Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ mở rộng thành viên?
Theo các hãng truyền thông, trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi, các nhà lãnh đạo đã đồng ý cấp cho Liên minh châu Phi (AU) quyền thành viên thường trực của tổ chức này.
Khối AU gồm 55 quốc gia châu Phi hiện được G20 phân loại là “tổ chức quốc tế được mời”. Sắp tới, AU sẽ có tư cách tương tự như Liên minh châu Âu (EU) trong nhóm.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, quốc gia đang giữ chức Chủ tịch luân phiên G20, đã gửi thư kêu gọi các nhà lãnh đạo khác chấp nhận AU trở thành thành viên thứ 21 của nhóm.
Các hãng truyền thông trích dẫn nội dung của bức thư có đoạn như sau: “Đây sẽ là một bước đi đúng đắn hướng tới một kiến trúc và quản lý toàn cầu công bằng, toàn diện hơn và mang tính đại diện hơn”.
Thủ tướng Ấn Độ có niềm tin mạnh mẽ vào khả năng các nước “Thế giới phương Nam” có tiếng nói lớn hơn trên các diễn đàn quốc tế, đặc biệt là các nước châu Phi.
Nam Phi hiện là thành viên G20 thường trực duy nhất đại diện cho lục địa này. Ai Cập và Mauritius là những “khách mời”.
Việc gia nhập sắp tới của AU đã được xác nhận bởi tờ báo The Times of India, hãng tin Bloomberg và nhật báo Vedomosti của Nga. Nữ cố vấn Svetlana Lukash của chính phủ Nga lưu ý rằng Mokva là một trong những quốc gia đầu tiên ủng hộ việc kết nạp AU.
Lời đề nghị gia nhập G20 đã được Tổng thống Senegal Macky Sall, người cũng là Chủ tịch AU, chính thức đề xuất vào năm ngoái.
Nhà lãnh đạo Senegal lập luận rằng G20 sẽ xóa bỏ “sự bất công” lớn bằng cách chấp nhận liên minh này vào hàng ngũ của mình.
Ngoài ra, hãng Bloomberg cho biết Mỹ và các đồng minh châu Âu có ý định tận dụng hội nghị thượng đỉnh G20 ở Ấn Độ làm cơ hội để thu hút các quốc gia có quan hệ tốt với Moskva và Bắc Kinh. Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ không trực tiếp tham dự sự kiện này.
Bloomberg cho rằng việc người châu Âu ủng hộ nỗ lực của AU sẽ mang lại cho họ tầm ảnh hưởng đối với các quốc gia trong lục địa đen.
Nguồn: Báo Đầu tư