Quay lại

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ đạt trên 10 tỷ USD

Đây là hoạt động trong khuôn khổ quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai nước Việt Nam và Hà Lan, nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.

Vùng ĐBSCL đứng đầu cả nước về sản lượng lúa gạo, thủy sản và trái cây. Những năm qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội vùng ĐBSCL. Đặc biệt, Nghị quyết 120 của Chính phủ về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đã xác định cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo 3 trọng tâm là thủy sản, trái cây, lúa gạo gắn với các tiểu vùng sinh thái. Đồng thời định hướng xây dựng ngành thủy sản trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của vùng, có quy mô lớn, hiện đại, sức cạnh tranh cao và bền vững.

xuat khau thuy san cua viet nam se dat tren 10 ty usd hinh anh 1

Tại diễn đàn, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, với lợi thế tự nhiên từ hệ thống sông ngòi, vùng ĐBSCL là trung tâm nuôi trồng, xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam với chủ lực là tôm nước lợ và cá tra. Hiện nay vùng nuôi cá tra tập trung nuôi ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp. Trong khi đó, tôm được nuôi tập trung ở Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, tính đến hết tháng 10 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 8,2 tỷ USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó xuất khẩu tôm đạt hơn 3,2 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023; xuất khẩu cá tra đạt gần 1,7 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023. Dự báo năm nay xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ đạt trên 10 tỷ USD.

Tuy nhiên, bên cạnh các lợi thế, ngành nuôi trồng thuỷ sản của ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều thách thức về biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học.

xuat khau thuy san cua viet nam se dat tren 10 ty usd hinh anh 2

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến thông tin tại diễn đàn

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Việt Nam và Hà Lan đã hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững, đặc biệt trong nuôi trồng thủy sản. Hà Lan là quốc gia có thế mạnh trong nghiên cứu dinh dưỡng, quản lý hợp tác xã, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản, đây là lĩnh vực mà các cơ quan nghiên cứu, các doanh nghiệp Việt Nam có thể hợp tác để phát triển. Vì vậy, mong muốn diễn đàn sẽ thảo luận các giải pháp hiệu quả cho phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững tại ĐSBCL.

"Diễn đàn ngày hôm nay với sự tham gia của các nhà quản lý, doanh nghiệp, chuyên gia, viện, trường và đối tác từ hai quốc gia Việt Nam và Hà Lan, sẽ là cơ hội để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, các ý tưởng dự án hợp tác và đề xuất những giải pháp mang tính thực tiễn, phù hợp với tình hình thực tế của vùng ĐBSCL" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

xuat khau thuy san cua viet nam se dat tren 10 ty usd hinh anh 3

Hiện nay vùng nuôi cá tra tập trung nuôi ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp

Tại Diễn đàn với các phiên thảo luận về về tiềm năng hợp tác trong nuôi trồng thủy sản bền vững ở ĐBSCL, các giải pháp thiết thực, trao đổi đổi kiến ​​thức và kinh nghiệm chuyển giao công nghệ giữa hai nước Việt Nam và Hà Lan.

Nguồn: VOV