Quay lại

Xây dựng các tiêu chí môi trường, danh mục phân loại xanh ở Việt Nam

Theo ước tính của Ngân hàng thế giới, để thực hiện được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam tại COP 26, Việt Nam cần khoảng 368 tỷ USD cho giai đoạn 2022 - 2040, tương đương khoảng 6,8% GDP/năm, trong đó 65% nhu cầu này sẽ phải được huy động ngoài khu vực công. Báo cáo về công tác bảo vệ môi trường năm 2017 của Chính phủ, để triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường, các bộ, ngành cần 853 tỷ đồng, nhưng do điều kiện ngân sách có hạn nên chỉ phân bổ khoảng 469 tỷ đồng (mới đáp ứng được 55% nhu cầu).

Báo cáo về công tác bảo vệ môi trường năm 2020 của Chính phủ cho thấy nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, không đủ kinh phí để triển khai một số dự án có vốn đầu tư lớn về hạ tầng kỹ thuật xử lý chất thải rắn; xử lý ô nhiễm, phục hồi môi trường tại các lưu vực sông, khu vực bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Những thống kế này cho thấy tính cấp thiết của việc huy động vốn, đặc biệt dòng vốn tài chính xanh, để thực hiện các mục tiêu bảo vệ môi trường, hỗ trợ quá trình chuyển đổi của Việt Nam sang nền kinh tế xanh, hướng đến nền kinh tế các-bon thấp, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

NHỮNG NỖ LỰC CỦA CHÍNH PHỦ

Trong những năm qua, khái niệm “Danh mục xanh”, “Dự án xanh” đã được sử dụng khá rộng rãi ở nước ta trong các lĩnh vực đầu tư, tài chính, ngân hàng, nông nghiệp, năng lượng, giao thông, xây dựng… nhằm thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của các ngành, lĩnh vực. Việc quan tâm đầu tư, triển khai các dự án xanh với nội hàm chung là loại dự án đem lại lợi ích về môi trường đã tạo nên những hiệu ứng tích cực với một số thành công nhất định; góp phần thu hút và nâng cao trách nhiệm, vai trò của các tổ chức, cá nhân, các ngành, lĩnh vực trong hoạt động bảo vệ môi trường.

Trong giai đoạn từ 2017 đến 2020, đã có nhiều nỗ lực từ các Bộ, ngành và các bên liên quan để xây dựng danh mục dự án xanh.

Công văn số 9050/NHNN-TD ngày 03/11/2017 của Ngân hàng Nhà nước về việc báo cáo tình hình cấp tín dụng đối với các lĩnh vực xanh và đánh giá rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Để thu thập thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, nắm bắt tình hình triển khai tín dụng xanh và đánh giá rủi ro môi trường của các tổ chức tín dụng, từ cuối năm 2017, Ngân hàng nhà nước đã hướng dẫn thống kê các dự án, phương án xanh, bảo vệ môi trường, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu cho 12 lĩnh vực xanh, bao gồm: nông nghiệp xanh; lâm nghiệp xanh; công nghiệp xanh; năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; tái chế, tái sử dụng các nguồn tài nguyên; xử lý chất thải và phòng chống ô nhiễm; bảo vệ môi trường thiên nhiên, phục hồi sinh thái và phòng chống thiên tai; quản lý nước bền vững tại khu vực đô thị và nông thôn; công trình xây dựng xanh; giao thông bền vững; cung cấp các dịch vụ bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên và các lĩnh vực xanh khác.

Quyết định số 1085/QĐ-BKHĐT ngày 16/7/2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn phân loại đầu tư công cho biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh bao gồm 28 loại hình lĩnh vực nhằm giúp các bộ, ngành và địa phương có công cụ để đánh giá việc phân bổ ngân sách đầu tư công cho ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh ở cấp quốc gia, ngành và địa phương.

Quyết định này cũng nhằm hỗ trợ cho việc triển khai Nghị định số 95/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán. Theo đó, quy định “Trái phiếu xanh là một loại trái phiếu Chính phủ được phát hành để đầu tư cho các dự án liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định tại Luật bảo vệ môi trường (dự án xanh) và nằm trong danh mục dự án được phân bổ vốn đầu tư công theo quy định của Luật đầu tư công, Luật ngân sách nhà nước.

Tiêu chí đánh giá về môi trường cho dự án xanh, dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường - tài liệu tham khảo do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hành năm 2019 trong khuôn khổ hợp tác thúc đẩy tăng trưởng xanh với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC). Tài liệu đưa ra bảng tiêu chí định tính để xem xét, đánh giá dự án xanh và đề xuất Danh mục dự án xanh với 14 lĩnh vực, 65 nhóm loại hình dự án.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 lấy trọng tâm phát triển kinh tế phải đi cùng với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững trong đó xác định 17 mục tiêu phát triển bền vững và 115 mục tiêu cụ thể đến năm 2030 của Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội - môi trường.

Quyết định số 681/QĐ-TTg ngày 04/6/2019 ban hành lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030. Luật bảo vệ môi trường năm 2020 đã hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

Luật bảo vệ môi trường năm 2020 đã bổ sung chính sách về tín dụng xanh, trái phiếu xanh để huy động đa dạng các nguồn lực xã hội cho bảo vệ môi trường (Điều 149 và 150). Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ban hành ngày 07 tháng 01 năm 2022 quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn.

Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ban hành ngày 10 tháng 01 năm 2022 quy định chi tiết một số điều của Luật bảo vệ môi trường giao nhiệm vụ cho Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang bộ tổ chức xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh.

Nội dung dự thảo phân loại xanh quy định chi tiết tiêu chí môi trường đối với 02 nhóm đối tượng, bao gồm: Các dự án đầu tư được xem xét cấp tín dụng xanh; Các dự án đầu tư được xem xét phát hành trái phiếu xanh.

Theo đó, mỗi một loại hình dự án đầu tư được xem xét cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh cần đáp ứng 2 nhóm tiêu chí cụ thể.

Nhóm tiêu chí 1: Dự án đầu tư phải có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc giấy phép môi trường hoặc đăng ký môi trường theo quy định hiện hành của pháp luật về bảo vệ môi trường, trừ các dự án đầu tư được miễn thủ tục môi trường theo quy định của pháp luật.

Nhóm tiêu chí này nhằm đảm bảo yêu cầu chung trong việc tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, giảm thiểu rủi ro gây hại cho các mục tiêu bảo vệ môi trường khác và phù hợp với nguyên tắc “không gây hại đến các mục tiêu bảo vệ môi trường khác”, phù hợp với các danh mục phân loại xanh được áp dụng phổ biến của Liên minh châu Âu, ASEAN, Tổ chức sáng kiến khí hậu (CBI)…

Nhóm tiêu chí 2: Các dự án đầu tư phải đáp ứng yêu cầu cụ thể quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo dự thảo Quyết định để chứng minh dự án đầu tư có mục tiêu bảo vệ môi trường hoặc mang lại lợi ích môi trường để được cấp tín dụng xanh, để chứng minh dự án đầu tư thuộc đối tượng được cấp tín dụng xanh theo quy định tại khoản 1 Điều 149 của Luật Bảo vệ môi trường đối với dự án đầu tư thuộc đối tượng cấp tín dụng xanh; hoặc chứng minh dự án đầu tư thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, mang lại lợi ích về môi trường theo quy định tại khoản 2 Điều 150 của Luật Bảo vệ môi trường đối với dự án đầu tư thuộc đối tượng phát hành trái phiếu xanh.

Các yêu cầu, chỉ tiêu sàng lọc đối với các dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh được xây dựng đảm bảo phản ánh các mục tiêu bảo vệ môi trường, lợi ích môi trường, kế thừa từ các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, các văn bản pháp luật có liên quan do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

Danh mục phân loại xanh đảm bảo tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều 149, khoản 2 Điều 150 của Luật Bảo vệ môi trường; phù hợp với Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam ban hành theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 6 tháng 7 năm 2018 và Hệ thống phân ngành quốc tế (ISIC).

Hầu hết các loại hình dự án đầu tư thuộc Danh mục phân loại xanh được đề xuất đều thuộc đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, các quy định pháp luật khác có liên quan và phù hợp với các ưu tiên, khuyến khích trong chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển của Việt Nam.

Năng lượng sạch là một trong những lĩnh vực thuộc danh mục được ưu tiên đầu tư.

Năng lượng sạch là một trong những lĩnh vực thuộc danh mục được ưu tiên đầu tư.

Danh mục phân loại xanh được đề xuất trong dự thảo Quyết định tương thích với các danh mục phân loại xanh phổ biến hiện đang được áp dụng trên thế giới, bao gồm 47 loại hình dự án đầu tư thuộc 08 nhóm: Năng lượng gồm 09 loại hình dự án đầu tư; Giao thông vận tải gồm 02 loại hình dự án đầu tư; Xây dựng gồm 03 loại hình dự án đầu tư; Tài nguyên nước gồm 04 loại hình dự án đầu tư; Nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản và bảo tồn đa dạng sinh học gồm 12 loại hình dự án đầu tư; Công nghiệp chế biến, chế tạo gồm 04 loại hình dự án đầu tư; Dịch vụ môi trường gồm 11 loại hình dự án đầu tư; Chuyển đổi xanh có 02 loại hình dự án đầu tư.

CẦN TIẾP TỤC XÂY DỰNG CÁC TIÊU CHÍ MÔI TRƯỜNG, DANH MỤC PHÂN LOẠI XANH 

Các cơ quan, tổ chức căn cứ vào Danh mục phân loại xanh và các tiêu chí môi trường được đề xuất để xác định dự án đầu tư thuộc Danh mục phân loại xanh. Khuyến khích tham vấn ý kiến chuyên gia hoặc thông qua đơn vị tư vấn có chức năng phù hợp trong quá trình xác định dự án đầu tư thuộc Danh mục phân loại xanh.

Việc quy định như đề xuất sẽ đảm bảo các tổ chức, cá nhân có liên quan đến cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, phù hợp với thực tiễn hiện nay. Quy định về Danh mục phân loại xanh của Việt Nam đảm bảo phù hợp với thông lệ, khuyến nghị của các tổ chức quốc tế như Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế (ICMA), Ủy ban Phân loại ASEAN (ASEAN Taxonomy Board). Phù hợp với kinh nghiệm của một số quốc gia, khu vực như Liên minh châu Âu, ASEAN, Trung Quốc...

Căn cứ vào khoản 5 Điều 149, khoản 5 Điều 150 của Luật Bảo vệ môi trường; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và các Chiến lược, đề án có liên quan, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện hệ thống tổ chức, quy định pháp luật có liên quan.

Đặc biệt cần sớm nghiên cứu, đề xuất Chính phủ ban hành văn bản ở cấp Nghị định về tín dụng xanh, trái phiếu xanh, phân loại xanh sau khi tiêu chí môi trường đối với dự án đầu tư được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh được ban hành để quản lý hiệu quả, đồng bộ các vấn đề về tín dụng xanh, trái phiếu xanh; ưu đãi, hỗ trợ cho tín dụng xanh, trái phiếu xanh; cơ chế xác nhận dự án đầu tư thuộc Danh mục phân loại xanh để làm căn cứ hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ cụ thể của Nhà nước (lãi suất, thuế, phí, giá, đất đai…); chỉnh sửa, bổ sung một số văn bản pháp lý liên quan đến việc xác nhận dự án đầu tư thuộc Danh mục phân loại xanh cho phù hợp với thông lệ quốc tế, pháp luật và thực tế ở Việt Nam.

Nguồn: TBKTVN