Ý nghĩa việc Thái Lan xin gia nhập BRICS
Vào cuối tháng 5, Chính phủ Thái Lan chính thức thông qua đề xuất gia nhập nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS do Bộ Ngoại giao nước này đệ trình, và hiện đã hoàn tất kế hoạch nộp đơn gia nhập khối.
Nếu được chấp thuận, Thái Lan sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gia nhập BRICS – khối do Nga, Trung Quốc dẫn đầu.
MỞ RA XU HƯỚNG MỚI
Được thành lập vào năm 2009, BRICS được lấy tên theo chữ cái đầu của 5 nước thành viên Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Quyết định của Thái Lan được đưa ra không lâu sau khi BRICS kết nạp thêm 5 thành viên gồm Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) vào đầu năm nay.
Năm ngoái, Argentinia đã dừng kế hoạch gia nhập khối này. Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov tháng trước cho biết khoảng hơn 30 quốc gia đã đăng ký tham gia khối BRICS ở nhiều cấp độ.
Theo nhiều chuyên gia Trung Quốc, việc Thái Lan xin gia nhập BRICS có thể sẽ thu hút thêm thêm nhiều quốc gia không phải là đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Mỹ vào khối này. Thái Lan được Mỹ đưa vào danh sách các nước đồng minh không thuộc NATO vào năm 2003.
Theo người phát ngôn chính phủ Thái Lan Chai Wacharonke, hội nghị thượng định của BRICS vào tháng 10 tới sẽ là cơ hội để Thái Lan đẩy nhanh quá trình gia nhập khối.
“Việc gia nhập khối BRICS sẽ mang lại lợi ích cho Thái Lan ở nhiều khía cạnh, như nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế, tăng cơ hội tham gia vào công tác hoạch định chính sách quốc tế cũng như xây dựng một trật tự thế giới mới”, thông cáo của Chính phủ Thái Lan cho biết.
“Việc Thái Lan xin gia nhập BRICS phản ánh một hiện tượng là phụ thuộc vào Mỹ về an ninh và phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế”, giáo sư quan hệ quốc tế Wang Yiwei của Đại học Nhân dân Trung Quốc nhận xét. “Các nước không phải đồng minh NATO của Mỹ gia nhập BRICS có thể sẽ trở thành một xu hướng trong tương lai, chứ không phải chỉ là các trường hợp riêng lẻ”.
Theo ông Wang, kể cả các nước thành viên NATO như Thổ Nhĩ Kỳ cũng bày tỏ quan tâm về việc gia nhập BRICS. Tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan tái khẳng định mong muốn gia nhập khối này của Ankara trong chuyến công du Trung Quốc. Việc gia nhập khối của Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sớm được đưa ra thảo luận trong năm nay khi Nga giữ vị trí chủ tịch luân phiên của BRICS.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia việc Thái Lan xin gia nhập BRICS có thể sẽ thúc đẩy mạnh mẽ xu hướng giảm sự phụ thuộc vào đồng USD.
“Việc Thái Lan muốn gia nhập BRICS cho thấy mối lo ngại về sự phụ thuộc vào Mỹ và đồng USD. Thế giới đã chịu sự thống trị của đồng USD quá lâu. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất mạnh thời gian qua đã khiến dòng vốn ồ ạt rút khỏi các nền kinh tế mới nổi”, ông Wang nhận định.
Ngày 22/5, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) và Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BOT) đã ký biên bản ghi nhớ nhằm thúc đẩy hợp tác song phương trong giao dịch tiền tệ. Điều này cho thấy Thái Lan đang mong muốn giảm phụ thuộc vào USD, dù việc này có thể là một quá trình lâu dài.
LÀM SÂU SẮC QUAN HỆ VỚI TRUNG QUỐC
“Quan hệ giữa Trung Quốc và Thái Lan lâu nay luôn được duy trì ở mức thân thiết. Tương tự như quyết định miễn thị thực cho người Trung Quốc hồi tháng 3 của Thái Lan, việc Bangkok gia nhập BRICS là một bước đi quan trọng làm sâu sắc thêm quan hệ song phương giữa hai quốc gia”, nhà phân tích Zhao Zhijiang của tổ chức nghiên cứu độc lập đa quốc gia Anbound có trụ sở tại Bắc Kinh, nhận định.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ XV năm 2023 được tổ chức tại Nam Phi - Ảnh: Getty Images
Trong 4 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Thái Lan tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng Thái Lan của Trung Quốc giảm 10,7% – theo dữ liệu từ hải quan Trung Quốc.
Ông Zhao dự báo sẽ có thêm các nước thành viên ASEAN khác “nối gót” Thái Lan gia nhập BRICS.
Đồng quan điểm, giáo sư Wang Qin của Trường Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Hạ Môn (Trung Quốc) cho rằng Thái Lan có thể trở thành “một hình mẫu” ở Đông Nam Á về việc gia nhập BRICS. Ông cho rằng Indonesia – nền kinh tế lớn nhất ASEAN – có thể sẽ là nước tiếp theo.
Đầu năm nay, Chính phủ Indonesia cho biết vẫn đang cân nhắc các lợi ích mà nước này sẽ có được nếu trở thành thành viên của BRICS.
Theo các nhà phân tích, sau 15 năm thành lập, BRICS đang ngày càng mở rộng dưới sự dẫn dắt của Trung Quốc hoặc bởi cả Trung Quốc và Nga.
Trong thông cáo chung được công bố sau cuộc gặp của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Bắc Kinh vào tháng trước, hai quốc gia thống nhất “tạo điều kiện hội nhập của các thành viên mới trong BRICS vào cơ chế hợp tác hiện có của khối, nâng cao tầm ảnh hưởng của BRICS trong các vấn đề toàn cầu và trong việc xây dựng các chương trình nghị sự quốc tế”.
Tuy nhiên, giáo sư Wang của Đại học Nhân dân Trung Quốc cho rằng Trung Quốc và Nga không nắm quyền kiểm soát BRICS bởi khối này là loại hình tổ chức mới ngược lại hoàn toàn với các tổ chức như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nơi Mỹ có quyền biểu quyết.
Còn ông Zhao của Anbound nhận định việc Bangkok gia nhập khối BRICS chủ yếu xuất phát từ động cơ phát triển kinh tế và tài chính.
“Thái Lan có thể không phản đối việc xây dựng một trật tự thế giới mới ít bị ảnh hưởng hơn bởi phương Tây và sẵn sàng tham gia việc xây dựng trật tự mới này, nhưng nước này chắc chắn không muốn làm gia tăng cạnh tranh địa chính trị theo hướng đối đầu”, ông Zhao phát biểu.
Song song với việc gia nhập BRICS, Thái Lan hiện cũng đang muốn gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) – một tổ chức gồm các nền kinh tế phát triển, đồng thời dự kiến hoàn tất đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Thái Lan-châu Âu (EFTA) trong năm nay.
“Điều này cho thấy dù đang củng cố hợp tác với Trung Quốc, Thái Lan không bỏ qua các cơ hội tăng cường mối quan hệ kinh tế và thương mại với các nước phương Tây”, ông Zhao nhận xét. “Với Thái Lan, một quốc gia ủng hộ chủ nghĩa đa phương, tôi cho rằng nước này có thể gia nhập bất kỳ tổ chức quốc tế nào”.
Nguồn: TBKTVN