Vương quốc Anh gia nhập CPTPP sẽ mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường cho hàng hóa Việt Nam
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 8/6/2024 Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len.
TÁC ĐỘNG CỦA VIỆC ANH GIA NHẬP CPTPP ĐỐI VỚI VIỆT NAM
Trình bày tờ trình của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cho biết đối với Việt Nam, Văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh gồm 2 phần chính: Nghị định thư gia nhập và các Phụ lục; Thư của Vương quốc Anh và các thư song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh.
Nghị định thư và các Phụ lục thể hiện các cam kết mở cửa thị trường của Vương quốc Anh đối với 6 lĩnh vực, bao gồm: thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ- đầu tư, nhập cảnh tạm thời của khách kinh doanh, mua sắm của chính phủ, dịch vụ tài chính và doanh nghiệp nhà nước.
Nghị định thư còn thể hiện một số cam kết về pháp lý- thể chế, theo đó thống nhất các chương cụ thể của Hiệp định được áp dụng cho các vùng lãnh thổ nhất định của Vương quốc Anh, và các thành viên CPTPP nhất trí chấp nhận một điều khoản ngoại lệ về Nghị định thư Bắc Ai-len.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trình bày Tờ trình của Chủ tịch nước đề nghị phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len.
Theo tờ trình, tương tự như với 10 thành viên CPTPP, Việt Nam tiếp tục ký với Vương quốc Anh 5 thư song phương về các lĩnh vực lao động- công đoàn, thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ và dịch vụ tài chính với cùng nội dung như các thư đã ký trước đây.
Ngoài ra, Việt Nam và Anh cũng ký thư song phương về mua sắm của Chính phủ, thời gian ân hạn trong sở hữu trí tuệ và cấp phép đầu tư trên cơ sở bảo đảm sự có đi có lại và cân bằng nghĩa vụ giữa hai bên.
Đặc biệt, Vương quốc Anh đã ký thư gửi Việt Nam xác nhận các ngành đang hoạt động tại Việt Nam được coi là hoạt động trong điều kiện của nền kinh tế thị trường. Trên cơ sở đó, Vương quốc Anh sẽ không áp dụng Điều 14.1(b) trong Quy định Phòng vệ thương mại năm 2019 của nước này đối với hàng nhập khẩu tại Việt Nam.
Đánh giá tác động của việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP đối với Việt Nam, tờ trình nêu rõ, về chính trị, an ninh quốc gia và chiến lược đối ngoại, ở góc độ song phương, Việt Nam và Vương quốc Anh đã có quan hệ FTA song phương. Do đó, việc Anh gia nhập CPTPP sẽ góp phần củng cố vai trò của Việt Nam đối với Anh tại khu vực này; góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong hợp tác kinh tế quốc tế và quan hệ hợp tác song phương với Anh.
Đặc biệt, việc Vương quốc Anh công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam cũng có ý nghĩa quan trọng tạo thêm cơ sở để ta tiếp tục vận động các nước khác, trong đó có Hoa Kỳ, công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Ở góc độ đa phương, việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP sẽ góp phần kết nối khu vực châu Á- Thái Bình Dương, châu Mỹ với châu Âu, giúp nâng tầm CPTPP từ một hiệp định trong khuôn khổ khu vực thành một hiệp định mang tính toàn cầu, đồng thời góp phần vào sự phát triển hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương.
Về kinh tế, việc Anh gia nhập CPTPP sẽ giúp quảng bá và thu hút thêm nhiều nền kinh tế khác gia nhập FTA khu vực này, mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường cho hàng hóa Việt Nam và góp phần tăng sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Vương quốc Anh luôn là một trong số thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới, những kết quả đàm phán Việt Nam đã đạt được sẽ thúc đẩy hoạt động trao đổi thương mại- đầu tư của Việt Nam với Vương quốc Anh, đặc biệt tạo điều kiện cho hàng xuất khẩu của Việt Nam được tiếp cận thị trường với quy mô kim ngạch nhập khẩu thường niên lớn.
Về lao động, việc làm, xã hội, các ngành mà Anh có thế mạnh xuất khẩu như máy móc, thiết bị công nghệ cao, dịch vụ tài chính, ngân hàng đều không cạnh tranh mà có tính bổ trợ cho các ngành thế mạnh của Việt Nam. Do đó, sẽ không phát sinh cạnh tranh đáng kể về công ăn việc làm, mặt khác, còn giúp phát triển thị trường lao động và gia tăng việc làm trong các lĩnh vực tương ứng tại Việt Nam.
Nhìn nhận về các thách thức đối với Việt Nam, Phó chủ tịch nước nêu rõ, Vương quốc Anh là một trong những thị trường khó tính nhất trên thế giới đối với tiêu chuẩn hàng hóa lưu hành nội địa. Do đó, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Anh vẫn đứng trước thách thức về đạt tiêu chuẩn lưu hành nội địa.
Việt Nam cũng sẽ cam kết mở cửa thị trường với hàng hóa, dịch vụ cho Vương quốc Anh. Điều này tạo ra sức ép cạnh tranh nhất định cho doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ của ta. Tuy nhiên, đây là sức ép cạnh tranh lành mạnh, có chọn lọc và theo lộ trình phù hợp. Quan trọng hơn, do cơ cấu kinh tế của Anh và Việt Nam mang tính bổ sung rất cao nên dự kiến sức ép cạnh tranh sẽ không lớn.
Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, căn cứ Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định phê chuẩn Văn kiện gia nhập Hiệp định CPTPP của Vương quốc Anh tại Kỳ họp thứ 7 này.
NÂNG CAO VAI TRÒ VÀ VỊ THẾ CỦA VIỆT NAM TRONG HỢP TÁC KINH TẾ QUỐC TẾ
Thẩm tra tờ trình, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội nhất trí với nội dung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc phê chuẩn Văn kiện. Hiệp định CPTPP được chính thức ký kết vào ngày 08/3/2018 bởi 11 nước thành viên và đã được Quốc hội phê chuẩn tại Nghị quyết số 72/2018/QH14 ngày 12/11/2018.
Theo Ủy ban Đối ngoại, việc Quốc hội phê chuẩn Văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XV sẽ đưa Việt Nam nằm trong nhóm 6 nước CPTPP đầu tiên phê chuẩn Nghị định thư. Và nếu đến ngày 16/10/2024 có đủ 6 thành viên của CPTPP thông báo hoàn tất thủ tục phê chuẩn thì Văn kiện sẽ có hiệu lực sau 60 ngày đối với các nước đã phê chuẩn (tức là ngày 16/12/2024).
Ông Vũ Hải Hà, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.
Ông Vũ Hải Hà, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, cho rằng việc Quốc hội phê chuẩn Văn kiện thể hiện sự tích cực và trách nhiệm của Việt Nam trong thúc đẩy quan hệ thương mại- đầu tư song phương với Vương quốc Anh nói riêng và giữa CPTPP với Vương Quốc Anh nói chung, góp phần nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong hợp tác kinh tế quốc tế.
Do đó, Ủy ban Đối ngoại nhất trí đề xuất Quốc hội phê chuẩn Văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XV.
Việc phê chuẩn Văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh thể hiện quyết tâm chính trị, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về hội nhập quốc tế và có tác động tích cực đến phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Ủy ban Đối ngoại trình Quốc hội phê chuẩn Văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh và đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành tiếp tục rà soát, đánh giá tác động khi Văn kiện có hiệu lực, so sánh lợi thế cạnh tranh của Việt Nam với các nước thành viên CPTPP đã phê chuẩn Văn kiện.
Nghiên cứu đề xuất hoàn thiện các chính sách nhằm giảm tác động rủi ro với các đối tượng chịu tác động của Văn kiện và bảo đảm lợi ích quốc gia khi Văn kiện có hiệu lực.
Ban hành Nghị định của Chính phủ về biểu thuế xuất khẩu ưu đãi và biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt trong Hiệp định CPTPP để áp dụng với Vương quốc Anh;
Rà soát việc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật hiện hành hoặc ban hành văn bản pháp luật mới hướng dẫn thực thi các cam kết của Việt Nam (gồm cả lĩnh vực về mua sắm chính phủ và dịch vụ- đầu tư) để áp dụng với Vương quốc Anh trong CPTPP; chỉ đạo rà soát các văn bản pháp quy do địa phương ban hành để sửa đổi, bổ sung phù hợp với các nội dung cam kết tại Văn kiện; đảm bảo việc triển khai đầy đủ và hiệu quả Văn kiện vào thời điểm có hiệu lực.
Triển khai các thủ tục nộp lưu chiểu hồ sơ phê chuẩn Nghị định thư gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến thông tin về cam kết gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh;
Cùng với đó tăng cường dự báo thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực để tận dụng hiệu quả những cam kết về mở cửa thị trường của Vương quốc Anh dành cho Việt Nam, đồng thời tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, ông Hà nhấn mạnh.
Nguồn: TBKTVN