Quay lại

Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc - cần chủ động và linh hoạt

Mặt khác, hàng hoá xuất khẩu của Trung Quốc rất tương đồng với Việt Nam, điều này vừa tạo ra lợi thế nhưng cũng là thách thức đối với hàng hóa Việt Nam. 

Ba tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 11,9 tỷ USD, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm mạnh. Các mặt hàng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc chủ yếu là điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; thủy sản; dệt, may…

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định: "Một vấn đề phải quan tâm trong lúc này, đó là Trung Quốc hiện không còn là thị trường dễ tính, không phải cái gì cũng chấp nhận; không phải hàng hóa nào, tiêu chuẩn phẩm cấp nào thị trường Trung Quốc cũng chấp nhận.

Rõ ràng là công nghệ sản xuất của Trung Quốc, người tiêu dùng của họ cũng đã khó tính hơn rất nhiều. Thứ hai là kinh tế Trung Quốc dù lớn nhưng vẫn dựa vào chủ yếu là xuất khẩu. Bởi vì Trung Quốc đang và sẽ là công xưởng của thế giới. Mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc thì lại rất tương đồng với Việt Nam, nhắc chúng ta rằng chúng ta vừa có lợi thế nhưng mà vừa phải chấp nhận một sự cạnh tranh rất khốc liệt, nếu như chúng ta không cải thiện mình”.

xuat khau sang thi truong trung quoc - can chu dong va linh hoat hinh anh 1

Trung Quốc hiện không còn là thị trường dễ tính, không phải cái gì cũng chấp nhận; không phải hàng hóa nào, tiêu chuẩn phẩm cấp nào thị trường Trung Quốc cũng chấp nhận. (Ảnh minh họa)

Nền kinh tế Trung Quốc đã và đang hướng tới mục tiêu tăng trưởng chất lượng cao, phủ rộng hầu hết các lĩnh vực. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ tiếp tục đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với tiêu chuẩn hàng hóa cả xuất khẩu và nhập khẩu. Đây là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược và đòi hỏi các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng hóa trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng phải thay đổi và thích ứng.

 

Ông Trần Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương cho biết: “Thứ nhất là chủ yếu nghiên cứu và khẩn trương hoàn tất thủ tục đăng ký trước khi xuất khẩu nông sản thực phẩm sang thị trường Trung Quốc, trong đó bao gồm cả việc gia hạn, cập nhật thông tin doanh nghiệp trên hệ thống của Hải quan Trung Quốc.

Thứ hai là phối hợp với đối tác Trung Quốc đa dạng hóa xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới, tránh tập trung vào một vài cửa khẩu biên giới nhất định hoặc tận dụng các tuyến vận tải biển, vận tải đường sắt liên vận Việt Nam, Trung Quốc, hạn chế tối thiểu nguy cơ gây ùn tắc tại các cửa khẩu trong mùa cao điểm của các mặt hàng nông sản.

Thứ ba là nghiên cứu kỹ thông tin tín hiệu và các quy định tiêu chuẩn của thị trường tuân thủ đầy đủ các điều kiện về đăng ký doanh nghiệp, các tiêu chuẩn, chất lượng kiểm nghiệm, kiểm dịch bao bì đóng gói truy xuất nguồn gốc.

Thứ tư là tăng cường tham gia các chương trình Hội chợ triển lãm quốc tế do các địa phương, cơ quan Trung ương phối hợp tổ chức trong thời gian tới nhằm tăng cường kết nối, tìm hiểu các đối tác cũng như nhu cầu của thị trường tới đây. Tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản, xây dựng thương hiệu và bảo vệ thương hiệu”.

Ông Nguyễn Hữu Quân, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc thông tin, hiện Quảng Tây có 9 cặp cửa khẩu, 16 lối mở biên giới đủ điều kiện giao thương hàng hoá với Việt nam trên tuyến biên giới dài 1.092 km, cùng hệ thống cảng biển, đường sắt, đường hàng không, cửa ngõ hợp tác với Việt Nam và các nước ASEAN. Việc phía Trung Quốc điều chỉnh theo hướng nới nỏng các quy định phòng dịch đã góp phần tạo thuận lợi khá lớn trong hoạt động thông quan.

Các đơn vị Hải quan, Biên phòng cũng đưa ra nhiều nhóm giải pháp để đẩy mạnh thông quan, tạo điều kiện xuất nhập khẩu hàng hoá hai bên. Quảng Tây là địa phương duy nhất thí điểm nhập khẩu trái chanh leo của Việt Nam.

Ngày 24/4 vừa qua, lô khoai lang đầu tiên của Việt Nam đã xuất khẩu sang Trung Quốc qua Cửa khẩu quốc tế Tà Lùng. Tuy nhiên, hạ tầng kết nối giao thông đến cửa khẩu và hạ tầng cửa khẩu biên giới phía Việt Nam vẫn đang trong quá trình đầu tư, hoàn thiện. Do vậy, rủi ro về việc ùn ứ hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, đặc biệt là tại khu vực cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn vẫn luôn hiện hữu khi nông sản, trái cây bước vào cao điểm vụ thu hoạch. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu cần cập nhật thông tin về tình hình cửa khẩu, chủ động dự báo các tình huống để có thỏa thuận với đối tác nhập khẩu trong việc phân luồng hàng hóa hợp lý, hạn chế tối đa thiệt hại do vấn đề ách tắc hàng hóa gây ra.

xuat khau sang thi truong trung quoc - can chu dong va linh hoat hinh anh 2

Đoàn xe chở hàng chờ xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Lạng Sơn. (Ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Hữu Quân khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu: “Thương vụ thấy rằng khi nông sản, các loại trái cây bước vào cao điểm và một số thời điểm nhất định trong năm, xe hàng đưa lên cửa khẩu biên giới để xuất khẩu.

Đặc biệt khu vực cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn sẽ gia tăng đáng kể, gây áp lực cho hạ tầng cửa khẩu và vẫn tiềm ẩn nguy cơ ùn ứ hàng hóa xuất khẩu hàng hoá, đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu tại cửa khẩu cần câp nhật tình hình thông quan tại cửa khẩu để có sự phân luồng hàng hoá hợp lý, nắm bắt tình hình thông quan cũng như các biện pháp quản lý hoạt động xuất nhập khẩu của Quảng Tây, cũng là nhiệm vụ trọng tâm tiêu thụ nông sản trái cây Việt Nam vào vụ thu hoạch”.

Bộ Công Thương khẳng định sẽ tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại quy mô tại thị trường Trung Quốc, trong đó có một số hoạt động hướng tới cả thị trường truyền thống, cụ thể là Quảng Tây và thị trường mới nằm sâu trong nội địa Trung Quốc như Sơn Đông, Hà Bắc.

Vì vậy, các doanh nghiệp nên tham gia tích cực để mở rộng thị trường. Đồng thời các doanh nghiệp cần chú trọng việc nghiên cứu kỹ nhu cầu, xu thế phát triển của thị trường, tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản, xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu,... Các doanh nghiệp xuất khẩu chủ động kết hợp với các đối tác nhập khẩu trong việc xây dựng, quảng bá hình ảnh doanh nghiệp và các sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp, bên cạnh việc nắm vững và đáp ứng tốt các yêu cầu về kiểm dịch, chất lượng của thị trường Trung Quốc.

Chủ động xây dựng kênh trao đổi trực tiếp với các thương vụ trên cơ sở nắm rõ nhu cầu xuất khẩu của doanh nghiệp địa phương. Nghiên cứu kỹ các ấn phẩm hoặc cẩm nang mặt hàng, ngành hàng do Bộ Công Thương xây dựng để có cái nhìn tổng quát về thị trường, từ đó xây dựng định hướng xuất khẩu dựa trên nhu cầu thực tế của địa phương./.

Nguồn: VOV