Quay lại

Triển vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc không mấy sáng sủa

Theo đánh giá của giới chuyên gia, triển vọng tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc trong ngắn hạn và dài hạn đều không mấy sáng sủa. Trong ngắn hạn, áp lực giảm phát đang đè nặng, còn trong dài hạn, môi trường toàn cầu cũng không có lợi cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Trong một bài phân tích mới đây đăng trên tờ Financial Times, tác giả Michael Pettis, chuyên gia cấp cao của viện nghiên cứu Carnegie China, nói rằng các yếu tố bên ngoài có ảnh hưởng không nhỏ đến triển vọng kinh tế dài hạn của Trung Quốc nhưng không được nói đến nhiều ở thời điểm hiện nay. Thay vào đó, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc chỉ đang tập trung thảo luận liệu mức nợ cao trong nền kinh tế có gây trở ngại cho mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư mà nước này đã theo đuổi suốt mấy thập kỷ qua.

MẤT CÂN ĐỐI GIỮA TỶ LỆ ĐẦU TƯ VÀ TIÊU DÙNG

Số liệu ông Pettis đưa ra cho thấy đầu tư chiếm khoảng 24% tổng sản phẩm trong nước (GDP) toàn cầu, và tiêu dùng chiếm 76% còn lại. Ngay cả ở những nền kinh tế có mức đầu tư cao nhất, tỷ trọng của đầu tư thực tế trong GDP hiếm khi vượt ngưỡng 32-34%, ngoại trừ một số giai đoạn ngắn.

Tuy nhiên, Trung Quốc là một trường hợp ngoại lệ: đầu tư chiếm khoảng 43% GDP của nước này trong năm ngoái và bình quân hơn 40% trong suốt 30 năm qua. Trong khi đó, tiêu dùng chỉ chiếm khoảng 54% GDP của Trung Quốc và thặng dư thương mại chiếm phần còn lại.

Bởi vậy, Trung Quốc tuy chiếm 18% GDP toàn cầu nhưng tiêu dùng của nước này chỉ chiếm 13% tiêu dùng toàn cầu, trong khi đầu tư của Trung Quốc chiếm 32% đầu tư toàn cầu. Mỗi 1 USD đầu tư trong nền kinh tế toàn cầu được cân bằng bởi 3,2 USD tiêu dùng. Con số này tăng lên 4,1 USD nếu không tính nền kinh tế Trung Quốc. Trong khi đó, ở Trung Quốc, 1 USD đầu tư chỉ được cân bằng bởi 1,3 USD tiêu dùng.

Nếu kinh tế Trung Quốc tăng trưởng bình quân 4-5% mỗi năm trong thập kỷ tới và tiếp tục dựa vào đầu tư để đạt được tốc độ tăng trưởng như vậy, tỷ trọng của Trung Quốc trong GDP toàn cầu sẽ tăng lên mức 21%, nhưng tỷ trọng của nước này trong đầu tư toàn cầu sẽ tăng mạnh hơn nhiều, lên 37%.

Giả sử mỗi 1 USD đầu tư trên toàn cầu vẫn được cân bằng bởi khoảng 3,2 USD tiêu dùng, phần còn lại của thế giới sẽ phải giảm tỷ trọng của đầu tư trong GDP khoảng 1 điểm phần trăm mỗi năm để nhường chỗ cho đầu tư của Trung Quốc.

Điều này có thể xảy ra hay không? Ông Pettis cho rằng câu trả lời có thể là “không”, vì cả Mỹ, Ấn Độ và Liên minh châu Âu (EU) cùng một số nền kinh tế lớn khác đều không giấu giếm ý định mở rộng vai trò của đầu tư trong nền kinh tế của mình. Nếu các nền kinh tế này tăng tỷ trọng của đầu tư trong GDP và Trung Quốc cũng vậy, nguồn cung toàn cầu có thể tăng mạnh hơn nhiều so với nhu cầu. Điều này sẽ dẫn tới trở ngại đối với các nền kinh tế có mức tiêu dùng thấp, sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà sản xuất, thậm chí là thách thức lớn đối với chính Trung Quốc.

Sự mất cân đối sẽ càng đặt ra vấn đề lớn hơn xét tới việc từ năm 2021 đến nay, Trung Quốc đã dịch chuyển đầu tư từ lĩnh vực bất động sản sang sản xuất. Trong 2 năm qua, đầu tư vào bất động sản ở Trung Quốc đã giảm, nhưng tổng đầu tư ở nước này chưa hề giảm. Đó một phần là do đầu tư vào công nghiệp và sản xuất tăng lên, kết quả là sau một thập kỷ giảm dần, tỷ trọng của lĩnh vực sản xuất trong GDP của Trung Quốc lại tăng lên.

Một câu hỏi được đặt ra: Nếu tỷ trọng của Trung Quốc trong GDP toàn cầu tăng lên trong thập kỷ tới và động lực là việc nước này tiếp tục dựa vào sản xuất, liệu thế giới có thể hấp thụ hết sự tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc?

TỶ TRỌNG CỦA TRUNG QUỐC TRONG LĨNH VỰC SẢN XUẤT

Ở thời điểm hiện tại, lĩnh vực sản xuất toàn cầu chiếm khoảng 16% GDP của thế giới; đối với nền kinh tế Mỹ, sản xuất chiếm 11%. Trung Quốc một lần nữa là trường hợp ngoại lệ ở tiêu chí này, với sản xuất chiếm tỷ trọng 27% trong GDP, lớn hơn bất kỳ tỷ trọng tương ứng của bất kỳ nền kinh tế lớn nào khác.

Nếu nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 4-5% mỗi năm trong thập kỷ tới mà tỷ trọng của sản xuất trong GDP nước này không tăng thêm, thì tỷ trọng của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất trên toàn cầu sẽ tăng từ mức 30% hiện tại lên 37%.

Liệu phần còn lại của thế giới có thể hấp thụ mức tăng như vậy? Câu trả lời là “có”, với điều kiện phần còn lại của thế giới chấp nhận nhường chỗ cho ngành sản xuất của Trung Quốc bằng cách giảm tỷ trọng của sản xuất trong GDP từ 0,5 điểm phần trăm trở lên.

Kết luận rút ra ở đây, theo tác giả Pettis, là nếu không có một cuộc cải tổ lớn (và không dễ dàng về mặt chính trị) về nguồn lực tăng trưởng, bằng cách dịch chuyển khỏi đầu tư và sản xuất sang phụ thuộc nhiều hơn vào tiêu dùng, Trung Quốc sẽ không thể tăng tỷ trọng của nước này trong GDP toàn cầu nếu phần còn lại của thế giới không chấp nhận giảm tỷ trọng của sản xuất trong GDP của mình. Nếu Trung Quốc vẫn tăng tỷ trọng của sản xuất trong GDP và phần còn lại của thế giới không nhượng bộ, nền kinh tế toàn cầu sẽ rất khó để hấp thụ sự tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc.

Vị chuyên gia nhận định: kinh tế Trung Quốc chỉ có thể tiếp tục tăng trưởng cao trong nhiều năm nếu nước này tiến hành một cuộc cải tổ lớn để gia tăng vai trò của tiêu dùng trong nước, thay thế mô hình tăng trưởng phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư và sản xuất.

Đó là nhìn trong dài hạn, còn nhìn trong ngắn hạn, triển vọng tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc cũng không sáng sủa hơn, một phần nguyên nhân nằm ở tiêu dùng...

Nguồn: TBKTVN