TP.HCM sẵn sàng trở lại vị trí “Hòn ngọc Viễn Đông“
Lót ổ để đón “đại bàng”
Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã được giao soạn thảo Quyết định ban hành mẫu công bố thông tin dự án thu hút nhà đầu tư chiến lược và mẫu hồ sơ đăng ký thực hiện dự án của nhà đầu tư chiến lược tại Thành phố, trình UBND Thành phố theo quy định pháp luật. Sở đang lấy ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các sở, ngành về dự thảo quyết định này.
Khi các chính sách nêu trên phát huy hiệu quả trong các năm tới, dự kiến sẽ có các dự án quan trọng như Dự án đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn tại Cần Giờ, các dự án tại Khu công nghệ cao TP.HCM trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip, vi mạch điện tử, với tổng vốn đầu tư thu hút thêm khoảng 8,6 tỷ USD...
Ngoài ra, Thành phố cũng sẽ áp dụng chính sách hỗ trợ lãi suất cho các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, được Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM cho vay với nguồn kinh phí từ ngân sách thành phố. Đồng thời, tập trung vào khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, với việc thực hiện Nghị quyết của HĐND quy định lĩnh vực ưu tiên và tiêu chí hỗ trợ cho các dự án đổi mới sáng tạo.
Về thu hút đầu tư, TP.HCM chủ trương thu hút vốn đầu tư nước ngoài gắn với phát triển các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới, tạo động lực tăng trưởng mới cho kinh tế Thành phố, các dự án đổi mới sáng tạo gắn với chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách đột phá về thu hút đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, Thành phố sẽ tiếp tục triển khai bổ sung, điều chỉnh quy hoạch chuyên ngành đối với các dự án hạ tầng giao thông; chú trọng quy hoạch, phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (mô hình TOD); hoàn thành, đưa vào vận hành khai thác tuyến Metro số 1.
Cùng với đó, tập trung hoàn tất thủ tục chuẩn bị đầu tư, trình cấp thẩm quyền thông qua chủ trương đầu tư các dự án giao thông trọng điểm như Vành đai 2, Vành đai 4, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4…
Hướng trọng tâm vào tăng trưởng xanh
Hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, TP.HCM đã hoàn thành Khung chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030, với các trụ cột chính như hạ tầng xanh, nguồn lực xanh, hành vi xanh, lĩnh vực - địa bàn ưu tiên.
Thành phố đang tiếp tục hoàn thiện khung chiến lược tăng trưởng xanh, xây dựng lộ trình cụ thể, xác định các quy chuẩn, tiêu chuẩn, chính sách cần có để xây dựng, trình HĐND Thành phố; nghiên cứu, xây dựng ban hành kế hoạch, chương trình hành động phát triển Cần Giờ xanh. Đồng thời, chuyển đổi mô hình các khu công nghiệp, khu chế xuất, công nghệ cao, phát triển ngành công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn, công nghiệp sinh học và hàng không dân dụng.
Năm 2024, trên cơ sở kế thừa thành quả đạt được, TP.HCM quyết tâm thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số và triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội. Thành phố đặt ra mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2024 từ 7,5 đến 8%.
Để thực hiện được các mục tiêu trên, Thành phố đã đề ra nhiều mục tiêu và giải pháp. Trong đó, tận dụng tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 để tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược.
TP.HCM sẽ chủ động phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Nghị định của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý các vấn đề chưa phân cấp, phân quyền cho Thành phố và mở rộng việc phân cấp, ủy quyền cho HĐND và UBND Thành phố. Cùng với đó, chủ động nghiên cứu, tham mưu đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư phát triển trên địa bàn Thành phố.
TP.HCM sẽ tiếp tục phát huy vị trí đầu tàu của cả nước..., trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số; trung tâm kinh tế, tài chính; thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á.
Nguồn: Báo Đầu tư