Tỉ giá “bình thường mới”
Tỉ giá liên ngân hàng tăng lên mốc 24.648 VND/USD vào ngày 29/2 (tăng 1,6% tính từ đầu năm) và chỉ còn cách mức cao nhất mọi thời đại 1%. Thị trường ghi nhận một số yếu tố trong và ngoài nước gây áp lực lên tỉ giá hối đoái bao gồm: 1) Mỹ ghi nhận số liệu kinh tế khả quan trong tháng 1, đẩy lùi kịch bản Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất vào các cuộc họp kế tiếp; 2) Áp lực tỉ giá đến từ dòng tiền đầu cơ trong nước vào các tài sản thay thế như tiền điện tử và vàng trong bối cảnh giá các loại tài sản này đạt mức cao kỷ lục gần đây; 3) Nhập khẩu tăng trưởng mạnh trong tháng 2 cũng khiến nhu cầu sử dụng USD để thanh toán hóa đơn nhập khẩu tăng cao và 4) Chênh lệch đáng kể về lãi suất giữa các giao dịch bằng VND và USD cũng là một yếu tố góp phần khiến USD tăng giá so với VND trong thời gian gần đây.
Phân tích từ Dragon Capital cho thấy, trong vài tuần gần đây, tỉ giá trên thị trường chợ đen liên tục biến động, lên mức 25.750 VND/USD. Ngoài ra, giá vàng miếng lên mức trên 82 triệu đồng/lượng và đồng Bitcoin liên tục lập đỉnh mới. Khi giá vàng lập đỉnh đã kích thích dòng tiền USD nhập lậu vàng gây áp lực lớn lên tỉ giá. Những yếu tố trên khiến nhu cầu mua USD trên thị trường chợ đen tăng vọt và tạo ra mức chênh lệch gần 4% so với thị trường liên ngân hàng.
Một mặt, nếu xét về kinh tế vĩ mô tỉ giá tăng có thể là tin tốt vì thể hiện sự phục hồi của hoạt động xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, tỉ giá tăng nóng đang gây ra những lo ngại nhất định đối với các doanh nghiệp. Chẳng hạn, theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt May Việt Nam, trong 2 năm 2022 và 2023, 4 thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ đều sử dụng công cụ khá mạnh là giảm giá đồng nội tệ để kích thích xuất khẩu. Thổ Nhĩ Kỳ giảm mạnh nhất tới 50%, Bangladesh giảm 21%, Trung Quốc giảm 11%, trong khi Việt Nam giảm khoảng 3%. Vì thế, hàng dệt may của Việt Nam nói chung đã đắt so với các quốc gia trên khoảng 15%, khiến xuất khẩu dệt may giảm đến 10%. Trong khi đó, theo ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietnam Airlines, nếu tính theo tỉ giá trên thị trường tự do, Vietnam Airlines phải tăng thêm khoảng 1.200 tỉ đồng chi phí trong năm nay.
Vì vậy, thị trường đòi hỏi phải có sự can thiệp sớm từ Ngân hàng Nhà nước thông qua các công cụ chính sách tiền tệ. Thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành tín phiếu kho bạc, hút ròng 75.000 tỉ đồng (3 tỉ USD) khỏi thị trường chỉ trong 1 tuần, từ ngày 11-15/3/2024 với mục tiêu ổn định tỉ giá, hạn chế tình trạng đầu cơ do hoạt động giao dịch vàng và tiền điện tử trên thị trường gần đây. Dự báo quy mô hút ròng giai đoạn này có thể vào khoảng 100.000-150.000 tỉ đồng, với lãi suất tín phiếu trung bình từ 1-1,3%/năm.
Các chuyên gia tài chính đánh giá, động thái này không nhằm mục đích thắt chặt hay đảo ngược chính sách nới lỏng hiện tại, mà chỉ là biện pháp ngắn hạn tạm thời nhằm hấp thụ thanh khoản dư thừa (trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng yếu), góp phần ổn định tỉ giá và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô trong nước.
Theo phân tích của Dragon Capital, từ đầu năm đến nay, tỉ giá VND giảm 1,6%, thấp hơn so với các đồng tiền khác trong khu vực như JPY (-4,3%), THB (-3,3%), KRW (-2,2%) hay TWD (-2,8%). Các yếu tố về dòng tiền như kiều hối, lượng FDI giải ngân và cán cân thương mại thặng dư vẫn đang hỗ trợ cho đồng VND.
Tương tự, báo cáo của VNDIRECT cho rằng, mặc dù rủi ro tỉ giá vẫn hiện hữu trong ngắn hạn nhưng áp lực tỉ giá sẽ giảm bớt ở tầm nhìn trung hạn do 1) FED sẽ đảo chiều chính sách tiền tệ trong năm nay; 2) Ngân hàng Nhà nước chủ động điều hành chính sách tiền tệ, cùng với dòng vốn FDI ổn định, thặng dư thương mại cao và kiều hối mạnh mẽ sẽ góp phần giúp tỉ giá ổn định hơn.
“Bất chấp sự suy yếu trong ngắn hạn của đồng VND, kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng GDP mạnh hơn ở Việt Nam, dự báo năm 2024 là 6% so với 5,05% vào năm 2023 và đà phục hồi trong lĩnh vực sản xuất, ngoại thương là những yếu tố tích cực có thể giúp ổn định tỉ giá đồng VND”, báo cáo của Ngân hàng UOB nhận định.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia, cho rằng từ nay đến cuối năm, FED sẽ giảm lãi suất và nền kinh tế Mỹ bắt đầu ngấm đòn do tác động từ lãi suất cao. Trong bối cảnh đó, các đồng tiền khác có thể tăng khi USD giảm giá, trong khi VND cơ bản ổn định dần hoặc có thể mất giá nhẹ bởi VND vẫn là một đồng nội tệ yếu trong khu vực, với khả năng chuyển đổi yếu. Ngoài ra, mặc dù cán cân thanh toán Việt Nam dương, nhưng không nhiều và có một số thời điểm còn âm. “Tỉ giá trong năm nay sẽ không quá đáng ngại”, ông Lực nhận định.
Tuy nhiên, áp lực tỉ giá vẫn hiện hữu khi kinh tế tăng trưởng chậm, nhu cầu nhập khẩu tư liệu sản xuất và hàng hóa tiêu dùng giảm làm tăng xuất siêu, tức là tăng nguồn cung USD. Bên cạnh đó, nếu không kiểm soát nguồn USD “chợ đen” sẽ để lại những hệ lụy không nhỏ. Trong báo cáo vừa công bố, đội ngũ phân tích của SSI Research cho rằng Ngân hàng Nhà nước có thể phải thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn, bao gồm cân nhắc tăng kỳ hạn tín phiếu hay thanh tra việc mua bán ngoại tệ ở các ngân hàng thương mại.
Nguồn: Nhipcaudautu