Quay lại

Malaysia tham vọng lấy lại vị thế "Thung lũng Silicon của phương Đông"

Ông Ng Kok Tiong, Phó Chủ tịch công ty sản xuất chip Infineon kiêm Chủ tịch Hiệp hội Chế tạo Chất bán dẫn Malaysia, cho biết trong suốt 34 năm làm việc trong ngành bán dẫn, ông chưa bao giờ chứng kiến ngành công nghiệp bán dẫn ở Malaysia sôi nổi như hiện nay.

Malaysia từng là quốc gia dẫn đầu ngành sản xuất chip ở khu vực châu Á nhờ thu hút các nhà sản xuất chip nước ngoài vào những năm 1970. Thậm chí nước này còn từng được mệnh danh là “Thung lũng Silicon của phương Đông” trước khi đánh mất vị thế vào tay Hàn Quốc và Đài Loan do sự nổi lên của Samsung Electronics và Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. vào những năm 1990.

Malaysia từng là quốc gia dẫn đầu ngành sản xuất chip ở khu vực châu Á. Ảnh: Nikkei Asia.

Malaysia từng là quốc gia dẫn đầu ngành sản xuất chip ở khu vực châu Á. Ảnh: Nikkei Asia.

Hiện tại, Malaysia đang có kế hoạch giành lại “ngôi vương” của mình trong lĩnh vực bán dẫn, khi kiểm soát 13% thị trường toàn cầu về dịch đóng gói, lắp ráp và thử nghiệm. Đồng thời, quốc gia này đang là nguồn xuất khẩu chất bán dẫn lớn thứ 6 thế giới.

Để phục vụ mục tiêu lớn, Malaysia đã xây dựng khu công nghiệp công nghệ cao đầu tiên mang tầm quốc gia ở giữa Penang và Kulim, cũng như tích cực mở rộng cơ sở hạ tầng nhằm thu hút các khoản đầu tư từ các “ông lớn” trong ngành công nghiệp bán dẫn trên toàn cầu. Trong số đó, công ty sản xuất bán dẫn Infineon (Đức) dự kiến đầu tư 7 tỉ USD vào Malaysia trong 5 năm để xây dựng nhà máy sản xuất silic carbide (SiC) lớn nhất thế giới, với kỳ vọng nhà máy sẽ mang lại 7 tỉ euro doanh thu hằng năm. Ngoài khoản đầu tư của Infineon, Tập đoàn Intel (Mỹ) cũng lên kế hoạch đầu tư 7 tỉ USD vào Malaysia và biến nước này thành công xưởng chính của Intel tại châu Á.

 

Chỉ trong vòng vài năm, dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vào Malaysia đã tăng kỷ lục, phần lớn nhờ vào các công ty công nghệ và chip toàn cầu. Quốc gia Đông Nam Á này đã thu hút 15,25 tỉ USD vốn FDI đổ vào trong quý I/2023, cao gấp đôi so với tổng số vốn FDI được ghi nhận trong cả năm 2019.

Mặc dù nhận nhiều tín hiệu tích cực, nhưng ngành công nghiệp bán dẫn của Malaysia cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Thứ nhất, quốc gia này phụ thuộc quá nhiều vào các nhà sản xuất chip nước ngoài để duy trì và phát triển ngành công nghiệp của mình. Phần lớn thị phần đều nằm trong tay những “người chơi lớn” như NXP, Infineon, Texas Instruments và Renesas, trong khi các hãng sản xuất nội địa chỉ chiếm một phần nhỏ.

Thách thức thứ 2 là tình trạng thiếu hụt nhân tài và khả năng tiếp cận nguồn năng lượng tái tạo còn hạn chế. Không chỉ riêng Malaysia, nhiều quốc gia châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng đều đang nỗ lực để trở thành “mắt xích” quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu, khi thị trường này dự kiến đạt doanh thu 1.000 tỉ USD vào năm 2030. Dù Malaysia đang có nhiều lợi thế về nền tảng công nghệ và cơ sở hạ tầng, nhưng lại khiêm tốn về mặt nhân lực.

Thêm vào đó, sự trỗi dậy mạnh mẽ của Ấn Độ và Thái Lan cũng là một thách thức đối với Malaysia trong nỗ lực cạnh tranh nhằm thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài.

Song, theo một số chuyên gia, đất nước Đông Nam Á này vẫn có những điểm mạnh nhất định, chẳng hạn như tình hình địa chính trị tương đối ổn định và ít rủi ro về thiên tai. Và nếu xét về mặt địa lý thì Malaysia có một vị trí thuận lợi khi là trung tâm trong khu vực Đông Nam Á.

“Malaysia vốn đã lớn mạnh trong lĩnh vực đóng gói và thử nghiệm chip. Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức, song đây vẫn là mảnh đất màu mỡ để các nhà đầu tư nước ngoài cân nhắc phát triển trong tương lai đối với ngành công nghiệp bán dẫn”, ông Ng Kok Tiong cho biết.

Nguồn: nhipcaudautu