Mở đường đưa Việt Nam trở thành trung tâm logistics tại châu Á - Thái Bình Dương
Đó là đánh giá của ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư trong bài phát biểu khai mạc tại Hội nghị Logistics 2023 do Báo Đầu tư và Công ty SLP Vietnam phối hợp tổ chức, diễn ra vào sáng nay (5/10).
Nhiều lợi thế thúc đẩy thị trường logistics Việt Nam
Từ các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước, hàng loạt văn bản chỉ đạo đã được ban hành trong thời gian gần đây, logistics được xác định là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Dịch vụ logistics cũng cần được phát triển thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin.
Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư phát biểu khai mạc Hội nghị Logistics 2023. Ảnh: Lê Toàn |
Đồng thời, phải phát triển thị trường dịch vụ logistics, tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp dịch vụ logistics; phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý, tăng cường kết nối để đưa Việt Nam trở thành một đầu mối logistics quan trọng trong khu vực; và phát triển logistics gắn với chuỗi cung ứng bền vững, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ.
Còn từ góc độ đánh giá chung của thị trường, với tốc độ tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là tăng trưởng thương mại nhanh trong suốt thời gian qua, Việt Nam được đánh giá ngày càng cao về tiềm năng cũng như cơ hội phát triển dịch vụ logistics. Và trên thực tế, thị trường Việt Nam đã ghi nhận những bước tiến rất đáng khích lệ.
Năm 2022, Việt Nam vươn lên vị trí Top10 trong bảng xếp hạng của Agility về Chỉ số logistics các thị trường mới nổi, cho thấy sự thành công của Việt Nam trong việc phát triển chuỗi cung ứng của mình và tính sẵn sàng trong việc tiếp nhận sự chuyển dịch của các tập đoàn sản xuất đa quốc gia lớn trên toàn cầu.
Theo đánh giá của Agility, Việt Nam có khả năng thu hút các doanh nghiệp tên tuổi nhất trên thế giới, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ cao.
“Điều này rất có ý nghĩa trong bối cảnh mà theo khảo sát của Agility, từ năm 2023, Đông Nam Á, Ấn Độ, châu Âu và Bắc Mỹ sẽ trở nên những địa chỉ sản xuất và gia công hấp dẫn hơn so với Trung Quốc, trong đó Đông Nam Á sẽ là điểm đến hấp dẫn nhất đối với các doanh nghiệp có kế hoạch dịch chuyển chuỗi cung ứng và cơ sở sản xuất”, ông Minh nói.
Theo Bảng xếp hạng Chỉ số hiệu quả logistics (LPI) năm 2023 của Ngân hàng Thế giới (WB), điểm LPI của Việt Nam tăng lên mức 3,3 so với 3,27 điểm năm 2018, thuộc nhóm 5 trong khối ASEAN sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng vị trí với Philippines.
Điều này cho thấy chỉ số hiệu quả của Việt Nam đang dần cải thiện, đặc biệt về chỉ số thành phần về hiệu quả quy trình thông quan và chất lượng cơ sở hạ tầng có sự tăng điểm số rõ rệt nhất. Việt Nam cũng là quốc gia đứng đầu trong ASEAN về số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics được Cơ quan quản lý hoạt động hàng hải Hoa Kỳ (FMC) cấp phép.
Theo đánh giá của ông Lê Trọng Minh, những kết quả ít u ám hơn trông đợi trong bức tranh kinh tế và thương mại toàn cầu cũng làm dấy thêm sự lạc quan hơn đối với ngành logistics thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Nếu như năm 2022, khoảng 2/3 đối tượng khảo sát của Agility tin rằng chắc chắn hoặc gần như hoàn toàn có thể kinh tế thế giới sẽ rơi vào suy thoái thì tín hiệu từ những nền kinh tế lớn nhất đến nay vẫn chưa xác nhận điều này.
Những chuyển biến theo hướng tích cực hơn cả về tốc độ tăng GDP và kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam, cùng những tín hiệu khả quan về dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, hiệu ứng ngày một tốt hơn của việc thực thi các hiệp định thương mại tự do và việc tăng tốc triển khai các dự án đầu tư công trong nước đang mang đến nhiều hứa hẹn về những động lực thúc đẩy mới với thị trường logistics Việt Nam.
Kiến tạo cơ hội, mở đường để logistics đi nhanh hơn
Theo Tổng Biên tập Báo Đầu tư, dù con đường phía trước của ngành dịch vụ logistics Việt Nam có thể coi là đầy triển vọng và hứa hẹn, nhưng chắc chắn đó sẽ không phải là một con đường chỉ trải đầy hoa hồng.
Dù sở hữu tiềm năng to lớn và đang có những cơ hội rộng mở, những hạn chế chủ quan – nếu không sớm khắc phục, và những trở lực khách quan – nếu không có biện pháp thích ứng phù hợp, thị trường logistics Việt Nam ắt khó có thể phát triển như kỳ vọng.
Trong đó, chi phí logistics cao do sự kết nối chưa đồng bộ, quy hoạch chưa khoa học và sự thiếu hụt nguồn nhân lực chắc chắn sẽ không phải là vấn đề có thể giải quyết trong một sớm một chiều song cũng không thể để chậm trễ hơn.
Đồng thời, tác động từ những căng thẳng địa chính trị, áp lực từ lạm phát lên nhu cầu tiêu dùng, tuyên bố “xanh hóa” từ ngày càng nhiều tập đoàn lớn, những tiến bộ công nghệ đang được triển khai trên khắp thế giới và sự bùng nổ của thương mại điện tử đang khiến bức tranh ngành logistics truyền thống phải định hình lại.
Đặc biệt, sự chậm trễ trong việc tháo gỡ những điểm nghẽn, nhận diện những thách thức cũng như xu hướng mới để có giải pháp phù hợp nhằm định hình lại, thích ứng, củng cố vị thế và tranh thủ tối đa cơ hội có thể sẽ làm trì hoãn sự đi lên của logistics Việt Nam trên con đường phía trước.
Do đó, ông Minh cho rằng hội nghị hôm nay mong muốn sẽ tìm ra những ý tưởng hay để góp phần làm cho con đường phía trước của thị trường logistics Việt Nam trở nên thênh thang hơn, bằng phẳng hơn, đưa Việt Nam trở thành một trung tâm logistics tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Những ý kiến phân tích, trao đổi, thảo luận của các chuyên gia đến từ các cơ quan hoạch định chính sách và các doanh nghiệp hàng đầu hy vọng cũng sẽ đóng góp thông tin đầu vào hữu ích cho lộ trình tiếp theo như tinh thần chỉ đạo tại Quyết định 221 của Thủ tướng Chính phủ, đó là chuẩn bị cơ sở lý luận và thực tiễn để nghiên cứu, xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến 2045 và các kế hoạch hành động.
Nguồn: Báo Đầu tư