kỳ năm 2023. Điều này cho thấy sự phụ thuộc vào một thị trường duy nhất đã giảm đáng kể, thay vào đó là chiến lược đa dạng hóa thị trường hiệu quả.
Có thể thấy, xuất khẩu gạo đạt 5,31 tỷ USD một phần là nhờ vào sự hỗ trợ từ chính sách. Năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đẩy mạnh các chương trình cải thiện giống lúa, hỗ trợ kỹ thuật canh tác và xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao…
Đặc biệt, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã chú trọng hơn đến việc ký kết hợp đồng với các đối tác dài hạn, tránh rủi ro từ biến động giá cả. Những tiêu chuẩn như GlobalGAP, Organic, hay các chứng nhận tiêu chuẩn bền vững đã giúp gạo Việt Nam dễ dàng tiếp cận các thị trường khó tính như EU, Mỹ và Nhật Bản.
Theo đó, gạo đã trở thành mặt hàng nông sản thứ hai của Việt Nam đạt giá trị xuất khẩu trên 5 tỷ USD, sau rau quả. Dự báo, cả năm 2024, xuất khẩu gạo có thể đạt hơn 5,5 tỷ USD và kỳ vọng cán mốc 6 tỷ USD.
Mặc dù đạt được thành tích ấn tượng, ngành lúa gạo Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và sự cạnh tranh từ các đối thủ như Thái Lan, Ấn Độ là những yếu tố khó lường.
Tuy nhiên, với chiến lược tập trung vào chất lượng, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và sự hỗ trợ của chính phủ, ngành gạo Việt Nam đang có những bước đi vững chắc để khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, nếu thực hiện thành công Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp, giá trị ngành hàng lúa gạo sẽ còn tăng cao, tạo lợi thế cạnh tranh bền vững cho Việt Nam.
Nguồn: TBKTVN