Nhật Bản thâm hụt thương mại kỷ lục vì kinh tế toàn cầu giảm tốc
Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu từ Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết thâm hụt thương mại của nước này đã tăng lên mức 3,5 nghìn tỷ Yên, tương đương 26,1 tỷ USD, trong tháng 1. Mức thâm hụt này vượt xa kỷ lục trước đó là thâm hụt 2,82 nghìn tỷ USD, dù ít hơn mức dự báo của giới phân tích là thâm hụt 3,98 nghìn tỷ Yên.
Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu tháng 1 của Nhật Bản giảm mạnh còn 3,5%, trong khi nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng với tốc độ hai con số, tăng 17,8% so vơi cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 17,1%, một phần do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài; xuất khẩu sang hai thị trường Mỹ và châu Âu cùng giảm tốc, ghi nhận mức tăng tương ứng 10,2% và 9,5%.
Con số thâm hụt thương mại kỷ lục phủ bóng ảm đạm lên nền kinh tế Nhật Bản, trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ ba thế giới chật vật lấy lại đà hồi phục sau một khoảng thời gian bị ảnh hưởng bất lợi bởi sự trượt giá mạnh của đồng Yên và giá dầu tăng cao.
Việc Trung Quốc bất ngờ từ bỏ chính sách Zero Covid cũng gây ra một cú sốc đối với xuất khẩu của Nhật Bản sang nước này, vì số ca nhiễm mới Covid ở Trung Quốc đã tăng vọt sau khi các hạn chế chống dịch được dỡ bỏ. Trung Quốc và các nước châu Á khác chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản.
Lãi suất tăng cao trên toàn cầu là một lý do khiến nhu cầu của thế giới đối với các mặt hàng như ô tô và máy móc của Nhật giảm. Dù vậy, các yếu tố ảnh hưởng một lần, bao gồm kỳ nghỉ Tết, đã gây áp lực giảm lớn lên xuất khẩu của Nhật Bản.
“Về thời gian tới, chúng tôi dự báo thâm hụt thương mại của Nhật Bản giảm mạnh trong tháng 2 nhờ xuất khẩu bật tăng. Mức thâm hụt bình quân của tháng 1 và tháng 2 có thể sẽ ngang với mức thâm hụt của tháng 12/2022” – nhà kinh tế học Yuki Masujima của Bloomberg Economics nhận định.
Thặng dư/thâm hụt thương mại hàng tháng của Nhật Bản. Đơn vị: Tỷ Yên. Nguồn: Bộ Tài chính Nhật Bản/Bloomberg.
Báo cáo của Bộ Tài chính Nhật Bản cũng cho thấy tỷ giá hối đoái bình quân của đồng Yên Nhật trong tháng trước là 132,08 Yên đổi 1 USD, giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng Yên trượt giá và giá dầu tăng là hai nhân tố chính khiến Nhật Bản rơi vào tình trạng thâm hụt thương mại kéo dài. Nếu so với năm ngoái, ảnh hưởng của hai nhân tố này đã giảm bớt trong thời gian gần đây nhưng còn dai dẳng.
Nếu nhập khẩu tiếp tục tăng mạnh, giá cả tiêu dùng ở Nhật Bản có thể tăng cao hơn. Lạm phát ở nước này trong tháng 12 đã đạt mức cao nhất 41 năm, trong bối cảnh các công ty - nhất là doanh nghiệp thực phẩm - đẩy chi phí tăng thêm về phía người tiêu dùng. Lạm phát tăng tốc đã khiến sức mua của người tiêu dùng Nhật suy giảm - một xu hướng được phản ánh qua việc chi tiêu của các hộ gia đình giảm thứ thứ hai liên tiếp trong tháng 12.
Số liệu u ám về xuất khẩu và thâm hụt thương mại của Nhật Bản phản ánh sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu và được đưa ra sau khi thống kê công bố cách đây 2 ngày cho thấy nền kinh tế nước này tăng trưởng yếu hơn dự báo. Quý 4/2022, kinh tế Nhật tăng 0,6%, sau khi giảm 1% trong quý 3. Mức tăng trưởng này thấp hơn mức dự báo tăng 2% mà giới phân tích đưa ra trước đó. Mức tăng yếu này được cho là hệ quả của sự sụt giảm đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân.
Nhập siêu lớn và tăng trưởng kinh tế giảm tốc đang đặt ra thách thức đối với Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) trong việc điều hành chính sách tiền tệ sao cho thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng tích cực dựa trên nhu cầu của khu vực tư nhân, đồng thời giữ cho lạm phát không vượt xa khỏi mục tiêu 2%.
“Với lạm phát giá hàng hoá cơ bản đã qua đỉnh và đồng Yên nhiều khả năng không giảm giá sâu hơn, giá nhập khẩu của Nhật có thể giảm từ giờ trở đi, nhưng xuất khẩu vẫn đang trong xu hướng giảm, nên tình trạng nhập siêu sẽ duy trì”, nhà kinh tế học Kenta Maruyama của Mitsubishi UFJ Research and Consulting nói với hãng tin Reuters.
Nguồn: TBKTVN