Quan hệ thương mại Việt Nam – Nhật Bản sẽ được củng cố sau TPP
Ngày 05/10/2015, sau nhiều năm đàm phán dai dẳng, hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chính thức kết thúc đàm phán. TPP được coi là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới. Hiệp định này được đàm phán từ tháng 3/2010, gồm 12 quốc gia: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam.
Sau khi TPP chính thức có hiệu lực, quan hệ thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ sẽ chịu tác động mạnh nhất. Bên cạnh đó, quan hệ Việt Nam – Nhật Bản cũng sẽ có nhiều chuyển biến mới.
Theo lộ trình, Nhật Bản sẽ mở cửa cho nhiều sản phẩm Việt Nam vào thị trường Nhật Bản, giảm thuế và miễn thuế cho nhiều sản phẩm như dệt may, giày dép. Đặc biệt, trong quá trình đàm phán Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Nhật Bản đã đạt được sự đồng thuận trong việc cắt giảm biểu thuế quan đối với mặt hàng thịt lợn, thịt bò và một số mặt hàng khác. Theo đó, một khi TPP chính thức có hiệu lực thì mức thuế 4,3% đánh trên mặt hàng thịt lợn cao cấp sẽ được điều chỉnh giảm dần trong 10 năm. Còn đối với mặt hàng thịt lợn giá bình dân thì biểu thuế sẽ được cắt giảm xuống còn 50 yen/kg thay vì mức 482 yen/kg như hiện nay. Về mặt hàng thịt bò nhập khẩu, Nhật Bản có khả năng sẽ cắt giảm mức thuế từ mức 38,5% xuống còn 27,5%. Dự kiến trong vòng 15 năm tới mức thuế này có thể được hạ thấp xuống khoảng mức 9%.
Tuy nhiên Nhật Bản vẫn còn một số mặt hàng chưa được phê chuẩn giảm thuế. Mức thuế đánh lên lúa mì nhập khẩu có vẻ sẽ không có gì thay đổi, mặc dù mức thuế đánh lên giá bán sỉ lúa mì sẽ được giảm 45%.
Mức thuế đánh vào thịt gia cầm, vốn đang dao động trong khoảng 8,5-11,9% như hiện nay, sẽ được điều chỉnh giảm dần. Thuế nhập khẩu mặt hàng rượu hiện tại đang ở mức 15% hay 125 yen/lít sẽ được xóa bỏ dần theo lộ trình 7 năm.
Về phần mình, Việt Nam đã sẵn sàng cho việc gỡ bỏ dần 70% thuế nhập khẩu dành cho dòng xe Nhật Bản có động cơ dung tích từ 3 lít trở lên trong lộ trình 10 năm. Thời gian tới dự đoán thị trường Việt Nam sẽ nhập khẩu nhiều xe hơi Nhật Bản nhờ lợi thế chi phí và khoảng cách địa lí. Bên cạnh đó, TPP sẽ mang đến cho các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản cơ hội mua các linh kiện ô tô ở châu Á.
Thương mại Việt – Nhật dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ sau khi TPP chính thức có hiệu lực và được nội luật hóa tại Việt Nam và Nhật Bản.
TPP dự kiến sẽ làm kinh tế Nhật Bản mở rộng thêm 0,66% sau khi đã cắt giảm thuế quan. Nếu tính cả những tác động đến nền kinh tế từ việc gỡ bỏ các rào cản phi thuế quan, đóng góp của TPP cho kinh tế Nhật dự kiến sẽ đạt đến 2% GDP.
Trong một thông tin khác có liên quan, một số động thái gần đây cho thấy quyết tâm của Nhật Bản trong việc gia tăng ảnh hưởng tại châu Á để cạnh tranh với Trung Quốc.
Quí 3 năm 2015, bộ Ngoại giao Nhật Bản đã thông báo kế hoạch lập trung tâm đào tạo nguồn nhân lực tại 22 quốc gia đang phát triển trong tài khoá 2016, nhằm hỗ trợ các công ty Nhật Bản có kế hoạch đầu tư ở nước ngoài đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ.
Dự kiến, Nhật Bản sẽ lập trung tâm đào tạo nguồn nhân lực tại 10 nước châu Á - trong đó có Việt Nam, Campuchia và Kazakhstan; 10 nước châu Phi - trong đó có Ethiopi, Mozambique và Morrocco; và Mexico và Paraguay ở khu vực Mỹ Latinh.
Trung tâm trên sẽ đào tạo các nhà quản lý doanh nghiệp những kỹ năng quản lý kiểu Nhật Bản như hệ thống quản lý kaizen - một công cụ được áp dụng nhằm thúc đẩy hoạt động cải tiến liên tục trong môi trường làm việc, trong khi các kỹ sư sẽ được tham gia những khóa đào tạo cấp tốc về kỹ năng nghề nghiệp và kiến thức kỹ thuật cần thiết vốn đang được dạy tại các trường cao đẳng kỹ thuật hệ đào tạo 5 năm của Nhật Bản. Hệ thống quản lý kaizen và mô hình giáo dục chuyên nghiệp tại các trường cao đẳng kỹ thuật của Nhật Bản vốn được quốc tế rất quan tâm vì đây được xem là những yếu tố giúp cho kinh tế Nhật Bản phát triển thần kỳ.
Có thể nói trong thời gian vừa qua, Nhật Bản là một trong số các nhà đầu tư nước ngoài chiến lược quan trọng của Việt Nam. Các doanh nghiệp Nhật Bản được đánh giá là hoạt động hiệu quả, nghiêm túc, chấp hành tốt các quy định pháp luật của Việt Nam, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và giải quyết việc làm cho nền kinh tế.
Tính riêng trong 8 tháng đầu năm 2015 các nhà đầu tư của Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam 195 dự án cấp mới và 84 lượt dự án tăng vốn với tổng số vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 720 triệu USD, xếp vị trí thứ 5 trong 55 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 8 tháng.
Trong 18 chuyên ngành lĩnh vực đầu tư tại Việt Nam thì lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo được các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư nhiều nhất với 1.375 dự án với tổng số vốn đăng ký là 31,4 tỷ USD (chiếm 83,3% tổng vốn đầu tư), đứng thứ 2 là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng số vốn là 1,66 tỷ USD (chiếm 4,4% tổng vốn đầu tư). Đứng thứ 3 là lĩnh vực xây dựng với tổng số vốn đầu tư là 1,17 tỷ USD (chiếm 3,1% tổng vốn đầu tư). Còn lại thuộc về các ngành lĩnh vực khác.
Nhật Bản đã đầu tư vào 49/63 tỉnh thành phố trong cả nước. Trong đó Thanh Hóa thu hút nhiều vốn đầu tư từ Nhật Bản nhất với 10 dự án, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng vốn là 9,68 tỷ USD (chiếm 25,7% tổng vốn đầu tư), trong đó dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn đã có tổng vốn đầu tư tới 9 tỷ USD. Đứng thứ hai là Hà Nội với 661 dự án, với với tổng vốn đầu tư là 4,1 tỷ USD (chiếm 10,9% tổng vốn đầu tư). Bình Dương đứng thứ 3 với 248 dự án với tổng số vốn là 3,85 tỷ USD (chiếm 10,2% tổng vốn đầu tư). Còn lại là các địa phương khác.
Với việc hoàn thành đàm phán TPP, dự kiến sắp tới làn sóng đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh. Các doanh nghiệp Việt Nam nên có những nghiên cứu cụ thể để đón đầu làn sóng đầu tư từ Nhật Bản, cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh và tăng chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh để giữ vững và phát triển thị phần.
(Tổng hợp – AT, ITPC)
Nguồn:
http://www.vietnamplus.vn/nhat-ban-lap-trung-tam-dao-tao-nguon-nhan-luc-tai-22-quoc-gia/347425.vnp
http://haiphongdpi.gov.vn/vi/tang-cuong-thu-hut-fdi-tu-nhat-ban-vao-viet-nam/