Xuất khẩu khởi sắc cơ hội để khẳng định thương hiệu gạo Việt Nam
Theo dự báo, nguồn cung gạo toàn cầu giảm do một số quốc gia vẫn hạn chế xuất khẩu gạo và tình hình thời tiết khắc nghiệt khi mưa lũ, thiên tai, nắng hạn đã làm giảm nguồn cung lúa gạo. Vì vậy, xuất khẩu gạo của Việt Nam được dự báo sẽ khởi sắc và tiếp cận thêm nhiều thị trường trong thời gian tới.
Vùng ĐBSCL là vựa lúa của cả nước, mỗi năm vùng sản xuất từ 24 đến 25 triệu tấn lúa đóng góp hơn 90% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm qua xuất khẩu gạo đã mang về cho Việt Nam hơn 4,6 tỷ USD, tăng cả về lượng và kim ngạch xuất khẩu, đây được xem là năm thắng lợi của ngành hàng lúa gạo. Ngay trong quý I/2024 con số ấn tượng khi Việt Nam đã xuất khẩu gần 2,2 triệu tấn gạo với trị giá 1,4 tỷ USD, giá trung bình hơn 653 USD/tấn. Xuất khẩu gạo đã tăng hơn 17% về lượng và hơn 45 % về trị giá so với năm 2023. Xuất khẩu gạo trong quý I vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm.
Xuất khẩu gạo đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của đối tác
Những tín hiệu xuất khẩu gạo khởi sắc đầu năm một phần do các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; xâm nhập sâu vào các thị trường “khó tính” như châu Âu. Chính những điều này tiếp tục khẳng định chất lượng gạo Việt Nam ngày càng gia tăng và đáp ứng được yêu cầu khắt khe từ các thị trường.
Cơ cấu giống và xuất khẩu gạo của Việt Nam có trên 80% giống chất lượng cao, đặc sản đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp xuất khẩu
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ cấu giống và xuất khẩu gạo của Việt Nam có trên 80% giống chất lượng cao, đặc sản đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp xuất khẩu. Là vùng sản xuất lúa gạo trong điểm của các nước nên việc linh hoạt rải vụ sản xuất ở vùng ĐBSCL thời gian qua đã giải tỏa áp lực thu hoạch, thu mua cho người dân, doanh nghiệp, điều này đã chứng minh qua các mùa vụ khi sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu lúa gạo đã gắn kết chặt chẽ với nhau.
Phó Cục trưởng Cục trồng trọt Lê Thanh Tùng cho rằng, sản xuất lúa gạo của Việt Nam không chỉ quan tâm đến vấn đề xuất khẩu mà còn đảm nhận vấn đề an ninh lương thực quốc gia. Hiện nay, sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL đang tập trung theo các quy trình canh tác bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất theo hướng đạt chuẩn để đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường trong nước và xuất khẩu.
"Cơ cấu giống để xuất khẩu của Việt Nam có trên 80% lúa chất lượng cao và lúa đặc sản đáp ứng theo yêu cầu của doanh nghiệp. Vấn đề thứ hai khi mà mở rộng thị trường khi mà các tham tán của Bộ Công Thương cũng như Bộ NN&PTNT cho thấy rằng các thị trường khó tính thì các tiêu chuẩn họ đặt ra rất khắt khe, vì thế tổ chức sản xuất để đáp ứng các yêu cầu đạt chuẩn này. Vấn đề thứ ba là phối hợp với các địa phương tổ chức các vùng nguyên liệu để đáp ứng được nhu cầu các doanh nghiệp" - ông Tùng nhấn mạnh.
Sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL đang tập trung theo các quy trình canh tác bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu
Chung tay liên kết để xây dựng thương hiệu gạo
Theo ông Trần Trương Tấn Tài, Tổng Giám đốc Công ty TNHH lúa gạo Việt Nam, hiện nay giá xuất khẩu gạo của Công ty sang 13 nước Châu Âu với giá bán từ 980 USD/tấn, để vào được thị trường châu Âu và bán với giá cao và thì doanh nghiệp phải trải qua nhiều thăng trầm.
Theo ông Tài, để phát triển ngành hàng lúa gạo Việt Nam cần phải quan tâm đến 5 vấn đề là thương hiệu; đầu tư công nghệ; nguồn nhân lực; tính liên kết và vai trò của các hiệp hội, ngành hàng trong chuỗi giá trị lúa gạo. Trong đó, vai trò liên kết để tạo ra vùng nguyên liệu ổn định sẽ góp phần xây dựng thương hiệu gạo bền vững và trong chuỗi liên kết này phải có sự chia sẻ hài hòa lợi ích với nhau để xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.
"Để tạo được chuỗi liên kết cũng cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương cùng với việc các doanh nghiệp để mở vùng nguyên liệu và được sự hỗ trợ của địa phương. Chúng ta cùng sát cánh làm từng bước thì tôi nghĩ vùng nguyên liệu này sẽ dần dần hình thành được, nhưng quan trọng chính là người dân ở địa phương cũng như là hợp tác xã thấu hiểu được khó khăn của địa phương, cũng như doanh nghiệp để chia sẻ, đồng cảm với nhau khi trong quá trình giá cả biến động nhiều. Giá bình thường, bình bình như hiện nay thì vỡ liên kết cũng ít, khi biến động cao thì vỡ trận là chắc chắn" - ông Tài cho biết thêm.
Vùng ĐBSCL đóng góp hơn 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước, mỗi năm vùng sản xuất từ 24 đến 25 triệu tấn lúa
Theo đánh giá, hầu hết các doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nhất là nguồn vốn lưu động, gây ảnh hưởng đến tiến độ thu mua của doanh nghiệp khi đến vụ thu hoạch, đây cũng là vấn đề được các doanh nghiệp xuất khẩu gạo quan tâm nhiều.
Theo bà Huỳnh Thị Bích Huyền, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát, để đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo doanh nghiệp cần đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ theo dây chuyền khép kín và bao tiêu lúa cho nông dân. Vì vậy, doanh nghiệp cần nguồn tín dụng ổn định để đầu tư công nghệ và thu mua lúa gạo cho người dân:
Bà Huỳnh Thị Bích Huyền chia sẻ: "Đối với doanh nghiệp xuất khẩu tôi đề nghị Hiệp hội Lương thực trước khi đi đấu thầu chúng ta phải có cuộc họp mặt để đưa ra được giá sàn. Thứ nhất là an toàn cho người dân, an toàn cho công nhân, doanh nghiệp, kế đó là ngân hàng để được ổn định như thế bền vững và lâu dài để chúng tôi mạnh dạn kinh doanh và sản xuất".
Theo ông Bùi Bá Bổng, Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam, xuất khẩu gạo đạt được những thành tựu vừa qua đã khẳng định được thương hiệu, uy tín của lúa gạo Việt Nam khi các địa phương đã quy hoạch vùng sản xuất tập trung để ổn định chất lượng, hướng tới các thị trường xuất khẩu.
Để nâng cao hình ảnh, vị thế của gạo Việt Nam, ông Bùi Bá Bổng cho rằng, các bộ, ngành cần hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp, hiệp hội quảng bá hình ảnh lúa gạo Việt Nam để phát triển thị trường trong nước và quốc tế. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần quan tâm đến phát triển vùng nguyên liệu để đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, yêu cầu thị trường.
"Vùng nguyên liệu thì bàn tay của địa phương giữ yếu tố quyết định, vì nếu các địa phương ra tay thì các doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ liên kết được với nông dân. Khi nông dân liên kết lại thì có các vùng nguyên liệu ổn định và chất lượng cao theo tiêu chuẩn các doanh nghiệp. Nếu nông dân không liên kết thì không có vùng nguyên liệu ổn định, lâu dài" - ông Hồng cho biết.
Đảm bảo nhu cầu lúa gạo trong nước và xuất khẩu
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng gạo hàng hóa xuất khẩu chủ yếu tập trung ở vùng ĐBSCL, tổng lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu tại năm 2024 ở các tỉnh vùng ĐBSCL ước đạt khoảng 7,6 triệu tấn. Trong đó nhóm gạo chất lượng cao khoảng 3,2 triệu tấn; nhóm gạo thơm, đặc sản đạt 2,5 triệu tấn; nhóm gạo chất lượng trung bình đạt 1,15 triệu tấn và nhóm nếp đạt 0,75 triệu tấn. Thực tế như vậy nhưng trước vấn đề xâm nhập mặn đang diễn ra tại Đồng bằng sông Cửu Long dự báo có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất lúa, gạo ngành nông nghiệp đang triển khai những giải pháp, phương án tối ưu để đảm bảo sản xuất an toàn.
Theo ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự kiến năm nay sản lượng lúa của Việt Nam đạt khoảng 43 triệu tấn, tương đương khoảng 20 triệu tấn gạo. Với số lượng gạo như vậy sẽ đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước, đảm bảo an ninh lương thực và phục vụ nhu cầu xuất khẩu.
"Dự kiến năm nay vẫn là trên 43 triệu tấn lúa, nếu chúng ta chia đôi cũng đạt 20 triệu tấn gạo thì đảm bảo an ninh lương thực và các nhu cầu tiêu dùng trong nước. Chúng tôi dự kiến năm nay khoảng 7,3 triệu tấn xuất khẩu. Và 6 tháng đầu năm chúng tôi dự kiến 4,3 triệu tấn, như vậy vẫn đảm bảo được lượng xuất khẩu. Bộ Nông nghiệp khẳng định vẫn đảm bảo được sản lượng lúa theo kế hoạch" - ông Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Vượt qua những khó khăn, thách thức các doanh nghiệp đã tận dụng tốt các cơ hội xuất khẩu tạo đà để xâm nhập thêm vào các thị trường tiềm năng
Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương xuất khẩu gạo trong quý I năm 2024 đã mang về giá trị hơn 1,4 tỷ USD và thị trường Philippines là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam khi chiếm hơn 45% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo với hơn 1 triệu tấn, tương đương gần 649 triệu USD. Tiếp theo là thị trường Indonesia với hơn 445.000 tấn, với giá trị hơn 285 triệu USD. Các thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam tập trung vào loại gạo có giá trị cao như gạo thơm, đặc sản, gạo ST và gạo trắng cao cấp, những loại gạo này là thế mạnh trong cơ cấu sản xuất của Việt Nam.
Những tín hiệu khởi sắc xuất khẩu đầu năm đã cho thấy, vượt qua những khó khăn, thách thức các doanh nghiệp đã tận dụng tốt các cơ hội xuất khẩu tạo đà để thâm nhập thêm vào các thị trường tiềm năng khi nhiều nước vẫn đang hạn chế xuất khẩu gạo. Để tận dụng cơ hội thị trường, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay cần tiếp tục triển khai nhiều giải pháp trong liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu, minh bạch trong sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn, nâng cao khả năng cạnh tranh, giá trị hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.
Nguồn: VOV