Quay lại

Lãi suất tăng, kinh tế suy thoái, nguy cơ xuất hiện nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm “zombie”

Các nhà đầu tư mạo hiểm đang nâng cao cảnh báo về một kịch bản tận thế trong thế giới đầu tư mạo hiểm (VC) - cụ thể là sự xuất hiện của các công ty VC “ma” - đó là những quỹ VC đang gặp khó khăn trong việc gây quỹ tiếp theo của họ.

Đối mặt với bối cảnh lãi suất cao hơn và lo ngại về suy thoái kinh tế sắp tới, các nhà đầu tư mạo hiểm dự đoán sẽ có hàng trăm công ty trở thành “zombie” trong vài năm tới.

“Chúng tôi cho rằng sẽ có ngày càng nhiều các VC zombie, những VC đang tồn tại vì họ phải cố gắng quản lý khoản đầu tư mà họ đã thực hiện từ quỹ trước nhưng không có khả năng huy động quỹ tiếp theo”, Maelle Gavet, Giám đốc điều hành của mạng lưới doanh nhân toàn cầu Techstars nói.

Thậm chí, bà còn nói thêm rằng: “Con số VC zombie có thể chiếm tới 50% tổng số VC trong vài năm tới, những VC không thể gây quỹ tiếp theo”.

QUỸ ĐẦU TƯ MẠO HIỂM ZOMBIE LÀ GÌ?
Trong thế giới doanh nghiệp, một zombie không phải là một người đã chết bỗng sống lại. Thay vào đó, đó là một doanh nghiệp, dù vẫn tạo ra tiền mặt, song lại mắc nợ nhiều đến mức chỉ có thể trả những chi phí cố định và lãi suất cho các khoản nợ chứ không phải là trả các khoản nợ đó.

Mọi thứ đang trở nên khó khăn hơn đối với các công ty zombie trong bối cảnh lãi suất cao, vì chi phí đi vay bị đội lên. Cục Dự trữ Liên bang, Ngân hàng Trung ương Châu Âu và Ngân hàng Anh đều đồng loạt tăng lãi suất một lần nữa vào đầu tháng này.

Trong thị trường VC, zombie là một công ty đầu tư không còn khả năng huy động tiền để hỗ trợ các công ty mới. Họ vẫn hoạt động theo nghĩa là họ quản lý một danh mục đầu tư. Nhưng họ ngừng viết séc mới cho người sáng lập trong bối cảnh phải vật lộn để tạo ra lợi nhuận.

Các nhà đầu tư dự đoán bối cảnh kinh tế ảm đạm này sẽ tạo ra vô số “quỹ xác sống”, không còn tạo ra lợi nhuận, thay vào đó chỉ tập trung quản lý danh mục đầu tư hiện có của họ - và chuẩn bị đóng cửa.

“Chắc chắn có những công ty VC zombie đang tồn tại, điều này xảy ra trong mọi thời kỳ suy thoái”, Michael Jackson, một nhà đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Paris, người đầu tư vào cả các công ty khởi nghiệp và quỹ đầu tư mạo hiểm, nói với hãng tin CNBC.

“Môi trường gây quỹ cho các VC đã hạ nhiệt đáng kể, vì vậy nhiều công ty sẽ không thể huy động vốn tiếp theo của họ”.

TẠI SAO CÁC VC GẶP KHÓ KHĂN

Các VC nhận tiền từ những người ủng hộ tổ chức được gọi là LP hay Limited Partner (thành viên góp vốn) và trao một lượng nhỏ tiền mặt cho các công ty khởi nghiệp để đổi lấy vốn chủ sở hữu. Những LP này thường là quỹ hưu trí, tài trợ và văn phòng gia đình.

Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ và công ty khởi nghiệp đó ra mắt công chúng thành công hoặc được mua lại, một VC sẽ thu lại tiền hoặc tốt hơn nữa là tạo ra lợi nhuận từ khoản đầu tư của họ. Nhưng trong môi trường hiện tại, các công ty khởi nghiệp đang bị giảm giá trị, các LP đang trở nên kén chọn hơn về nơi họ gửi tiền mặt.

“Chúng ta sẽ thấy nhiều công ty đầu tư mạo hiểm kiểu zombie hơn trong năm nay,” Steve Saraccino, người sáng lập công ty đầu tư mạo hiểm Activant Capital, nói.

Định giá các startup công nghệ sụt giảm mạnh đã gây thiệt hại cho ngành đầu tư mạo hiểm. Các cổ phiếu công nghệ niêm yết công khai gặp khó trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư suy yếu.

Stripe, gã khổng lồ thanh toán trực tuyến, đã chứng kiến giá trị thị trường nội bộ của mình giảm 40% xuống còn 63 tỷ USD kể từ khi đạt mức cao nhất là 95 tỷ USD vào tháng 3/2021. Dịch vụ mua ngay, trả sau Klarna huy động vốn lần cuối với mức định giá 6,7 tỷ USD, giảm giá mạnh tới 85% so với lần gây quỹ trước đó.

Tiền điện tử là ví dụ điển hình nhất về sự đảo ngược trong công nghệ. Vào tháng 11/2022, sàn giao dịch tiền điện tử FTX đã nộp đơn xin phá sản. Các nhà đầu tư vào FTX bao gồm một số tên đáng chú ý nhất trong VC và vốn cổ phần tư nhân, bao gồm Sequoia Capital, Tiger Global và SoftBank đặt ra câu hỏi về mức độ thẩm định. Vì các công ty mà họ hậu thuẫn đều thuộc sở hữu tư nhân, nên bất kỳ khoản lãi nào mà các VC kiếm được từ các khoản đặt cược của họ đều là lợi nhuận trên giấy tờ - nghĩa là, chúng sẽ không được thực hiện cho đến khi một công ty trong danh mục đầu tư lên sàn hoặc bán cho một công ty khác. Cửa sổ IPO phần lớn đã bị đóng do một số công ty công nghệ chọn tạm dừng niêm yết cho đến khi điều kiện thị trường được cải thiện. Hoạt động mua bán và sáp nhập cũng chậm lại.

Lãi suất tăng, kinh tế suy thoái, nguy cơ xuất hiện nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm “zombie” - Ảnh 1

KHI NÀO VC ZOMBIE SẼ XUẤT HIỆN?
Trong hai đến ba năm qua, một loạt các quỹ đầu tư mạo hiểm mới đã xuất hiện do lãi suất thấp kéo dài. Tổng cộng có 274 quỹ đã được các VC huy động vào năm 2022, nhiều hơn bất kỳ năm nào trước đó và tăng 73% so với 158 quỹ vào năm 2019, theo số liệu từ nền tảng dữ liệu Dealroom.

Các LP thường ít khi trao tiền mặt cho các quỹ mới thành lập, có ít kinh nghiệm hơn so với những quỹ đã có tên tuổi thành tích tốt. Và hiện nay, các LP đang rút lui sau khi hoạt động quá mức trên thị trường, khiến nhiều quỹ VC mới thành lập trong vài năm qua trở nên khó gọi vốn hơn. Rất nhiều công ty VC mới này chưa được chứng minh năng lực và không thể hoàn vốn cho LP, nghĩa là họ sẽ phải vật lộn khó khăn để huy động vốn mới.

Frank Demmler, giảng dạy tinh thần kinh doanh tại Trường Kinh doanh Tepper của Đại học Carnegie Mellon, cho biết có thể sẽ mất từ ​​ba đến bốn năm trước khi các công ty VC ốm yếu có dấu hiệu gặp khó khăn.

“Mọi thứ sẽ không rõ ràng như với các công ty zombie trong các ngành khác, nhưng dấu hiệu nhận biết là các VC đó không đầu tư lớn trong ba hoặc bốn năm qua, họ không tăng quỹ mới”, Demmler cho biết, có rất nhiều quỹ nhận được các khoản tài trợ đầu tiên trong thời kỳ thịnh vượng vài năm qua. Nhưng những quỹ đó có thể sẽ bị kẹt giữa chừng khi chưa có cơ hội thanh khoản và họ còn gặp phải tình huống không thể tạo ra loại lợi nhuận mà LP mong muốn. Đó là khi tình trạng zombie bắt đầu xuất hiện.

Theo những người trong ngành, các VC sẽ không sa thải hàng loạt nhân viên như các công ty công nghệ đã sa thải hàng ngàn người. Thay vào đó, họ sẽ sa thải nhân viên theo thời gian thông qua tình trạng tiêu hao, tránh duy trì các vị trí tuyển dụng khi đối tác rời bỏ hoặc khi họ chuẩn bị kết thúc hoạt động.

Hussein Kanji, đối tác tại Hoxton Ventures, giải thích: “Một dự án kết thúc không giống như một công ty kết thúc. Phải mất 10-12 năm các quỹ mới ngừng hoạt động. Vì vậy, về cơ bản, họ không gây thêm quỹ và phí quản lý giảm”.

“Mọi người rời đi và quỹ kết thúc với một nhóm nhân sự cốt cán quản lý danh mục đầu tư cho đến khi tất cả thoát ra trong khoảng thời gian cho phép. Đây là những gì đã xảy ra vào năm 2001”.

Nguồn: TBKTVN