Triển vọng phát triển năng lượng mới: Kinh nghiệm quốc tế và chiến lược hiệu quả đối với Việt Nam
Diễn đàn có sự tham dự của ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; ông Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường; đại diện các đại sứ quán, các tổ chức xúc tiến thương mại, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam.
Tham dự Diễn đàn còn có các chuyên gia kinh tế, chuyên gia năng lượng và gần 200 đại biểu đến từ các Tập đoàn doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam.
Trong những năm qua, tầm nhìn về một tương lai bền vững và phát triển ngày càng quan trọng, trong đó có việc chuyển đổi hệ thống năng lượng. Thực hiện cam kết đảm bảo an ninh năng lượng và tầm nhìn năng lượng quốc gia, Việt Nam đã bắt đầu đặt ra mục tiêu về phát triển năng lượng xanh, giảm lượng khí nhà kính.
Mục tiêu đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, như cam kết tại COP26, đã thể hiện sự tập trung và quyết tâm của Việt Nam trong việc xây dựng một hành trình phát triển bền vững, với mục tiêu chính là tạo điều kiện cho thế hệ tương lai có môi trường sạch và an toàn.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, TS. Chử Văn Lâm, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy - Vietnam Economic Times, nhấn mạnh: Việt Nam là quốc gia nằm trong vùng nhiệt đới, đang phải đối mặt với những biến động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu. Do đó, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Việt Nam.
Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị và được Đảng xác định là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm tại Đại hội XIII của Đảng. Hiện Việt Nam đang khẩn trương triển khai các công tác thực hiện bảo vệ môi trường từ việc sử dụng nguồn năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
TS Chử Văn Lâm, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy - Vietnam Economic Times.
Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã nêu rõ quan điểm: “Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch”.
Mới đây nhất, tại Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện 8), Chính phủ Việt Nam cũng đã nhấn mạnh đến việc ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo nhằm đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi năng lượng công bằng. Theo đó, Quy hoạch Điện 8 đặt mục tiêu đảm bảo năng lượng tái tạo chiếm 15-20% nhu cầu sử dụng điện đến năm 2030; đến 2050 đảm bảo 80-85% năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng cung cấp, đáp ứng nhu cầu phát triển nền kinh tế Việt Nam.
Tại diễn đàn TS Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng nhấn mạnh tới Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển năng lượng Việt Nam đến 2030 tầm nhìn đến 2045.
Là đơn vị triển khai, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết 55, ông Hiển thẳng thắn cho rằng Nghị quyết được ban hành tháng 9/2019, tới nay đã được 4 năm song nhiều cơ chế, định hướng chính sách được các cơ quan của Nhà nước thể chế hoá, cụ thể hoá còn chậm, thậm chí nhiều chính sách còn thiếu. Do đó, chúng ta cần đốc thúc để Nghị quyết 55 đi vào cuộc sống.
Tại diễn đàn hôm nay, Ban Kinh tế Trung ương luôn cầu thị, tiếp thu những kiến nghị của các doanh nghiệp, giúp chủ trương Nghị quyết 55 thực sự đi vào cuộc sống. Qua thực tiễn 4 năm triển khai Nghị quyết 55, ông Hiển mong muốn các doanh nghiệp cần nói thẳng, nói thật những khó khăn vướng mắc từ cơ chế, thủ tục, sự chồng lấn chính sách…
Đồng thời mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài gợi ý Việt Nam cần những chính sách gì để thu hút nguồn tín dụng, nguồn đầu tư từ nước ngoài cho phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Các cơ chế chính sách cần thế nào để Việt Nam từng bước nâng cao năng lực tự chủ. Tức Việt Nam vẫn chào đón hợp tác, liên kết nhưng cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển được, tham gia được vào chuỗi.
“Chủ trương có rồi, nhưng việc triển khai các dự án năng lượng mới, phát triển các địa phương là trung tâm năng lượng tái tạo… cần chính sách gì, cơ chế gì, không để mất cơ hội trong phát triển chung của Việt Nam”, ông Hiển nhấn mạnh.
Các đại biểu tham dự diễn đàn.
Ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cũng đồng tình việc triển khai các chính sách trong chuyển dịch năng lượng dù bước đầu đã đạt được một số thành tựu đáng khích lệ nhưng chúng ta vẫn gặp phải một số khó khăn, thách thức. Quá trình chuyển đổi năng lượng là quá trình chuyển đổi lâu dài, vì vậy rất cần sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị, đặc biệt là các doanh nghiệp.
Các cơ quan lập chính sách, ra quyết định, các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp có mặt tại diễn đàn cùng nhau chia sẻ, trao đổi, phân tích sâu các vấn đề bất cập, thách thức và cơ hội cho việc phát triển năng lượng xanh, sạch để chúng ta thống nhất nhận thức và hành động vì sự nghiệp chung.
Ngoài ra, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã chia sẻ những nỗ lực tiên phong cam kết của Chính phủ Việt Nam về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP26, tới Hội nghị COP 28, Việt Nam đã chính thức công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) cùng với Nhóm các đối tác quốc tế. Các đối tác cam kết huy động nguồn lực ban đầu 15,5 tỷ USD trong vòng 3 - 5 năm tới để giải quyết nhu cầu cấp bách, mang tính xúc tác cho chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam.
Trong khuôn khổ diễn đàn, diễn ra phiên thảo luận về những yếu tố tạo bứt phá chuyển đổi năng lượng Việt Nam, đồng thời các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đại diện các tổ chức nước ngoài như Amcham, EuroCham, PwC cũng đã chia sẻ, đưa ra những khuyến nghị với Việt Nam trong phát triển năng lượng bền vững và các nguồn năng lượng mới.
Nguồn: TBKTVN