Quay lại

Xuất khẩu sang Đức phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật mới

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 6 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Đức đạt trên 5,57 tỷ USD, tăng 1,75%. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Đức đạt 3,82 tỷ USD tăng 3,2% và nhập khẩu của Việt Nam từ Đức đạt khoảng 1,75 tỷ USD, giảm 1,2%. Như vậy, Việt Nam xuất siêu sang Đức đạt 2,06 tỷ USD, tăng 7,18%.

ĐIỂM SÁNG XUẤT KHẨU HÀNG NÔNG THUỶ SẢN, ĐIỆN TỬ

Đức là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam tại EU sau Hà Lan (tăng trưởng 26,4%, đạt 6,5 tỷ USD) với kim ngạch xuất nhập khẩu chiếm 17% thương mại của Việt Nam với EU, trong đó xuất khẩu chiếm 15% và nhập khẩu chiếm 23%.

Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Đức đạt được chủ yếu nhờ nhóm hàng nông thuỷ sản và nhóm hàng điện tử.

Với nhóm nông thủy sản, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này đạt 640,3 triệu USD, tăng 39,4% trong đó tất cả các mặt hàng có ghi nhận xuất khẩu trong nhóm này đều đạt tăng trưởng dương. Cụ thể cà phê đạt trên 383,4 triệu USD tăng 37,4%; thuỷ sản 94,3 triệu USD, tăng 10,7%; hạt điều đạt trên 63,6 triệu USD, tăng 33,1%; hạt tiêu đạt trên 48 triệu USD tăng 156,6%; rau quả đạt 32,2 triệu USD tăng 118,3%; cao su đạt 18,3 triệu USD, tăng 35,6%; chè 514 nghìn USD tăng 2%.

Nhóm hàng chế biến chế tạo, mặc dù kim ngạch xuất khẩu chung của nhóm giảm 0,95% nhưng vẫn có một số điểm sáng khi mức độ giảm đã thu hẹp (5 tháng năm 2024 khi kim ngạch giảm hơn 2%).

Kim ngạch tăng mạnh ở mặt hàng điện thoại đạt 431,7 triệu USD, tăng 23,2%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 422,5 triệu USD, tăng 29,2%; sản phẩm chất dẻo đạt 84,2 triệu USD, tăng 30,2%, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 44,6 triệu USD và tăng 46,3%. Đồ gỗ Việt Nam xuất khẩu sang Đức chủ yếu là đồ nội thất chiếm tỷ trọng 85,3%.

Bên cạnh đó, một số sản phẩm có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam sang Đức đã ghi nhận sụt giảm gồm: giày dép các loại đạt 369,9 triệu USD, giảm 21,45%; hàng dệt may đạt 363,6 triệu USD, giảm 18,3%; túi xách, ví, vali, mũ và ô dù đạt 82,2 triệu USD, giảm 14%; đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận đạt 45 triệu USD, giảm 62%.

Nguyên nhân của sự sụt giảm nhóm hàng này được cho là do kinh tế Đức khó khăn, lạm phát tăng người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu các sản phẩm tiêu dùng không cấp thiết và có thể tái sử dụng cũng như sự cạnh tranh rất lớn từ các quốc gia sản xuất các sản phẩm cùng loại như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ khi cũng đang dư thừa sản xuất.

THÁCH THỨC ĐÁP ỨNG TIÊU CHUẨN KỸ THUẬT, QUY TẮC XUẤT XỨ TRONG EVFTA

Theo Thương vụ Việt Nam tại Cộng hoà liên bang Đức, xuất khẩu sang thị trường này đang gặp nhiều thách thức khi phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật mới.

Cụ thể, các quy định tiêu chuẩn kỹ thuật của EU đối với sản phẩm đồ gỗ, dệt may, giày dép liên quan đến an toàn sản phẩm, hạn chế sử dụng một số hóa chất trong sản phẩm, quy định về gắn nhãn CE… và đặc biệt là các quy định liên quan đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Ví dụ, Đức áp dụng Luật nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng. Luật này tác động gián tiếp tới nhà xuất khẩu của Việt Nam. Nhà nhập khẩu có thể yêu cầu doanh nghiệp Việt cung cấp thêm các chứng nhận liên quan đến nguồn gốc của sản phẩm, tình trạng sử dụng lao động, tiền lương trả cho lao động, cách thức xử lý chất thải nhà máy…

Hay các loại chứng nhận như: chứng nhận BSCI của Hiệp hội kinh doanh toàn cầu về thương mại bền vững Amfori, chứng nhận SA 8000 (hệ thống các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội…), chứng nhận SEDEX/Smeta, FSC về quản lý rừng bền vững, tiêu chuẩn green button trong ngành dệt may.

Ngoài ra là những đáp ứng về quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan trong EVFTA… Thương vụ Việt Nam tại Cộng hoà liên bang Đức, cho rằng trên thực tế nhiều nguyên liệu sản xuất và các loại sản phẩm của Việt Nam hiện vẫn đang phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc và một số nước châu Á khác.

“Việc đáp ứng quy tắc xuất xứ trong EVFTA là một thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp Việt để tận dụng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định này”, Thương vụ Việt Nam tại Cộng hoà liên bang Đức nhấn mạnh.

Khi bị nghi ngờ về xuất xứ, hải quan Đức sẽ yêu cầu nhà nhập khẩu đóng khoản thuế bảo lãnh và khoản thuế này sẽ được hoàn lại khi có kết quả xác minh tính chính xác của bộ chứng từ về quy tắc xuất xứ theo quy định trong EVFTA.

Để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Đức, Thương vụ Việt Nam tại Cộng hoà liên bang Đức, cho rằng doanh nghiệp cần có kế hoạch tham gia các hội chợ chuyên ngành, các hoạt động xúc tiến thương mại để tìm kiếm đối tác và cơ hội kinh doanh.

Chẳng hạn, hội chợ đồ gỗ, đồ nội thất ở Đức tại các thành phố như Stuttgart, Nurnberg, Koln, Hannover. Hội chợ về đồ nội thất quốc tế lớn là IMM Koln, Interzum ở Koln.

Hội chợ Dệt may: Hội chợ HeimTextil tại Frankfurt, H+H tại Cologne, Tecstyle visions tại Stuttgart… Hội chợ Da giày: Hội chợ International Leather Goods Fair tại Mainz, Shoes tại Dusseldorf.

Hội chợ Cơ khí: Hannover Messe (về máy móc, tự động hóa, công nghệ..); BAUMA (về máy móc xây dựng), EMO Hannover (máy móc công nghệ gia công kim loại), AUTOMECHANIKA Frankfurt (ô tô, phụ tùng linh kiện), INTERPACK ( máy móc thiết bị giải pháp ngành công nghiệp đóng gói, chế biến…)…

Theo đánh giá của Vụ thị trường Âu, Mỹ (Bộ  Công Thương), những hội chợ chuyên ngành lớn này thu hút nhiều nhà mua từ châu Âu đến tìm kiếm đối tác. Đây chính là cơ hội cho hàng hoá Việt Nam mở rộng hơn nữa thị phần tại Đức nói riêng và châu Âu nói chung.

Nguồn: TBKTVN