Thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại trong hành lang kinh tế Việt - Trung
FDI của Trung Quốc vào Hà Nội đạt trên 11,3 tỷ USD
Phát biểu tại phiên thảo luận, chia sẻ thông tin về hợp tác và thu hút đầu tư nước ngoài tại TP. Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Tú, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, những năm qua, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng 10 tháng đầu năm 2023, kinh tế Thủ đô vẫn duy trì được sự tăng trưởng. Trong đó, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 344.313 tỷ đồng, đạt 97,6% dự toán (tăng 16,8% so với cùng kỳ); Tổng chi ngân là là 65.636 tỷ đồng, đạt 62,5% dự toán đầu năm (tăng 18,9%).
Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 13.819 triệu USD; Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 30.600 triệu USD, trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 25.332 triệu USD, khu vực có vốn nước ngoài ước đạt 5.268 triệu USD. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,6% (cùng kỳ tăng 8,7%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 628,207 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% (cùng kỳ năm 2022 tăng 28,8%).
Về thu hút đầu tư nước ngoài, Thủ đô Hà Nội luôn khẳng định vị trí hàng đầu trong thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài nhờ môi trường đầu tư, kinh doanh không ngừng được cải thiện, thủ tục pháp lý ngày càng thông thoáng và những lợi thế riêng có của Thủ đô. Hà Nội cũng là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực và trên thế giới, trong đó các nhà đầu tư từ Trung Quốc.
Lũy kế đến nay, thu hút vốn FDI của TP. Hà Nội đạt khoảng 62,6 tỷ USD (đứng thứ 2 toàn quốc), trong đó có có 7.312 dự án cấp mới còn hiệu lực với số vốn đăng ký là 28,7 tỷ USD; 2.085 lượt dự án tăng vốn với số vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 11,6 tỷ USD; 5.191 lượt góp vốn, mua cổ phần với giá trị góp vốn 22,3 tỷ USD. Lĩnh vực thu hút vốn lớn nhất là kinh doanh bất động sản (31,01%), tiếp theo là ngành công nghiệp chế biến chế tạo (29,67%); thương mại, dịch vụ (22,54%); xây dựng và KHCN (5%); còn lại là các ngành khác.
Giai đoạn 2016-2019, Hà Nội chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài với 26,5 tỷ USD và là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI trong 2 năm liền 2018 - 2019. Từ năm 2020, do ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, thị trường thế giới đối mặt những khó khăn chưa từng có dẫn đến ngưng trệ các hoạt động ngoại thương, đứt gãy chuỗi cung ứng, gia tăng chi phí toàn cầu, hạn chế đi lại giữa các quốc gia.
Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành phố, tổng thu hút vốn FDI của Hà Nội năm 2020 vẫn đạt 3,83 tỷ USD, đứng thứ 3 toàn quốc. Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, thu hút FDI giảm mạnh, với số vốn thu hút đạt 1,524 tỷ USD, đứng thứ 6 cả nước.
Trong 10 tháng đầu năm 2023, Thành phố thu hút hơn 2.607 triệu USD vốn FDI, trong đó: có 346 dự án mới với tổng vốn đầu tư đạt 321,1 triệu USD; 141 lượt tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 242,5 triệu USD; 273 lượt góp vốn, mua cổ phần với giá trị vốn góp đạt 544,3 triệu USD và 01 lượt giao dịch của Nhà đầu tư Nhật Bản (Sumitomo) mua cổ phiếu của VPBank trên sàn giao dịch chứng khoán với giá trị giao dịch đạt 1.500 triệu USD.
Về tình hình hợp tác đầu tư giữa TP. Hà Nội với Trung Quốc, lũy kế từ năm 1986 đến nay, thu hút vốn FDI của Trung Quốc vào TP. Hà Nội đạt trên 11,3 tỷ USD, trong đó có 693 dự án cấp mới còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký mới đạt 415,5 triệu USD; 107 lượt dự án tăng vốn với số vốn đăng ký tăng thêm đạt 135,7 triệu USD; 822 lượt góp vốn, mua cổ phần với giá trị góp vốn 10,7 tỷ USD. Trung Quốc đứng thứ 2 về các quốc gia lớn đầu tư tại TP. Hà Nội.
Trong 10 tháng năm 2023, TP. Hà Nội thu hút 29,6 triệu USD vốn FDI từ Trung Quốc.
Về định hướng chính sách hợp tác đầu tư, chính sách thu hút đầu tư của TP. Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Tú cho biết, TP. Hà Nội định hướng thu hút đầu tư nước ngoài của theo chiều sâu gắn với mục tiêu phát triển bền vững; ưu tiên những dự án chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao tập trung vào các lĩnh vực: phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, xây dựng thành phố thông minh; công nghiệp hỗ trợ sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; các dự án lĩnh vực công nghệ thông tin; nghiên cứu phát triển; du lịch, dịch vụ tài chính, ngân hàng; đào tạo nhân lực; nông nghiệp công nghệ cao, thực phẩm sạch an toàn…
Tiếp tục đổi mới trong công tác xúc tiến đầu tư, gắn kết với xúc tiến thương mại, du lịch cũng như gắn với hoạt động đối ngoại, văn hóa; Đẩy mạnh vai trò của các cơ quan xúc tiến đầu tư đối với các tổ chức ngoại giao và khu vực kinh tế vốn đầu tư nước. Và cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, minh bạch và công bằng để các nhà đầu tư kinh doanh thành công và phát triển bền vững.
Về định hướng phát triển hạ tầng trong hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Việt – Trung, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội nhấn mạnh, hành lang kinh tế Côn Minh (Vân Nam) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh là tuyến hành lang kết nối vùng Trung du miền núi phía Bắc đất nước với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh) và là tuyến kết nối ra biển gần nhất của vùng. Hành lang kinh tế này có tác động trực tiếp đến sự phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước, tăng cường hợp tác quốc tế với tỉnh Vân Nam và các tỉnh Tây Nam Trung Quốc, rộng hơn là một trong những cửa ngõ của khu vực ASEAN với Trung Quốc.
Thúc đẩy liên kết thương mại Việt Nam – Trung Quốc
Cũng tại phiên thảo luận chuyên đề này, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho rằng, thời gian tới, công tác thúc đẩy liên kết thương mại phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu tiếp tục là động lực chính đóng góp phát triển kinh tế- xã hội.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan phát biểu tại phiên thảo luận. |
Do đó, Sở Công Thương Hà Nội đề xuất hàng năm, tham mưu UBND các tỉnh, thành ban hành Kế hoạch thực hiện của ngành Công Thương Hà Nội và các tỉnh, thành về phát triển công nghiệp, thương mại trên địa bàn, tập trung triển khai quyết liệt ngay từ những tháng đầu năm nhằm thúc đẩy phát triển thị trường nội địa, đẩy mạnh xuất khẩu như: Kích cầu nội địa, tăng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng; Tổ chức chương trình khuyến mại tập trung; phát triển dịch vụ logistics, Thương mại điện tử, Xuất nhập khẩu; Kế hoạch Quản lý, đầu tư phát triển cụm công nghiệp; thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Huy động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam…
Để phát huy các kết quả đã đạt được, nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác giữa tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Vân Nam trong thời gian tới, ông Lê Hồng Giang, Phó giám đốc Sở công Thương Quảng Ninh mong muốn hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác, thúc đẩy nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực thương mại, logistics... giữa tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), nói chung và Sở Thương mại tỉnh Vân Nam và Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh nói riêng. Đặc biệt là các hoạt động kết nối giao thông, du lịch, thương mại, hợp tác xúc tiến thương mại và hợp tác về thương mại điện tử.
Trong khi đó, đại diện Sở Thương mại tỉnh Vân Nam cho biết, 9 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của Vân Nam và Việt Nam lên tới 1,88 tỷ USD. Trong số đó, Vân Nam nhập khẩu 730 triệu USD từ Việt Nam, tăng 74,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhận định hợp tác thương mại giữa hai bên tiếp tục đi sâu, hợp tác thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển nhanh chóng. Để thúc đẩy hợp tác trong hành lang kinh tế Việt – Trung, đại diện Sở Thương mại tỉnh Vân Nam đề nghị tăng cường hợp tác thương mại song phương giữa Vân Nam và Việt Nam; thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử xuyên biên giới; tăng cường hợp tác công nghiệp trong khu vực; tăng cường hợp tác xây dựng năng lực thông quan tại các luồng cảng; và tăng cường hợp tác trong triển lãm, hội chợ.
Cho rằng Trung Quốc và Việt Nam là láng giềng tốt, là bạn tốt núi sông nối nhau, là đồng chí, đối tác tốt có chung vận mệnh; Trung Quốc và Việt Nam kiên trì con đường chủ nghĩa xã hội, mục đích cơ bản của hai nước là đạt được sự phát triển, thịnh vượng và tìm kiếm hạnh phúc tốt hơn cho người dân… Cục trưởng, Bí thư Chi bộ Cục Quản lý giám sát tài chính địa phương tỉnh Vân Nam Tả Quảng cho rằng, hai bên cần tận dụng sự gần gũi về địa lý và lợi thế công nghiệp bổ sung để tăng cường hợp tác thiết thực và hiệu quả trên nhiều lĩnh vực nhằm phục vụ tốt hơn phúc lợi của nhân dân hai nước.
Đồng thời, Cục trưởng, Bí thư Chi bộ Cục Quản lý giám sát tài chính địa phương tỉnh Vân Nam Tả Quảng đưa ra 3 gợi ý về hợp tác kinh tế, tài chính giữa các tỉnh, thành. Thứ nhất, tối ưu hóa môi trường kinh doanh và thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại. Thứ hai, tăng cường trao đổi và hợp tác tài chính và thúc đẩy sự thuận tiện về tài chính. Thứ ba, tăng cường trao đổi nhân sự và nâng cao mức độ hợp tác.
Nguồn: Báo Đầu tư