Tiếp sức cho hành trình chuyển dịch năng lượng của Đông Nam Á
Để ASEAN có thể đạt được cân bằng phát thải, năng lượng tạo ra từ nguồn tái tạo phải tăng gần gấp ba vào cuối thập kỷ này. Đồng thời, đưa nguồn điện sạch đó vào lưới điện có thể giúp cắt giảm mạnh mẽ lượng phát thải trước năm 2030.
Theo sau đó, sự tiến bộ của công nghệ năng lượng sạch và chi phí cạnh tranh sẽ thúc đẩy giảm phát thải nhanh chóng hơn trong các ngành khó chuyển dịch như sản xuất thép hay hàng không.
Tuy nhiên, muốn đạt được tốc độ nhanh chóng đó đòi hỏi phải có sự hợp tác. Trong nhiều năm gần đây, các định chế tài chính cùng các tổ chức thuộc cả khối công và tư cũng như các tổ chức xã hội đã đạt được những bước tiến nhất định trong việc hợp tác thúc đẩy thay đổi.
Việc tăng cường hợp tác có thể giúp mở rộng quy mô năng lượng tái tạo, dẫn nguồn vốn đến các ngành thực sự cần nhất và giải quyết thách thức về than đá.
TRIỂN VỌNG LẠC QUAN
Thứ nhất, ASEAN có tiềm năng khổng lồ về năng lượng mặt trời và điện gió. Tuy nhiên, triển khai thêm nhiều dự án tái tạo mới với công suất cao gấp nhiều lần hiện tại sẽ cần nguồn vốn không hề nhỏ. Điều đó đồng nghĩa chúng ta cần điều chỉnh lại tỷ lệ đầu tư giữa nhiên liệu hóa thạch và nguồn năng lượng phát thải các-bon thấp từ 50-50 thành 3:1 để ưu tiên cho các nguồn năng lượng sạch hơn.
Số lượng cam kết cân bằng phát thải của các định chế tài chính cho thấy nguồn tiền sẵn sàng để giải quyết bài toán này. Trở ngại chủ yếu nằm ở khâu triển khai. Bên cạnh các tiêu chí phức tạp ngân hàng thương mại phải áp dụng với các thị trường mới nổi, bản thân các giao dịch đủ điều kiện tiếp cận tín dụng ngân hàng và cơ cấu hợp đồng khả thi cũng chưa thấy tại nhiều quốc gia.
Các nhà làm chính sách có thể hỗ trợ tháo gỡ nút thắt này bằng cách xây dựng danh mục các dự án đủ khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng nhằm tạo điều kiện và thúc đẩy tiến độ triển khai của nguồn vốn từ khu vực tư nhân.
Thứ hai, chính sách công có thể tăng quy mô cho các giải pháp tài chính mới. Điều này đồng nghĩa có thể triển khai mở rộng tài chính hỗn hợp kết hợp nguồn vốn từ khu vực công, chẳng hạn như các ngân hàng phát triển đa phương, với nguồn vốn từ khu vực tư gồm các định chế tài chính.
Việc thiết lập hợp đồng mẫu trong mảng điện gió, điện mặt trời hoặc hình thái năng lượng tái tạo khác sẽ tạo ra sự thống nhất và mang lại khả năng so sánh giữa các dự án nhằm giúp các ngân hàng đánh giá rủi ro.
Tuy nhiên, hệ thống bơm vốn để hỗ trợ cho hướng đi này vẫn chưa thực sự hoàn thiện. Hiện tại, hợp đồng tài chính hỗn hợp vẫn chỉ được thương thảo dựa trên tính chất mỗi giao dịch. Do vậy, nội dung hợp đồng hiếm khi đồng nhất.
Thứ ba, ASEAN có thể giải quyết thử thách về than đá thông qua hợp tác. Hiện tại, khoảng 450 nhà máy nhiệt điện than, có tuổi thọ hoạt động lâu năm, đang phục vụ hầu hết nhu cầu năng lượng cho Đông Nam Á. Chúng ta cần tìm cách để cho những nhà máy này "nghỉ hưu non" và thay thế bằng năng lượng tái tạo để có thể đạt được các mục tiêu cân bằng phát thải.
BIẾN Ý TƯỞNG THÀNH GIAO DỊCH THỰC TẾ
Các nhà làm chính sách có thể hỗ trợ các định chế tài chính tham gia vào quá trình cho nhiệt điện than "nghỉ hưu non" như một phần trong kế hoạch tổng thể xây dựng hạ tầng năng lượng tái tạo và lưới điện.
Thỏa thuận Hợp tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (Just Energy Transition Partnership – JETP) ở Indonesia và Việt Nam là những ví dụ đầy hứa hẹn. Những thỏa thuận tài chính đa phương như vậy kết nối các quốc gia G7 với các định chế tài chính cũng như chính phủ các nước cùng hướng tới mục tiêu tăng tốc quá trình giảm dần than đá như một phần của kế hoạch chuyển dịch năng lượng nói chung.
Thử thách chung của chúng ta tại thời điểm này là làm sao biến ý tưởng thành giao dịch thực tế. Đây chính là điểm chúng ta cần nỗ lực nhiều. Giải pháp cần có khả năng mở rộng để khu vực công có thể tham gia và khu vực tư có thể cung cấp vốn. Điểm mấu chốt là khả năng được cấp tín dụng và nhân rộng, chỉ có thể đạt được thông qua tăng cường hợp tác giữa hai khu vực công và tư.
Thực tế là các chính sách liên quan đến than đá mới chỉ tập trung vào giảm công suất mới mà chưa hướng đến việc giảm dần các nhà máy đang tồn tại một cách hợp lý.
Quy mô lĩnh vực năng lượng tái tạo mở rộng nhanh chóng cho thấy tiềm năng có thể đạt được khi hai khía cạnh kinh tế và chính sách song hành với nhau.
Ember, một tổ chức nghiên cứu độc lập, dự báo năm 2024 sẽ chứng kiến một bước ngoặt lớn khi phát thải năng lượng toàn cầu lần đầu tiên giảm xuống.
Bước tiến này có thể đạt được là nhờ sự đổi mới sáng tạo đã giúp những chiếc xe tuk-tuk chạy được bằng điện, bớt ồn và sạch sẽ. Tôi hy vọng câu chuyện đó sẽ được nhân rộng thêm nữa trên chặng đường dài hướng tới cân bằng phát thải.
Hợp tác có thể thúc đẩy nguồn vốn cần thiết trở nên dồi dào với chi phí hợp lý và quy mô lớn trên khắp ASEAN.
Nguồn: TBKTVN