Quay lại

Xuất khẩu của Nhật Bản tăng mạnh nhất gần 2 năm nhờ đồng yên yếu

Kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản tăng trưởng mạnh nhất kể từ cuối năm 2022 nhờ đồng yên mất giá. Đây là một tin tốt đối với các nhà sản xuất của Nhật, dù xu hướng trượt dốc của đồng yên đang là một vấn đề khiến giới chức nước này “đau đầu”.

Số liệu do Bộ Tài chính Nhật Bản công bố ngày 19/6 cho thấy xuất khẩu tháng 5 của nước này tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng tăng thứ 6 liên tiếp. Mức tăng này cao hơn mức dự báo tăng 12,7% mà các nhà kinh tế học đưa ra, đồng thời là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2022.

Kim ngạch nhập khẩu tăng 9,5%, bằng với dự báo. Thâm hụt thương mại tháng 5 của Nhật là 1,22 nghìn tỷ yên, tương đương 7,7 tỷ USD, tăng từ mức 466 tỷ yên ghi nhận trong tháng 4.

Động lực chính cho mức tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ trong tháng 5 là sự mất giá của đồng yên. Tính bình quân, tỷ giá đồng yên trong tháng 5 so với đồng USD là 155,48 yên/USD, giảm 14,9% so với cùng kỳ năm ngoái - Bộ Tài chính Nhật Bản cho hay.

“Đồng nội tệ yếu là một điểm cộng cho các nhà xuất khẩu Nhật Bản. Nhưng mặt khác, đồng tiền yếu cũng làm chi phí nhập khẩu gia tăng. Bởi vậy, khó mà xem sự mất giá của đồng yên là một điều tích cực. Nhật Bản sẽ phải trả nhiều hơn cho hàng hoá nhập khẩu và chi phí đối với các doanh nghiệp nước này tăng lên”, nhà kinh tế Ryotaro Tsuchiya của công ty Mizuho Securities nói với hãng tin Bloomberg.

Các nhà xuất khẩu của Nhật Bản đang hưởng lợi rõ rệt từ đồng yên yếu. Quý 1 năm nay, lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất ở nước này tăng trưởng 23%, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của yếu tố tỷ giá.

Trái lại, các doanh nghiệp nhập khẩu của Nhật Bản đang lo ngại về khả năng leo thang của lạm phát do chi phí đẩy. Hơn 60% doanh nghiệp Nhật được khảo sát cho biết đồng yên mất giá ảnh hưởng bất lợi đến lợi nhuận của họ - theo một báo cáo của ngân hàng dữ liệu Teikoku hồi tháng 5.

Số liệu về tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ của Nhật Bản được đưa ra trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu chủ lực của nước này phát đi những tín hiệu kinh tế thiếu đồng nhất.

Số liệu công bố ngày 18/6 cho thấy doanh thu bán lẻ tháng 5 của Mỹ chỉ tăng 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái và số liệu bán lẻ của tháng 4 được điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, sản lượng công nghiệp của Mỹ tăng mạnh trong tháng 5 nhờ tăng trưởng về sản lượng hàng tiêu dùng. Đối với Trung Quốc, doanh thu bán lẻ tháng 5 tăng vượt dự báo dù khủng hoảng bất động sản còn nghiêm trọng. Đối với khu vực eurozone, tiêu dùng được dự báo sẽ tăng nhẹ trong năm nay.

Xét theo thị trường, xuất khẩu của Nhật Bản sang Mỹ trong tháng 5 tăng 23,9% so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 17,8%, và xuất khẩu sang Liên minh châu ÂU (EU) giảm 10,1%.

Xét theo mặt hàng, xuất khẩu ô tô tăng 13,6%, một phần nhờ các hãng xe bao gồm Daihatsu nối lại sản xuất sau một thời gian tạm dừng ngắn vì bê bối chứng nhận an toàn. Hiện chưa rõ đà tăng này có duy trì trong những tháng sắp tới hay không vì vụ bê bối đang lan rộng.

Gần đây, nhà chức trách Nhật đã đình chỉ việc giao và bán 6 mẫu xe, bao gồm có 3 mẫu do hãng Toyota sản xuất. Quyết định này được đưa ra sau một cuộc điều tra của Chính phủ Nhật phát hiện dữ liệu an toàn bị làm sai lệch hoặc thao túng.

Các sản phẩm xuất khẩu khác của Nhật Bản chứng kiến mức tăng trưởng mạnh trong tháng 5 gồm có thiết bị sản xuất con chip và linh kiện điện tử.

Tình trạng mất giá kéo dài của đồng yên đang làm gia tăng mối lo về lạm phát do chi phí đẩy ở Nhật Bản, có thể khiến các hộ gia đình nước này thắt lưng buộc bụng. Niềm tin của người tiêu dùng Nhật Bản trong tháng 5 giảm mạnh nhất hơn 2 năm, một dấu hiệu cho thấy các hộ gia đình đang ngày càng lo ngại về tình trạng lạm phát do yên mất giá.

Phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản hôm 18/6, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Kazuo Ueda nói rằng nhà chức trách cần theo dõi xem tỷ giá đồng yên và chi phí nhập khẩu đang ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế.

Nhu cầu trong nước suy yếu nhanh có thể dập tắt hy vọng của các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản rằng xuất khẩu tăng trưởng mạnh sẽ bù đắp được tình trạng ảm đạm của nhu cầu nội địa. Số liệu mới công bố của viện nghiên cứu Tankan cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Nhật tiếp tục giảm trong tháng 6, phản ánh sự phục hồi không đồng đều của nền kinh tế.

Tuần trước, BOJ tuyên bố vào tháng tới sẽ công bố cụ thể kế hoạch cắt giảm chương trình mua trái phiếu khổng lồ - một động thái tiếp theo để rút lại chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo mà Nhật Bản đã theo đuổi suốt hơn 1 thập kỷ qua. Giới chuyên gia cũng dự báo BOJ sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong năm nay sau đợt nâng đầu tiên vào tháng 3.

Việc BOJ dần bình thường hoá chính sách tiền tệ có thể giúp đồng yên hồi phục, nhưng tốc độ phục hồi của đồng tiền này được cho là sẽ chậm chạp chừng nào Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) còn trì hoãn việc hạ lãi suất.

Nguồn: TBKTVN