Quay lại

Thế thăng bằng mong manh của Fed

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), tức ngân hàng trung ương nước này, đang gánh vác hai sứ mệnh là ổn định hệ thống tài chính và ổn định kinh tế vĩ mô. Về lý thuyết, đây là hai công việc khác nhau và đòi hỏi những công cụ khác nhau để xử lý.

Trong bối cảnh nước Mỹ vừa đương đầu với cuộc khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng và lạm phát cao dai dẳng trong nền kinh tế, Fed hiện đang cố gắng giữ một thế cân bằng mong manh để tách riêng hai nhiệm vụ trên.

Hôm 22/3, Fed tiếp tục chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm khiến nền kinh tế giảm tốc và qua đó kéo lạm phát xuống, với mức tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm và dự kiến có thêm một đợt tăng nữa trước khi tạm dừng. Song song với đó, Fed đang đẩy mạnh việc cho các ngân hàng vay vốn thông qua chương trình cho vay khẩn cấp với lãi suất mềm nhằm kiểm soát thiệt hại từ ba vụ sụp đổ ngân hàng liên tiếp gần đây, đặc biệt là vụ sập Silicon Valley Bank (SVB).

Theo tờ Wall Street Journal, trên thực tế, hai nhiệm vụ lớn của Fed là những công việc không dễ tách rời.

SỰ XUNG ĐỘT CỦA HAI NHIỆM VỤ
Lãi suất cao hơn làm suy yếu tăng trưởng kinh tế và lạm phát thông qua nhiều kênh khác nhau, trong đó có việc làm gia tăng chi phí vay vốn của các định chế tài chính, từ đó khiến các ngân hàng cho vay ít hơn. Quy trình này thông thường diễn ra êm ái, nhưng đôi khi cũng khá gập ghềnh: các ngân hàng hoặc các tổ chức cho vay khác sụp đổ hoặc tiến gần tới bờ vực sụp đổ, giá tài sản giảm chóng mặt và công chúng hoảng loạn, gây ra những vết nứt trong nền kinh tế ở mức độ nghiêm trọng hơn so với những gì Fed mong muốn. Đây chính là nguồn gốc của một câu nói nổi tiếng ở Phố Wall: “Fed thắt chặt cho tới khi có thứ gì đó đổ vỡ”.

Những động thái của Fed sau khi kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài hai ngày 21-22/3 cho thấy các nhà hoạch định chính sách tiền tệ đã nhận thấy có sự đổ vỡ. Các số liệu kinh tế Mỹ cho tới gần đây đều cho thấy sự vững vàng của tăng trưởng kinh tế trong khi lạm phát dai dẳng ở mức cao.

Trong cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ vào đầu tháng này, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng các xu hướng kinh tế vĩ mô hiện nay có thể đòi hỏi lãi suất phải tăng vượt ngưỡng 5,25%, thậm chí là vượt nhiều. Nhưng trong dự báo mới nhất đưa ra ngày 22/3, ông Powell và các đồng nghiệp của ông đã từ bỏ kế hoạch đó, cho rằng lãi suất sẽ đạt đỉnh trong khoảng 5 - 5,25% trong năm nay, không thay đổi so với dự báo đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái.

Bước nhảy lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào ngày 22/3 đưa lãi suất quỹ liên bang lên mức 4,75-5%. Đây là đợt nâng lãi suất thứ 9 liên tiếp của Fed kể từ khi bắt đầu chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ này vào tháng 3 năm ngoái.

 “Chúng tôi đang theo dõi những gì xảy đến với các ngân hàng và đặt câu hỏi: liệu các điều kiện tín dụng có vì thế bị thắt lại hay không. Bằng cách này hay cách khác, việc đó thay thế một phần cho tăng lãi suất”, ông Powell nói với các nhà báo sau khi Fed họp xong.

Trên cơ sở cho rằng các điều kiện tài chính sẽ trở nên thắt chặt hơn vì khủng hoảng ngân hàng, giới chức Fed trong lần họp này dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ năm nay chỉ đạt 0,4%, giảm từ mức dự báo tăng 0,5% đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái. Dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 là 1,2%, từ mức 1,6% đưa ra trong lần dự báo trước.

Nếu các dự báo và tính toán của Fed trở thành hiện thực, với cuộc khủng hoảng ngân hàng được kiểm soát và lạm phát trượt dần về mức 2% từ khoảng 5-6% hiện nay, thì hành động “thăng bằng trên dây” của Fed được coi là thành công. Nước Mỹ sẽ tránh được một cuộc khủng hoảng tài chính mang tính hệ thống thực sự, với một phí tổn tương đối thấp xét về thiệt hại đối với thị trường hay lạm phát.

HAI CHIỀU HƯỚNG ĐÁNG LO NGẠI CỦA CÂU CHUYỆN
Nhưng Wall Street Journal cho rằng câu chuyện hoàn toàn có thể diễn biến theo những chiều hướng khác, trong đó có hai chiều hướng gây lo ngại hơn cả.

Một là Fed có thể đã phản ứng quá mức. Fed và các cơ quan chức năng khác có lẽ đã tung tấm lưới an toàn ngân hàng quá rộng chỉ để giải quyết vấn đề tập trung vào một số ngân hàng thay vì một vấn đề có tầm ảnh hưởng hệ thống. Bằng cách dè dặt hơn trong việc tăng lãi suất, Fed có thể gây ra sự nới lỏng các điều kiện tài chính trên diện rộng, dẫn tới bước thụt lùi trong cuộc chiến chống lạm phát...

Nguồn: TBKTVN