Quay lại

Thế giới sẵn sàng đương đầu với thuế quan của ông Trump

Nhận thức rõ điều này, các chính phủ trên khắp thế giới đã chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc tấn công thuế quan từ Mỹ - hãng tin Bloomberg cho hay.

Ngay sau khi gọi điện hoặc gửi điện mừng chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử ngày 5/11, giới chức nhiều quốc gia trên thế giới bắt đầu âm thầm tìm cách để xây dựng mối quan hệ tốt hơn với ông, đồng thời cũng vạch ra các phương án trả đũa nếu cần.

Mối đe dọa từ Mỹ đối với Trung Quốc đã tồn tại từ lâu, đồng nghĩa Bắc Kinh đã có nhiều thời gian để chuẩn bị chiến lược phòng vệ và trả đũa. Nhưng lần này, ông Trump và những nhân vật có quan điểm thương mại cứng rắn xung quanh ông đã mở rộng phạm vi đe dọa thuế quan, khiến một cuộc chiến thương mại tiềm tàng có thể sẽ kéo dài hơn và khó lường hơn so với những gì đã diễn ra trong nhiệm kỳ tổng thống trước của ông.

Từ khi ông Trump tái đắc cử tới nay, Mexico và Canada là hai nước bị ông cảnh báo nhiều nhất về thương mại. Lãnh đạo cả hai nước láng giềng này đều đã lên tiếng rằng họ sẵn sàng trả đũa nếu bị áp thuế quan. Về phần mình, Liên minh châu Âu (EU) đã nâng cao năng lực ứng phó với thuế quan, trong khi giới chức Ấn Độ thể hiện quan điểm sẵn sàng đàm phán với Mỹ.

“Chính sách thương mại thời Trump 2.0 có vẻ sẽ quyết liệt hơn so với nhiệm kỳ trước. Các quốc gia đang đứng trước một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Kịch bản tốt nhất cho tất cả các nước là tập hợp lại với nhau và chống lại chính sách thương mại cứng rắn của ông Trump. Nhưng mặt khác, mỗi nước đều có động cơ chạy đua để giành được thỏa thuận tốt hơn so với đối thủ”, chuyên gia cấp cao Yeo Han-koo của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, một cựu Bộ trưởng Bộ Thương mại Hàn Quốc, nhận định với Bloomberg.

VỪA CẢNH BÁO TRẢ ĐŨA, VỪA TÌM CÁCH LÀM HÀI LÒNG ÔNG TRUMP

Nếu được thực thi, ý tưởng của ông Trump áp thuế quan 60% lên hàng hóa Trung Quốc và 20% lên hàng hóa của tất cả các quôc gia khác sẽ làm biến đổi cấu trúc dòng chảy thương mại toàn cầu. Việc các nước khác trả đũa sẽ khiến cho cú sốc thương mại càng trầm trọng hơn - theo một phân tích của Bloomberg Economics.

Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum đã cảnh báo về khả năng lạm phát tăng cao ở Mỹ khi đáp lại lời đe dọa của ông Trump về áp thuế quan 25% lên hàng hóa Mexico. Bên cạnh đó, nước này đã âm thầm vạch ra một chiến lược giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, để vừa hỗ trợ nền sản xuất trong nước, vừa thắt chặt quan hệ thương mại với Mỹ nhằm xoa dịu ông Trump. Được xây dựng trong mấy tháng qua, kế hoạch của Chính phủ Mexico bao gồm yêu cầu các hãng sản xuất ô tô lớn tìm nguồn linh kiện từ những nơi khác.

Quốc hội Mexico đã khởi động một “chiến dịch làm sạch” bao gồm thanh tra một tổ hợp mua sắm ở Mexico City nơi bán nhiều hàng hóa Trung Quốc vào tháng 11. Trong tuần sau đó, Mexico công bố vụ bắt giữ quy mô lớn chất gây nghiện fetanyl - loại chất cấm mà ông Trump phàn nàn về tình trạng buôn lậu qua biên giới Mexico vào Mỹ.

Mexico hiện đang đẩy mạnh những nỗ lực như vậy, tăng cường kiểm soát đối với hàng hóa được tuồn vào nước này mà không đóng thuế đầy đủ. Chính phủ Mexico đã áp thuế quan 19% đối với hàng hóa nhập khẩu thông qua các công ty bình phong - mọt động thái mà giới phân tích cho là nhằm vào 2 nhà bán lẻ thương mại điện tử lớn của Trung Quốc là Temu và Shein. “Nếu chúng ta hợp tác trong vấn đề này, sẽ không có thuế quan nào bị áp lên nhau”, bà Sheinbaum nói về việc hợp tác với Mỹ hồi cuối tháng 11.

Ở Canada, Thủ tướng sắp từ nhiệm Justin Trudeau đã bay tới Mỹ để gặp ông Trump chỉ vài ngày sau khi nhà lãnh đạo đắc cử của Mỹ đưa ra lời đe dọa áp thuế quan 25%. Nhưng sau khi ông Trump gợi ý rằng Canada có thể trở thành tiểu bang thứ 51 của Mỹ, ông Trudeau ngay lập tức phản hồi rằng “cơ hội đó giống như có tuyết dưới địa ngục”.

Hàn Quốc và Đài Loan cũng đang cân nhắc kế hoạch tăng cường nhập khẩu năng lượng từ Mỹ để tránh làm mếch lòng ông Trump.

Mức độ phụ thuộc vào Mỹ về thương mại gia tăng khiến nhiều nền kinh tế bị đặt vào thế dễ tổn thương hơn nếu ông Trump áp thuế quan lên tất cả hàng hóa nhập khẩu, vì khi đó, nhà đầu tư sẽ suy giảm động lực để mở nhà máy mới ở các nền kinh tế như vậy. Ngoài Trung Quốc, những nền kinh tế như Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia và Thái Lan cũng có mức độ dễ tổn thương cao trước chính sách thuế quan của ông Trump, bởi đây đều là những nền kinh tế có sự phụ thuộc lớn vào thương mại - theo một báo cáo của ngân hàng đầu tư Morgan Stanley.

Hàn Quốc đã buộc phải cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế, một phần vì căng thẳng địa chính trị gia tăng khiến nhu cầu đối với hàng hóa nước này giảm sút. Một cố vấn an ninh quốc gia của Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba nói nước này nên chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống Mỹ thực hiện những lời đe dọa thuế quan.

MỐI LO VỀ HÀNG TRUNG QUỐC

Những hệ quả thứ cấp của việc áp thuế quan cũng là điều không thể xem nhẹ. “Nếu thuế quan của ông Trump dẫn tới sự chuyển hưởng của hàng xuất khẩu Trung Quốc sang phần còn lại của châu Á, các quốc gia sẽ rất khó cạnh tranh nổi vì hàng hóa Trung Quốc có mức độ cạnh tranh rất lớn. Đó là một vấn đề mà nhiều chính phủ đang nghĩ tới”, nhà kinh tế trưởng Sonal Varman của Nomura Singapore nhận xét.

Trong số những quốc gia đang ngày càng lo ngại về sự cạnh tranh không bình đẳng từ Trung Quốc có các nước Liên minh châu Âu (EU). Các nền kinh tế trong khối này đang đứng trước mối lo ngại kép gồm làn sóng hàng giá rẻ từ Trung Quốc, nhất là ô tô điện, và một làn sóng thuế quan mới từ Mỹ. Giới chức EU đã chuẩn bị sẵn một danh sách hàng hóa Mỹ để áp thuế quan trả đũa trong trường hợp ông Trump áp thuế quan lên hàng châu Âu.

Từ nhiệm kỳ trước của ông Trump, các nước thành viên EU đã nhất trí thiết lập một bộ thẩm quyền thương mại mới cho phép khối đáp trả các quốc gia thứ ba sử dụng các biện pháp hạn chế kinh tế nhằm mục đích trả đũa chính trị. Công cụ mới của EU giúp tăng cường phòng thủ thương mại và cho phép khối này áp thuế quan và các biện pháp trừng phạt khác để đáp trả những hạn chế mang động cơ chính trị.

Giới chức ở Brazil tỏ ra ít lo lắng về thuế quan Mỹ, tin rằng nước này có thể xuất khẩu nhiều hơn sang các thị trường khác, bao gồm các nước châu Á, trong trường hợp bị ông Trump áp thuế quan. Giới chức Ấn Độ cũng không mấy bi quan về lời đe dọa thuế quan của ông Trump, vì cho rằng mối quan hệ tốt đẹp giữa ông Trump với Thủ tướng Narendra Modi trong nhiệm kỳ trước của ông Trump sẽ duy trì và nước này có dư địa để hạ thuế quan cho hàng hóa Mỹ trong các cuộc đàm phán có thể diễn ra.

“Các nền kinh tế đang ở trong một tình thế mắc kẹt giữa khó và khó hơn. Rất, rất khó để vừa thỏa mãn được đòi hỏi của Mỹ về phân ly khỏi Trung Quốc mà vẫn giữ được mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc”, nhà kinh tế trưởng về châu Á của ngân hàng HSBC, ông Frederic Neumann, phát biểu.

Nguồn: TBKTVN