Kiến tạo không gian phát triển cho ngành rong - tảo biển, hướng tới mục tiêu 500.000 tấn vào năm 2030
Chủ trì hội thảo “Phát triển nuôi trồng rong, tảo biển” vào cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đề nghị: "Doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, nhận thức rõ mình không chỉ bán sản phẩm rong biển thông thường, thu lợi nhuận mà đang bán giá trị dinh dưỡng cho người tiêu dùng".
PHẤN ĐẤU ĐẾN NĂM 2030 SẼ TĂNG SẢN LƯỢNG GẤP 3 LẦN
Báo cáo tại hội thảo, ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết diện tích trồng rong biển ở Việt Nam trong năm 2023 đạt khoảng 16.500ha, sản lượng thu hoạch 150.000 tấn. Trong đó, lợi nhuận trồng rong nho đạt khoảng 150 - 200 triệu/ha; trồng rong sụn đạt lợi nhuận khoảng 60 – 80 triệu đồng/ha. Nuôi trồng rong, tảo biển đang giúp tạo sinh kế cho người dân ven biển.
Theo ông Luân, trên thế giới, sản lượng rong, tảo biển tăng nhanh, hiện khoảng 36 triệu tấn (35 triệu tấn từ nuôi trồng) mỗi năm. Tổng giá trị rong, tảo biển trên thế giới khoảng 16-20 tỷ USD/năm, tăng trưởng bình quân 10%/năm.
“Tại Hàn Quốc, Nhật Bản, người dân thường sử dụng rong, tảo biển làm thực phẩm hằng ngày. Nuôi trồng rong, tảo biển còn có khả năng hấp thụ khí CH4 (khí metan- một trong những loại khí gây hiệu ứng nhà kính) gấp 5 lần so với cây trồng trên cạn khác. Ngoài ra, rong, tảo biển còn có thể sản xuất thành dược, mỹ phẩm, phụ gia thực phẩm”, ông Luân thông tin.
"Trong Chiến lược phát triển ngành Thủy sản, Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, sản lượng rong, tảo biển các loại đạt khoảng 180 nghìn tấn; năm 2030 là 500 nghìn tấn”.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản.
Nghiên cứu cho thấy, diện tích có tiềm năng cho trồng rong biển ở nước ta khoảng 900.000ha. “Ngành hàng rong biển của nước ta hiện tại đang có nhiều cơ hội để phát triển, như thị trường toàn cầu tăng trường trên 10%/năm; khả năng hấp thụ CO2 nhanh gấp 5 lần thực vật cạn là cơ hội để có thể bán các tín chỉ carbon; xu thế sử dụng thực phẩm, năng lượng xanh; hoạt chất của rong tảo có thể sử dụng vào nhiều lĩnh vực như dược phẩm, mỹ phẩm, thức ăn chăn nuôi, phân bón sinh học…”, ông Luân nhận định.
Tuy nhiên, ông Luân cũng chỉ ra rằng ngành nuôi trồng rong biển tại Việt Nam đối diện với không ít thách thức, như chất lượng giống còn hạn chế; cạnh tranh diện tích với các ngành kinh tế khác; thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn; ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu…
Trong thời gian tới, ngành rong biển Việt Nam sẽ tập trung phát triển nuôi trồng gần bờ các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, với đối tượng chính là rong nho, rong câu chỉ vàng, rong sụn. Bên cạnh đó, phát triển nuôi trồng xa bờ tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cà Mau, Kiên Giang và một số địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi. Đối tượng trồng chính là rong sụn và giống nhập.
Theo Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III (tại Nha trang), tại Việt Nam đã phát hiện có hơn 887 loài rong tự nhiên, trong đó có 88 loài có giá trị kinh tế, với 3 nhóm loài chính gồm rong sụn, rong câu, rong nho. Khu vực biển miền Trung có số lượng loài rong biển phân bố nhiều nhất với 310 loài, tiếp đến là khu vực biển miền Nam tìm thấy 221 loài rong biển, trong vùng biển thuộc Vịnh Bắc Bộ đã xác định được 218 loài rong biển tự nhiên.
Nghiên cứu tại các đảo tiền tiêu của nước ta, đã ghi nhận được 375 loài rong biển thuộc 62 họ, 26 bộ của 4 ngành rong. Trong đó, ngành rong Lam có 16 loài, ngành rong Đỏ có 193 loài, ngành rong Nâu (Phaeophyta) có 72 loài và ngành rong Lục có 94 loài.
Các đảo tiền tiêu khu vực biển miền Trung có thành phần loài rong biển đa dạng hơn so với khu vực miền Bắc và miền Nam. Cụ thể, thành phần loài đa dạng nhất ghi nhận tại Lý Sơn với 143 loài, tiếp đến tại Phú Quý ghi nhận 136 loài, Bạch Long Vỹ ghi nhận 112 loài, 3 đảo gồm: Cồn Cỏ, Côn Đảo, Nam Du cùng ghi nhận được 96 loài, Trường Sa lớn ghi nhận 81 loài, Cô Tô ghi nhận 79 loài và Vĩnh Thực ghi nhận 70 loài.
XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC VÀ XÚC TIẾN THÀNH LẬP HIỆP HỘI RONG BIỂN
Các đại biểu đại diện cho doanh nghiệp, viện nghiên cứu… tham dự hội thảo, cho rằng để ngành hàng rong biển phát triển cần quy hoạch lại vùng nuôi theo hướng tập trung, chỉ rõ nơi nào có thể nuôi trồng, không thể nuôi trồng để tránh tình trạng phát triển ồ ạt. Bởi lẽ, nếu để tình trạng hoạt động nuôi trồng tự phát, rải rác sẽ rất khó kiểm soát về mặt chất lượng, dịch bệnh, bảo vệ thương hiệu… Đặc biệt, gây khó khăn cho việc truy xuất nguồn gốc khi chúng ta muốn đưa sản phẩm vào thị trường các nước.
Bên cạnh đó, xây dựng một đề tài khoa học thật sự bài bản về cải tạo giống rong biển. Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam cho ngành hàng rong biển. Ngoài ra, khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển nuôi trồng rong biển theo hướng đa canh (trồng rong biển kết hợp nuôi các loài khác như bào ngư, hải sâm, vẹm xanh...) để gia tăng lợi nhuận, phát triển bền vững.
Chủ trì hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhận định: Hiện ngành rong, tảo biển của Việt Nam đang chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của ngành hàng này. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tập trung giải quyết các vấn đề lớn như biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng. Do đó, ngành hàng rong biển muốn phát triển phải giải quyết cùng lúc được những vấn đề này.
“Rong, tảo biển có giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe con người, không chỉ giúp xuất khẩu, mang lại giá trị kinh tế mà còn góp phần nâng cao thể chất cho người Việt Nam. Trên cơ sở này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ báo cáo, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ để chính thức đưa rong, tảo biển thành một ngành hàng chính của lĩnh vực thủy sản”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thông tin.
Bộ trưởng lưu ý các đơn vị, doanh nghiệp phát triển nuôi trồng, chế biến rong biển ngoài việc tập trung nâng cao giá trị sản phẩm cần quan tâm hơn nữa tới việc xây dựng hệ sinh thái ngành hàng; tạo nhiều việc làm cho lực lượng ngư dân chuyên khai thác, giúp họ chuyển đổi ngành nghề phát triển nuôi trồng bền vững.
Đối với doanh nghiệp, Bộ trưởng đề nghị phải thay đổi tư duy, nhận thức rõ mình không chỉ bán sản phẩm rong biển thông thường, thu lợi nhuận mà đang bán giá trị dinh dưỡng cho người tiêu dùng. Sản phẩm do mình tạo ra có tác động lớn tới sức khỏe giống nòi. Từ đó, không ngừng hoàn thiện quy trình chất lượng từ con giống, sản xuất, chế biến, bảo quản.
Để ngành hàng rong, tảo biển phát triển, Bộ trưởng yêu cầu Cục Thủy sản cần sớm phối hợp với các cơ quan chức năng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các chuyên gia thủy sản xây dựng chiến lược và kế hoạch ngành hàng này, đồng thời xúc tiến các thủ tục thành lập hiệp hội ngành hàng để cùng nhau kiến tạo ra không gian, giá trị mới cho rong, tảo biển.
Nguồn: TBKTVN