Đưa Việt Nam trở thành điểm đến của các sự kiện toàn cầu
Chia sẻ tại phiên thảo luận 2 với chủ đề: Thúc đẩy cơ chế, chính sách, tăng cường nội lực và phát huy các động lực tăng trưởng mới, trong khuôn khổ Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2024, đại diện Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho rằng, tiềm năng phát triển du lịch của Việt Nam còn rất lớn, kỳ vọng đưa nước ta thành điểm đến của các sự kiện toàn cầu.
Nói về vai trò của ngành du lịch, ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), đánh giá du lịch là ngành kinh tế có tính liên ngành cao, góp phần tạo ra tổng cầu cho xã hội.
Trong năm 2023, du lịch Việt Nam có sự phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt đạt gần 13 triệu lượt khách quốc tế, vượt xa kế hoạch 8 triệu khách quốc tế đã đặt ra. Điều đó cho thấy tốc độ phục hồi rất ấn tượng.
Tiếp đà tăng trưởng đó, cơ quan chức năng đặt mục tiêu trong năm nay sẽ đạt và vượt mức trước đại dịch Covid-19, tức 18 triệu khách quốc tế.
“Có nhiều yếu tố thuận lợi song cũng có những khó khăn thách thức, nhưng chúng tôi vẫn nhìn thuận lợi là điểm sáng để thúc đẩy sự phục hồi”, ông Hà Văn Siêu lạc quan.
Bên cạnh đó, các chính sách của Chính phủ trong năm 2023 theo ông Siêu cũng sẽ tiếp tục tạo đà cho năm 2024, đặc biệt là Nghị quyết 82 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.
Cùng với các nghị quyết, chính sách khác, cộng với những thành quả chuyển đổi số, thị thực điện tử, sẽ tiếp tục tạo đà cho du lịch ngày càng phát triển. “Đây là những yếu tố thuận lợi cho du lịch chắc chắn sẽ phát huy tác dụng vào năm 2024”, ông Hà Văn Siêu nhận định.
Một tín hiệu thuận lợi nữa đối với ngành, theo ông Siêu là gần đây các quy hoạch tỉnh, vùng, quốc gia đang được đồng loạt công bố, đã định hướng rất mạnh cho các nhà đầu tư, cũng như tạo niềm tin cho họ.
“Như vậy, câu chuyện liên kết vùng đang là điểm yếu của ngành du lịch, cũng như các ngành khác sẽ được phát huy trong năm nay. Những cải thiện rất mạnh mẽ về hạ tầng, như lĩnh vực hàng không trong năm vừa rồi cũng đã góp phần cải thiện hạ tầng về du lịch”, ông Siêu thông tin.
Tương tự, hình ảnh Việt Nam cũng ngày càng được cải thiện. Nhất là khi hiệu ứng của các hoạt động ngoại giao năm 2023 đã giúp hình ảnh Việt Nam được biết đến ngày càng nhiều.
“Điểm đến du lịch Việt Nam trước đây được đánh giá thân thiện, mến khác…, thì nay còn là điểm đến rất được yêu thích”, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho hay.
Theo đó, khách du lịch ngày càng mến mộ Việt Nam ở nhiều góc độ, từ một điểm đến có ý chí kiên cường, tính sáng tạo vượt khó, linh hoạt trong thích ứng, đã tạo nên điểm cộng của Việt Nam ngày càng nhiều, và đây là những dấu ấn rất có lợi cho du lịch.
Bên cạnh đó, 4 năm qua Việt Nam cũng đã được Tổ chức Du lịch thế giới vinh danh là điểm đến di sản hàng đầu thế giới, 5 năm liền là điểm đến có sân golf tốt nhất châu Á, hay điểm đến về ẩm thực.
“Báo chí truyền thông Mỹ cũng nói rằng, Việt Nam là điểm đến an toàn nhất trên thế giới. Chúng ta đang làm được điều đó và đây là yếu tố rất có lợi cho du lịch”, ông Siêu nhấn mạnh.
Nhìn nhiều hơn ở góc độ tích cực, song lãnh đạo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng thừa nhận vẫn còn những hạn chế, đặc biệt là sự thay đổi về xu hướng du lịch, đó là hướng đến du lịch chất lượng, bền vững hơn. Điều này đòi hỏi chúng ta cần khắc phục từ yếu tố về nhân lực, chất lượng, hạ tầng dịch vụ và chuyển đổi số, đẩy mạnh thị thực điện tử.
Để phát huy mạnh mẽ các động lực cho năm 2024, ông Hà Văn Siêu cho rằng, cần thúc đẩy, xúc tiến quảng bá phải mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, đưa Việt Nam trở thành sân chơi của những sự kiện toàn cầu.
Nguồn: TBKTVN