VRG lên kế hoạch tăng trưởng trong năm 2024
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích cây cao su trên cả nước năm 2023 đạt 910,2 nghìn ha, giảm 8,4 nghìn ha so với năm 2022; sản lượng mủ cao su khô khai thác đạt 1,29 triệu tấn, giảm 46,2 nghìn tấn so với năm trước đó...
Trong khi đó, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, ước tính năm 2023, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt khoảng 2,14 triệu tấn, trị giá 2,89 tỷ USD, giảm 0,04% về lượng và giảm 12,7% về trị giá so với năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân đạt 1.350 USD/tấn, giảm 12,7% so với năm 2022.
TRUNG QUỐC LÀ THỊ TRƯỜNG TIÊU THỤ CAO SU LỚN NHẤT CỦA VIỆT NAM
Trên thị trường thế giới, năm 2023, giá cao su tại khu vực châu Á biến động mạnh, giá ở mức thấp trong 2 quý đầu năm và tăng trở lại trong quý 3 và quý 4/2023. Giá đạt mức cao nhất năm vào tháng 10 và 11/2023, nhưng sau đó đã giảm trở lại. Tháng 12/2023, giá cao su biến động trái chiều, so với cuối tháng trước giá tại Nhật Bản giảm; trong khi tăng tại Thượng Hải và Thái Lan nhờ được thúc đẩy bởi nhu cầu từ các nhà máy của Trung Quốc ổn định, thị trường hy vọng về các biện pháp kích thích tại Trung Quốc và lo ngại về khả năng thiếu hụt nguồn cung từ Thái Lan.
"Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất tiêu thụ cao su của Việt Nam năm 2023, chiếm 79,22% về lượng và chiếm 78,08% về trị giá trong tổng xuất khẩu cao su của cả nước. Đứng thứ hai là Ấn Độ, chiếm 5,34% về lượng và chiếm 5,49% về trị giá trong tổng xuất khẩu cao su của cả nước năm 2023".
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tại thị trường trong nước, năm 2023 giá mủ cao su nguyên liệu trong nước biến động theo xu hướng của thị trường thế giới, giá mủ cao giảm trong 2 quý đầu năm, sau đó tăng trở lại trong quý 3 và 4/2023. Tuy nhiên, hiện giá bán mủ cao su vẫn ở mức thấp so với các năm trước đây.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết năm 2023, xuất khẩu cao su của Việt Nam gặp nhiều khó khăn do giá cao su xuất khẩu giảm mạnh, nên trị giá xuất khẩu cao su thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, sự phục hồi hoạt động sản xuất tại Trung Quốc yếu hơn so với các dự báo, khiến sản lượng tiêu thụ lẫn giá bán cao su đều ở mức thấp.
Năm 2023, xuất khẩu cao su sang các thị trường phần lớn vẫn sụt giảm so với cùng kỳ năm 2022, nhất là các thị trường lớn như: Ấn Độ, Hoa Kỳ, Đức, Đài Loan (Trung Quốc), Thổ Nhĩ Kỳ, Sri Lanka, Nga, Indonesia, Tây Ban Nha… Tuy nhiên, xuất khẩu sang một số thị trường vẫn tăng trưởng tốt về lượng như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Hà Lan, Singapore, Cộng hoà Séc...
Theo các chuyên gia trong ngành, thời gian tới, nhu cầu Trung Quốc vẫn là yếu tố chủ chốt tác động lên diễn biến giá cao su tại Việt Nam, bởi vì gần 80% tổng lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam là được xuất khẩu sang Trung Quốc. Bên cạnh đó, biến động của giá dầu do lo ngại gián đoạn thương mại tại kênh đào Suez cũng sẽ ảnh hưởng gián tiếp lên giá cao su.
Năm 2024, dự kiến Trung Quốc sẽ đẩy mạnh tiêu thụ ô tô, cũng như thúc đẩy các hoạt động sản xuất, dẫn đến nhu cầu nhập khẩu cao su để sản xuất lốp xe và các sản phẩm khác tăng lên. Việc Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu cao su sẽ là động lực tăng giá cao su toàn cầu, qua đó sẽ giúp xuất khẩu cao su của Việt Nam tìm lại được tăng trưởng.
NĂM 2023, VRG HOÀN THÀNH VƯỢT CÁC CHỈ TIÊU
Theo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), năm 2023, trong bối cảnh khó khăn chung, từ Công ty mẹ – Tập đoàn đến các đơn vị thành viên luôn nỗ lực với tinh thần cao nhất để duy trì sản xuất kinh doanh. Kết quả sản lượng mủ cao su khai thác của Tập đoàn VRG trong cả năm 2023 ước đạt 445.000 tấn, vượt 4,7% kế hoạch năm, tăng 3,5% (tương ứng tăng 15.400 tấn) so với năm trước; tiêu thụ đạt 520.290 tấn cao su các loại, đạt 102,4% kế hoạch năm, tăng 3,8% (tương đương tăng 18.968 tấn) so với năm 2022.
Về chỉ tiêu tài chính, tổng doanh thu hợp nhất ước đạt 24.485 tỷ đồng (vượt 1% kế hoạch); lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 4.015 tỷ đồng (vượt 1,4% kế hoạch). Các đơn vị thành viên Tập đoàn đã duy trì việc làm ổn định cho gần 84.000 lao động với mức thu nhập bình quân 8,24 triệu đồng/người/tháng; trong đó, lao động là người dân tộc thiểu số trên 21.000 người, lao động là người nước ngoài (Lào, Campuchia) trên 23.000 người. Riêng Công ty mẹ – Tập đoàn, doanh thu và lợi nhuận trước thuế ước lần lượt là 3.872 tỷ đồng và 1.405 tỷ đồng, so với kế hoạch đạt 102,1% và 100,7%; dự kiến nộp ngân sách đạt 100,7% – 102,8% kế hoạch năm 2023.
Bên cạnh đó, năm 2023 Tập đoàn VRG có 16 đơn vị, 81 nông trường và 75 tổ/đội đạt tiêu chuẩn Câu lạc bộ 2 tấn/ha (tăng thêm 2 đơn vị, 3 nông trường và 11 tổ / đội so với năm 2022).
VRG dự báo năm 2024 tiếp tục là một năm có nhiều khó khăn, thách thức cả trong nước và quốc tế. Thêm vào đó, những thay đổi bất lợi về thời tiết, thị trường giá cả của cao su diễn biến khó lường… sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến Tập đoàn và các đơn vị thành viên trong quá trình thực hiện tất cả các nhiệm vụ.
Trước tình hình đó, VRG đưa ra kế hoạch năm 2024, doanh thu và thu nhập khác đạt 24.999 tỷ đồng (cao hơn 2,1% so với năm 2023); lợi nhuận trước thuế 4.104 tỷ đồng (cao hơn 2,2% so với năm 2023); lợi nhuận sau thuế 3.437 tỷ đồng (cao hơn 0,9% so với năm 2023). Riêng Công ty mẹ – Tập đoàn, doanh thu 3.988 tỷ đồng (cao hơn 3% so với năm 2023), lợi nhuận trước thuế 1.454 tỷ đồng (cao hơn 3,5% so với năm 2023), lợi nhuận trước thuế 1.454 tỷ đồng (cao hơn 3,5% so với năm 2023).
Cụ thể các lĩnh vực: sản lượng cao su khai thác của Tập đoàn là 445.200 tấn, thu mua 75.290 tấn và tiêu thụ 520.490 tấn; giá bán mủ bình quân khoảng 34,6 triệu đồng/tấn.
Đối với lĩnh vực chế biến sâu các sản phẩm từ cao su, VRG đặt ra mục tiêu sản lượng (găng tay, băng tải, bóng thể thao, nệm, gối cao su) bằng 92% – 106% so với ước thực hiện năm 2023.
Ngoài ra, thu hoạch gỗ cao su 6.430 ha, bằng 101,1% ước thực hiện năm 2023; sản lượng sản xuất gỗ các loại (gỗ phôi, gỗ ghép tấm, gỗ tinh chế, gỗ MDF) khoảng 1.247.012 m3, bằng 106% – 189% so với ước thực hiện năm 2023.
Nguồn: TBKTVN