Việt Nam - Điểm đến của các ngành công nghiệp tiên phong
Cơ hội để vượt lên trong thu hút “đại bàng” công nghệ
Ít ngày trước đây, Tập đoàn Foxconn đã nhận được cái gật đầu của chính quyền tỉnh Quảng Ninh để có thể triển khai 2 dự án có quy mô 551 triệu USD vào địa phương này. Cả hai dự án, một để sản xuất sản phẩm giải trí thông minh, một sẽ sản xuất hệ thống thông minh, đều là những dự án trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo mà Quảng Ninh đang muốn thu hút đầu tư.
Với hai dự án này, Foxconn đã nâng tổng vốn đầu tư tại Quảng Ninh lên gần 1 tỷ USD và nâng tổng vốn đầu tư tại Việt Nam lên hơn 3 tỷ USD. Nhà đầu tư này đang có các dự án quy mô lớn trong lĩnh vực điện tử và linh kiện tại Bắc Giang và Bắc Ninh, bao gồm cả sản xuất các thiết bị, linh kiện cho Apple. Tháng trước, Foxconn cũng đầu tư một dự án 383 triệu USD ở Khu công nghiệp Nam Sơn - Hạp Lĩnh (Bắc Ninh).
Trong khi đó, Tập đoàn Amkor cũng vừa nhận giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh để tăng vốn đầu tư thêm 1,07 tỷ USD cho dự án bán dẫn tại Bắc Ninh. Với quyết định này, tổng vốn đầu tư của dự án Amkor đã đạt 1,6 tỷ USD, sớm 11 năm so với dự kiến. Ban đầu, Amkor xác định tới năm 2035 mới đầu tư đủ 1,6 tỷ USD tại Việt Nam.
Không chỉ hai nhà đầu tư trên, các thông tin gần đây cho thấy, nhiều tập đoàn công nghệ lớn, như Samsung, LG, cũng như các “ông lớn” trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, như Hyosung, CJ, Posco… cũng đang lên kế hoạch đầu tư thêm hàng tỷ USD vào Việt Nam trong thời gian tới.
Tại cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ở Hàn Quốc cách đây ít ngày, ông Jeong Cheol-dong, Giám đốc điều hành LG Display cho biết, LG đã giải ngân đầu tư hơn 5 tỷ USD tại Việt Nam và sẽ đầu tư thêm 3 tỷ USD trong 5 năm tới. Trong kế hoạch này, Nhà máy LG Innotel dự kiến tăng gấp đôi công suất, qua đó hình thành tổ hợp sản xuất khép kín của LG tại Việt Nam.
“Việt Nam là địa điểm sản xuất trọng điểm toàn cầu của LG”, ông Jeong Cheol-dong nói.
Trong khi đó, Samsung từ lâu đã coi Việt Nam là “cứ điểm” sản xuất toàn cầu của mình, với tổng vốn đầu tư đã lên tới trên 22,4 tỷ USD và vẫn đang tiếp tục tăng vốn trong những năm gần đây (bình quân khoảng 1 tỷ USD/năm). Thậm chí, với việc đưa Trung tâm R&D vào hoạt động từ cuối năm 2022, Samsung đã xác định Việt Nam còn là “cứ điểm” R&D của tập đoàn trên toàn cầu - vị thế mà trước đây, Việt Nam chưa từng kỳ vọng.
Nhưng chắc chắn, tương lai sẽ không dừng lại ở đó. Bởi lẽ, Việt Nam đang trở thành tâm điểm chú ý của các tập đoàn toàn cầu trong các lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI). Intel, Amkor, HanaMicron, Marvell, Synopsys… đã và đang tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Trong khi đó, Tập đoàn NVIDIA cũng vẫn đang từng bước hiện thực hóa kế hoạch biến Việt Nam trở thành “quê hương thứ hai” của mình. Ít ngày trước đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tiếp tục có cuộc trao đổi trực tuyến với NVIDIA để thảo luận về việc thúc đẩy các kế hoạch hợp tác.
Điểm đến của các ngành công nghiệp tiên phong
Mối quan tâm của các “đại bàng” công nghệ tới Việt Nam là có thật. Trong nhận định vừa được đưa ra cách đây ít ngày, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, không chỉ nhiều dự án lớn trong các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng (như sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng được đầu tư mới và mở rộng vốn trong 6 tháng đầu năm 2024, mà Việt Nam đang có “triển vọng thu hút đầu tư vào nhiều ngành công nghiệp tiên phong”. AI, bán dẫn, hydrogen, năng lượng tái tạo… có lẽ là những lĩnh vực được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề cập.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện Dự thảo Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư. Theo đó, các doanh nghiệp công nghệ cao; doanh nghiệp có Dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao; doanh nghiệp có Dự án ứng dụng công nghệ cao… có thể được nhận hỗ trợ từ Chính phủ.
Theo dự báo của Statista Market Insights, doanh thu bán dẫn của Việt Nam sẽ đạt Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) 11,6% trong giai đoạn 2023-2027, đạt 31,28 tỷ USD vào năm 2027. Trong đó, mạch tích hợp - phân khúc quan trọng nhất trong ngành bán dẫn - được dự đoán có giá trị 16,44 tỷ USD trong năm nay.
Còn theo dự báo của Google, kinh tế số của Việt Nam sẽ tăng trưởng gấp 11 lần vào năm 2030, đạt mức 220 tỷ USD, tương đương gần một nửa GDP hiện tại của Việt Nam. “AI sẽ là một trong những yếu tố then chốt để Việt Nam hiện thực hóa dự báo trên”, ông Marc Woo, Giám đốc điều hành, phụ trách Việt Nam, Google châu Á - Thái Bình Dương nói.
Triển vọng rõ ràng là tích cực. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, khi cạnh tranh thu hút đầu tư ngày càng gay gắt, Việt Nam phải nhanh chân, nếu không sẽ bỏ lỡ “cơ hội ngàn năm” của mình.
Báo cáo Chính phủ mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, khi đề cập khó khăn, thách thức của nền kinh tế cũng cho biết, các ngành, lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, AI, chip, bán dẫn… chưa có chuyển biến rõ nét, nguy cơ không bắt kịp được với thế giới và khu vực.
Cũng theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù tại Việt Nam, thu hút đầu tư nước ngoài vẫn tăng trưởng trong những năm gần đây, nhưng số lượng dự án quy mô vốn lớn, với hàm lượng công nghệ cao vẫn còn khiêm tốn. Cụ thể, hiện nay, Việt Nam mới thu hút được 108 dự án có quy mô vốn đầu tư trên 500 triệu USD, trung bình 15 dự án/năm, trong đó chỉ có 27 dự án trong lĩnh vực công nghệ cao.
“Để tiếp tục thành công trong thu hút đầu tư, phải khẩn trương chuẩn bị nguồn nhân lực có tay nghề, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử bán dẫn; đồng thời, khắc phục tình trạng thiếu điện cục bộ tại một số địa phương tập trung nhiều dự án công nghiệp điện tử. Cùng với đó, rà soát các thủ tục để đơn giản hóa hơn và rút ngắn thời gian xử lý, nhất là các thủ tục sau cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, như giấy phép xây dựng, giấy phép phòng cháy, chữa cháy…”, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ.
Nhưng đó cũng chỉ là một trong những vấn đề. Áp lực cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao ngày càng lớn, khi ngày càng nhiều quốc gia, kể cả Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Indonesia, Thái Lan… ban hành các gói chính sách hỗ trợ đầu tư “khủng”.
Chẳng hạn, Hàn Quốc đã công bố kế hoạch gói hỗ trợ 26.000 tỷ won (khoảng 19 tỷ USD) để hỗ trợ ngành công nghiệp chip; Malaysia ban hành Kế hoạch tổng thể công nghiệp mới 2030 (NIMP) vào cuối năm 2023, với quy mô khoảng 20 tỷ USD, để chuyển đổi ngành công nghiệp của Malaysia, nhất là các ngành điện và điện tử, hóa chất, xe điện, hàng không vũ trụ, dược phẩm, thiết bị y tế và vật liệu tiên tiến.
Trong khi đó, Trung Quốc thậm chí đã thành lập Quỹ đầu tư bán dẫn quy mô 27 tỷ USD để thúc đẩy năng lực tự chủ của ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc… Mỹ, châu Âu cũng sẵn sàng chi hàng chục tỷ USD để hỗ trợ cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn…
Áp lực ngày càng lớn, đòi hỏi Việt Nam phải sớm có sự chuẩn bị về nhân lực, hạ tầng…, và bao gồm cả các chính sách hỗ trợ đầu tư mang tính cạnh tranh quốc tế, để vừa giữ chân nhà đầu tư hiện hữu, vừa thu hút thêm các “đại bàng”.
Trong các cuộc tiếp xúc gần đây, các tập đoàn toàn cầu cũng đã bày tỏ mối quan tâm đối với việc thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư của Việt Nam. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện Dự thảo Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư. Theo đó, các doanh nghiệp công nghệ cao; doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao; doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao; doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm R&D, tùy theo việc đáp ứng các tiêu chí cụ thể, có thể được nhận hỗ trợ từ Chính phủ, bao gồm cả hỗ trợ bằng tiền.
Nếu được thông qua, đây sẽ là “cú hích” để Việt Nam thu hút thêm các “đại gia” công nghệ và thực sự trở thành “điểm đến của các ngành công nghiệp tiên phong”.
Nguồn: Báo Đầu tư