Tạo cơ chế hấp dẫn khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào văn hóa
Đại biểu Quốc hội đề cập đến thực tế này trong phiên thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035, ngày 19/6.
DOANH NGHIỆP ĐẦU TƯ VÀO LĨNH VỰC VĂN HÓA CÒN MỜ NHẠT
Thống nhất cao về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, đại biểu Hoàng Đức Thắng, đoàn Quảng Trị, quan tâm đến nội dung sự tham gia của người dân và cộng đồng vào vấn đề xã hội hóa trong thực hiện chương trình.
Đại biểu cho rằng sự tham gia của người dân, cộng đồng dân cư là cơ sở bảo đảm sự thành công của chương trình nói riêng, cũng như sự nghiệp văn hóa nói chung, với tư cách người dân là chủ thể sáng tạo, làm nên văn hóa và cũng là người thụ hưởng các giá trị văn hóa mang lại.
Do đó, ông đề nghị rà soát, bổ sung làm dày thêm nội dung này, nhất là các cơ chế, chính sách, nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho sự tham gia của đông đảo nhân dân, cộng đồng dân cư vào các hoạt động văn hóa, sáng tạo văn hóa và thực hành văn hóa, lan tỏa, tiền dẫn, lưu truyền và phát triển các giá trị văn hóa. Điều này sẽ đảm bảo tính quy mô rộng khắp, sự lan tỏa và bền vững của chương trình.
Đặc biệt, về phát huy vai trò của doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế trong phát triển văn hóa, đại biểu nhấn mạnh cần khẳng định vị trí quan trọng của các đối tượng này.
“Nếu nhân dân là chủ thể sáng tạo nên văn hóa, thì cộng đồng doanh nghiệp và tổ chức kinh tế là bệ đỡ kiến tạo cho những sản phẩm văn hóa được thăng hoa. Tuy nhiên, vai trò của doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế chưa được khẳng định rõ nét theo đúng vị trí vốn có của nó trong chương trình. Đây là điều khiếm khuyết cần xem xét bổ sung”, đại biểu Hoàng Đức Thắng cho hay.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng, đoàn Quảng Trị. Ảnh: Quochoi.
Theo đó, ông cho rằng cần thiết kế cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn, tạo điều kiện hấp dẫn hơn để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực văn hóa, thông qua các chính sách ưu đãi và hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Điều này không chỉ tăng cường nguồn lực xã hội cho các hoạt động văn hóa, mà còn tạo ra sự gắn kết giữa phát triển văn hóa với phát triển kinh tế. “Kinh tế phát triển nhất thiết phải có văn hóa, văn hóa phát triển nhất thiết phải có nguồn lực kinh tế hỗ trợ”, đại biểu đoàn Quảng Trị nhấn mạnh.
Bổ sung thêm, đại biểu Lê Thị Song An, đoàn Long An, nhìn nhận ngày nay công nghiệp văn hóa là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của kinh tế tri thức, góp phần quảng bá, bảo vệ và phát triển bản sắc dân tộc.
Theo đại biểu, chương trình đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào 7% GDP của cả nước, đến năm 2035 phấn đấu ngành này đóng góp 8% vào GDP, và có mức tăng trưởng trung bình hằng năm đạt 7%. Đây được xem là mục tiêu đầy triển vọng.
Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng nêu rõ quan điểm các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân và xác định có 12 lĩnh vực.
Đại biểu cho rằng chương trình cần phải xác định rõ trong 12 lĩnh vực này thì lĩnh vực nào cần tập trung đầu tư nguồn lực, lĩnh vực nào cần xây dựng các cơ chế, chính sách kêu gọi xã hội hóa để huy động được các nguồn lực thực hiện, tránh dàn trải, đầu tư không hiệu quả.
Đại biểu Lê Thị Song An, đoàn Long An. Ảnh: Quochoi.
Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành như Luật Di sản văn hóa, Nghị định 31 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư và Quyết định 1466 của Thủ tướng Chính phủ năm 2008 về danh mục thực hiện xã hội hóa, để nhằm tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực văn hóa trong thời gian qua.
QUAN TÂM XÂY DỰNG THIẾT CHẾ VĂN HÓA
Về xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở, đặc biệt là việc đầu tư các thiết chế văn hóa tại các khu công nghiệp, đại biểu Lê Thị Song An, đoàn Long An đánh giá đây là mục tiêu chiến lược lâu dài, bời không chỉ góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động, mà còn tạo điều kiện thuận lợi để họ yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc xây dựng các thiết chế này vẫn còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động. Điều này cũng xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do các doanh nghiệp quan tâm đến sản xuất, hiệu quả kinh doanh mà chưa chú trọng nhiều đến nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động.
“Một số doanh nghiệp thiếu quỹ đất; doanh nghiệp vừa và nhỏ nên tiềm lực tài chính còn yếu, dẫn đến chưa có vốn để đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa. Ngoài ra, do người lao động thường xuyên phải làm việc tăng ca, chăm lo cuộc sống nên ít có thời gian thư giãn, giải trí”, đại biểu đoàn Long An cho hay.
Để từng bước khắc phục các hạn chế trên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung các quy định thật cụ thể về cơ chế, chính sách trong việc xây dựng các thiết chế văn hóa tại các khu công nghiệp, nhất là sự phối hợp giữa các ngành, các doanh nghiệp trong việc đầu tư quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trong khu công nghiệp. Từ đó, nâng cao chất lượng các hoạt động đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người lao động.
Cũng quan tâm về vấn đề xây dựng các thiết chế văn hóa, đại biểu Chu Thị Hồng Thái, đoàn Lạng Sơn góp ý nội dung này cần tập trung đầu tư vào các thiết chế văn hóa, giáo dục phục vụ cho đời sống của đa số người dân, đáp ứng được các nhu cầu về rèn luyện thể dục, thể thao, giao lưu văn hóa, văn nghệ của người dân, các khu công viên vui chơi công cộng dành cho trẻ em, người cao tuổi. Qua đó, nhằm nâng cao chất lượng sống ở cả khu vực nông thôn đến thành thị, từ miền núi đến đồng bằng.
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái, đoàn Lạng Sơn. Ảnh: Quochoi.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới là nội dung rất quan trọng trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.
Tuy nhiên, cần xác định rõ thế mạnh của nước ta là gì để phát triển ngành công nghiệp văn hóa, từ đó mới xác định được đối tượng ưu tiên để đầu tư phát triển nguồn nhân lực, phục vụ cho ngành công nghiệp văn hóa.
"Việc lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới trong thời đại 4.0 cần nghiên cứu các hình thức trên các nền tảng công nghệ số, mạng xã hội, hoặc ngay từ chính các ngành công nghiệp văn hóa, cũng là cách quảng bá hiệu quả", đại biểu đoàn Lạng Sơn nhấn mạnh.
Nguồn: TBKTVN